Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp

13/01/2012 11:09

Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã thành lập 42 khu nuôi trồng thuỷ sản thanh niên, 152 CLB thanh niên làm kinh tế giỏi...



Cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất cao cấp của anh Phạm Tuấn Anh mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng


Năm 1995, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Phạm Tuấn Anh ở thôn Trung, xã Thống Nhất (Gia Lộc) bắt đầu học nghề mộc của cha mình. Năm 1996, anh vào miền Nam học cách làm mộc mới. Một năm sau, anh về quê tự mở một xưởng sản xuất gần 40m2, chủ yếu nhận làm các sản phẩm nội thất nhỏ như tủ, kệ... Ngay những năm đầu khởi nghiệp, gia đình anh đã lãi khoảng 30 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 3 - 4 lao động, với mức thu nhập từ 500 - 600 nghìn đồng/người/tháng. Lúc đầu, anh chỉ nhận làm cho bà con làng xóm, họ hàng, rồi dần dần nhiều đại lý đã tìm tới tận nơi để đặt hàng. Nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, gia đình anh đầu tư thêm vốn để mở rộng xưởng sản xuất. Năm 2000, có chút vốn trong tay, anh chuyển xưởng sản xuất ra gần đường liên xã để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển sản phẩm. Có bao nhiêu lãi, anh lại quay vòng đầu tư máy móc, mua nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất. Năm 2004 anh vay 35 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng 2.500m2 và mở cửa hàng trưng bày sản phẩm rộng 360m2 tại xã Trùng Khánh. Cuối năm 2010, anh được tổ chức đoàn tạo điều kiện cho vay ưu đãi 64 triệu đồng tiếp tục đầu tư trang bị thêm máy móc hiện đại, mua nguyên liệu. Để có nhiều mẫu sản phẩm mới, anh Tuấn Anh thường xuyên học hỏi qua bạn bè trong nghề, qua sách báo về xu hướng mẫu trang trí đồ nội thất. Cơ sở của anh chủ yếu sản xuất các sản phẩm đồ gỗ nội thất như tủ, kệ, bàn ghế, giường... bán trong tỉnh. Hiện tại, tổng số vốn lưu động trong xưởng gia đình anh Tuấn Anh đạt trên 700 triệu đồng. Cơ sở của anh cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho 17 lao động với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm trừ chi phí, anh thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Anh Ngô Quang Trưởng ở khu dân cư Trại Sen, phường Văn An (Chí Linh) cũng là một trong rất nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) nhận được sự hỗ trợ của tổ chức đoàn. Năm 2007, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự anh trở về quê, nhận thầu lại hơn 4.000 m2 đất đồi đào ao, đắp bờ, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Anh Trưởng được Đoàn xã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng để hoàn thiện khu chăn nuôi và mua giống. Vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, trang trại của anh thường xuyên nuôi 120 con lợn thương phẩm, gần 800 con ngan, gà, vịt, trên 2.000 cá truyền thống. Trên bờ, anh trồng thêm 50 gốc ổi lai, 25 cây nhãn lồng, 65 gốc táo lai. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế trang trại, anh Trưởng đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung, đạt năng suất 20 nghìn viên/tháng. Với mô hình kinh tế này, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 130 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/ người/tháng.

Hiện nay, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã thành lập 42 khu nuôi trồng thuỷ sản thanh niên, 152 câu lạc bộ (CLB) thanh niên làm kinh tế giỏi, CLB thuỷ sản, 40 tổ hợp tác và HTX thanh niên về lĩnh vực điện, dịch vụ môi trường, cơ khí, 612 trang trại, gia trại trẻ. Thông qua những mô hình này, các ĐVTN nhận được sự hỗ trợ về vốn, giống, khoa học, kỹ thuật của tổ chức đoàn và các thành viên trong CLB. Trong 5 năm (2007-2011) triển khai thực hiện phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, các tổ chức đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, huy động các nguồn vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 145 tỷ đồng, cho 8.993 lượt ĐVTN vay, với 11 dự án, chương trình phát triển kinh tế. Phối hợp với các ngành tổ chức 146 lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ thực vật, trồng trọt... cho 6.440 lượt ĐVTN. Cùng với các hoạt động hỗ trợ về vốn phát triển kinh tế, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã mở gần 100 lớp dạy nghề cho thanh niên. Có 32.120 thanh niên được tư vấn, giới thiệu việc làm. Toàn tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động 5 văn phòng tư vấn giới thiệu việc làm tại các huyện Thanh Miện, Ninh Giang, Bình Giang, Nam Sách, Cẩm Giàng và 1 văn phòng hỗ trợ thanh niên công nhân tại huyện Kim Thành.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của tổ chức đoàn cho thanh niên vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa giúp nhiều ĐVTN lập nghiệp theo đúng khả năng của mình. Mức hỗ trợ về vốn vay ưu đãi cho thanh niên phát triển kinh tế còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong công tác dạy nghề, một số nghề chưa thực sự sát với nhu cầu tuyển dụng của các nhà tuyển dụng, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tổ chức các ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm của các tổ chức đoàn còn ít, các văn phòng tư vấn chưa phát huy được hết hiệu quả trong giới thiệu việc làm cho ĐVTN...

Thời gian tới, các cấp bộ đoàn trong tỉnh tập trung đẩy mạnh nội dung đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm như tăng cường nguồn vốn vay cho ĐVTN, góp phần phát huy vai trò xung kích đi đầu của ĐVTN tham gia phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Đồng thời, các tổ chức đoàn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền về công tác thanh niên, tin tưởng và tạo điều kiện giúp thanh niên tự khẳng định mình...

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp