Việc người dân xây dựng lò nung vôi, trồng trọt, sinh sống ngay trong khu vực di tích đang ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường động Kính Chủ.
Hàng quán nhếch nhác trong khu di tích động Kính Chủ
Được xếp vào hàng Nam Thiên đệ lục động (động đẹp thứ 6 trời Nam), động Kính Chủ (xã Phạm Mệnh, Kinh Môn) là một trong những di tích quốc gia được công nhận sớm, từ năm 1962. Thế nhưng, việc người dân xây dựng lò nung vôi, trồng trọt, sinh sống ngay trong khu vực di tích đang ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường nơi đây.
Theo quy hoạch cắm mốc ranh giới bảo vệ do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lập năm 2004, di tích Kính Chủ có diện tích trên 450 nghìn m2, trong đó bao gồm hai dãy núi Dương Nham và Lĩnh Đông cùng khu vực vành đai. Để thực hiện việc khoanh vùng bảo vệ này các cơ quan chức năng đã cho dựng 58 cọc mốc giới xung quanh di tích. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy có 3 lò vôi lớn đang hoạt động tại chân núi Lĩnh Đông, bên trong khu vực được cắm cọc mốc giới. Xung quanh 3 lò vôi này là các bãi tập kết vôi cùng 2 ô-tô chuyên chở. Còn ngay cạnh khu vực đường vào chân núi là một lò vôi khác đã ngừng hoạt động. Tiếp tục đi sâu vào dãy nũi Lĩnh Đông, chúng tôi bắt gặp ở rìa núi phía bên đối diện một lò vôi lớn khác với rất nhiều công nhân đang làm việc. Còn khu vực bờ sông Kinh Thầy, một bến cát với nhiều ô-tô đang chờ lấy cát. Cũng ở bờ sông, chúng tôi thấy có hai bến bãi tập kết đá.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Quân, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn cho biết: Ban Quản lý di tích huyện được thành lập năm 2007. Khi tiếp quản việc bảo vệ di tích Kính Chủ thì những lò vôi và các bến cát, bến đá này đã hoạt động ở đây rồi. Kể từ khi di tích được khoanh vùng bảo vệ, người ta không còn khai thác đá tại núi Lĩnh Đông làm nguyên liệu nung vôi như trước mà mua đá từ nơi khác về. Việc các lò vôi, các bến bãi hoạt động bên trong khu vực khoanh vùng di tích rõ ràng là vi phạm. Các lò vôi còn gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới mỹ quan di tích. Thế nhưng chẳng hiểu sao từ nhiều năm nay, hoạt động này vẫn không được các cơ quan chức năng ngăn chặn. Ban Quản lý di tích do không có thẩm quyền nên chỉ nhắc nhở các chủ lò, chủ bến không xâm phạm và làm ảnh hưởng, biến dạng cảnh quan di tích.
Để tìm hiểu việc này, chúng tôi đã làm việc với UBND xã Phạm Mệnh. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Năm 2004, khi tỉnh tổ chức cắm mốc giới bảo vệ di tích, đại diện của xã cũng đã tham gia ký nhận. Lúc đó các lò vôi và các bến cát, đá tại khu vực núi Lĩnh Đông đã có. Tuy nhiên, kể từ khi có quy hoạch cắm mốc giới bảo vệ đến nay, xã chưa nhận được bất cứ hướng dẫn nào của trên nên vẫn để các lò vôi, bến bãi này hoạt động. Nếu các cơ quan chức năng có chỉ đạo về việc dừng các hoạt động đốt vôi, tập kết bến bãi, xã sẽ chỉ đạo thực hiện ngay".
Không chỉ việc đốt vôi, mở bến bãi tập kết cát, đá làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan di tích mà việc các hộ dân trồng trọt, sinh sống trong di tích cũng đang làm cho bộ mặt của Kính Chủ thêm nhếch nhác. Vào thăm khu vực động chính, ngay dưới chân núi, chúng tôi gặp một quán hàng lớn bỏ không của một hộ dân với bàn ghế lộn xộn. Đi thêm chục mét lại gặp một chiếc giường gỗ vứt chỏng chơ trước một gian nhà nhỏ tạm bợ. Vào sâu bên trong thêm một ngôi nhà nhỏ hai gian khác. Các nhân viên của Ban Quản lý di tích cho biết: Khu vực này thuộc quyền quản lý của đơn vị. Thế nhưng cũng phần đất này lại được chính quyền giao cho các hộ dân đấu thầu trồng cây lâu năm, đào ao thả cá và sinh sống. Hoạt động của các hộ dân đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của di tích, song vì là tài sản cá nhân nên đơn vị không có thẩm quyền xử lý, thu dọn.
Chưa hết, đi một vòng quanh khu vực di tích chúng tôi còn gặp một số hộ dân khác định cư sinh sống trong khu vực khoanh vùng. Và tất nhiên, mọi sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất cũng diễn ra tại đây. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích, hiện trong khoanh vùng di tích có khoảng 10 hộ dân sinh sống. Trong đó, khu vực núi Dương Nham, nơi có các hang động chính của khu di tích có 4 hộ dân, khu vực núi Lĩnh Đông có 6 hộ dân sinh sống. Việc các hộ dân sinh sống gây khó khăn trong việc bảo vệ, quản lý di tích. Ngoài ra, để phục vụ sản xuất, người dân còn chuyên chở cả phân tro, dắt trâu bò đi lại trong di tích.
Ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Sự hiện diện của các lò đốt vôi, các bến cát, đá trong di tích là điều không thể chấp nhận. Cho dù các lò đốt vôi này không khai thác nguyên liệu trong di tích thì sự hiện diện của chúng cũng đã vi phạm nghiêm trọng đến không gian, môi trường, cảnh quan di tích đã được khoanh vùng. Các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện cần vào cuộc, đình chỉ ngay những hoạt động của các lò vôi, bến cát, đá trong khu vực di tích. Một giải pháp khả thi để di tích không bị xâm hại, khai thác tiềm năng di tích, là xây dựng đền thờ Phạm Sư Mệnh tại núi Lĩnh Đông, biến nơi đây thành chốn tâm linh, du lịch, thu hút khách tham quan. Với các hộ dân sinh sống trong khu vực bảo vệ đặc biệt, cần kiên quyết di dời, trả lại sự toàn vẹn cho di tích. Hướng đi lâu dài là cần có chính sách giải quyết công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. Kính Chủ có nghề chạm khắc đá truyền thống nổi tiếng. Địa phương nên phát huy nghề đá cổ truyền bằng cách sản xuất các sản phẩm đá mỹ nghệ kết hợp với du lịch tâm linh.
HẰNG TRẦN