Vì không yêu thích, không phù hợp nên không ít sinh viên đã đứt gánh giữa đường, không thể tốt nghiệp đại học; nhiều sinh viên ra trường, đi làm nhưng không say mê công việc nên không thể làm tốt, phát triển bản thân.
Từ đầu tháng 8 đến nay có 2 gameshow ca nhạc trên truyền hình thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả với nội dung na ná nhau. Đó là King of Rap và Rap Việt, thể loại ca nhạc xuất phát từ các nước phương Tây đã xâm nhập vào nước ta trong những năm gần đây. Mặc dù được giới trẻ yêu thích nhưng rap chưa chiếm được cảm tình của những người lứa tuổi trung niên, trưởng thành. Hai chương trình này được kỳ vọng sẽ góp phần đưa rap đến với đông đảo công chúng hơn, thay đổi cái nhìn có phần kỳ thị của nhiều người đối với các ca sĩ theo đuổi thể loại này. Có một điều đáng chú ý là trong các chương trình xuất hiện hình ảnh phụ huynh của các thí sinh một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhiều thí sinh theo đuổi niềm đam mê ca hát, đến được với cuộc thi là nhờ sự ủng hộ, đồng hành của cha mẹ. Ở những thí sinh ấy đều toát lên niềm vui, sự tự hào khi nhắc đến cha mẹ mình.
Thấu hiểu để ủng hộ, động viên con cái theo đuổi niềm đam mê, tôn trọng sự lựa chọn của con để định hướng cho con là điều không phải phụ huynh nào cũng làm được. Mỗi dịp chuẩn bị đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, hỏi chuyện các em học sinh lớp 12 ở các trường THPT trong toàn tỉnh, tôi thường nghe được nhiều nỗi băn khoăn vì mong muốn chọn ngành nghề của bản thân không được bố mẹ ủng hộ. Ở độ tuổi còn phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, đa phần các em sẽ nghe theo lời khuyên của bố mẹ để đi học những ngành nghề mà bố mẹ đang làm hoặc mong muốn các em sẽ làm dù các em không thích. Vì không yêu thích, không phù hợp nên không ít sinh viên đã đứt gánh giữa đường, không thể tốt nghiệp đại học; nhiều sinh viên ra trường, đi làm nhưng không say mê công việc nên không thể làm tốt, phát triển bản thân. Nhiều học sinh cãi lời cha mẹ để quyết theo đuổi mong muốn của mình thì không được ủng hộ, tạo ra sức ép tinh thần lớn cho các em khi việc học hành hay công việc không được suôn sẻ.
Để đồng hành với con hiệu quả, các bậc cha mẹ nên gần gũi, chia sẻ về mong muốn, nguyện vọng của con mình, đồng thời phải đánh giá được chính xác học lực, khả năng của con để định hướng phù hợp. Nếu năng lực của con phù hợp với ước mơ thì nên động viên, khuyến khích, định hướng để con phát triển theo chiều hướng tích cực. Còn nếu nhận thấy khả năng của con không phù hợp thì tìm cách khuyên giải, thuyết phục chứ không nên cấm đoán, gây tâm lý ức chế. Có thể giúp con tìm hiểu sâu hơn về các ngành nghề, công việc đó như nhờ những người trong nghề nói chuyện, dẫn con tới quan sát môi trường làm việc để con tự cảm nhận. Những cha mẹ có con ước mơ theo đuổi các bộ môn nghệ thuật, thể thao nên tạo điều kiện cho con trau dồi năng khiếu, tham gia các cuộc thi lành mạnh để rèn luyện và tự lượng sức mình. Hải Dương đã có nhiều ca sĩ, cầu thủ tài năng, nổi tiếng nhờ được bố mẹ ủng hộ, tạo điều kiện để theo đuổi ước mơ từ khi còn bé.
Cùng theo đuổi giấc mơ nghề nghiệp, mỗi người có khả năng ở những mức độ rất khác nhau. Có người đạt được nhiều thành tựu, có người chỉ dừng lại ở mức trung bình, có người lại gặp nhiều thất bại. Nhưng nếu có gia đình luôn đồng hành, chia sẻ, động viên thì tin rằng dù đạt được thành công ở mức độ nào, họ cũng cảm thấy hạnh phúc và đóng góp được nhiều điều tích cực cho xã hội.
LAM ANH