Đồng hành cùng học sinh trên mạng xã hội

22/01/2018 08:49

Nhiều nhà trường và giáo viên đã trở thành người bạn đồng hành, dẫn đường, chỉ lối cho học sinh trên mạng xã hội.


Nhiều nhà trường và giáo viên đã trở thành người bạn đồng hành với học sinh trên mạng xã hội

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng

Trên thực tế, có không ít trường hợp xích mích, mâu thuẫn, bạo lực học đường đã nảy sinh từ những việc rất nhỏ như nhấn nút "thích", "chia sẻ" hay bình luận, thậm chí có học sinh đã tự tử vì bị bạn bè chỉ trích, chế giễu trên mạng xã hội. Do đó, việc định hướng và uốn nắn kịp thời để học sinh sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh là hết sức cần thiết.

Khoảng 4 năm trở lại đây, Trường THPT Nam Sách II đã bắt đầu định hướng cho học sinh sử dụng mạng xã hội lành mạnh. Nhà trường khuyến khích các giáo viên chủ nhiệm “kết bạn” với học sinh của lớp mình trên Facebook. Qua đó, giáo viên chủ nhiệm nắm bắt được tâm tư, tình cảm, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn khi các em có những hành vi, biểu hiện chưa chuẩn mực. Thấy học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, hay các em có những bức ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, những dòng trạng thái tiêu cực, dễ gây hiềm khích cá nhân, giáo viên chủ nhiệm sẽ nhắc nhở ngay để học sinh điều chỉnh kịp thời. Mỗi sáng thứ hai đầu tuần, nhà trường đều tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề cho các lớp lần lượt lựa chọn chủ đề. Các em có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình và truyền đi các thông điệp qua các tiểu phẩm, vở kịch... Mạng xã hội cũng từng là chủ đề được một số lớp lựa chọn và học sinh trong trường hào hứng đón nhận vì nó gắn liền với thực tế.

Trước đây, thông tin, hoạt động của các trường học thường chỉ được thông báo trên loa phát thanh của nhà trường, trên bảng tin hay nhắc nhở trước giờ chào cờ, giờ sinh hoạt. Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, như nhiều trường học khác, Trường THPT Nam Sách II đã lập fanpage và giao cho 2 giáo viên phụ trách nội dung thông tin. Fanpage thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan đến những hoạt động của nhà trường, các buổi sinh hoạt chuyên đề, thông tin tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh trước mỗi mùa thi, kịp thời giải đáp khi học sinh có thắc mắc. Thầy Trần Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Sách II đặc biệt ấn tượng về câu chuyện với một học sinh. Khi em này có khoảng thời gian chểnh mảng trong học tập và đã bỏ một vài buổi học, thầy Khoa đã “tìm gặp” em trên Facebook, gợi mở trò chuyện với em, để từ đó hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, những mong muốn, suy nghĩ của em. Từ những phân tích, dẫn chứng cụ thể, động viên hằng ngày của thầy, cuối cùng cậu học sinh từng có ý định bỏ học ấy đã quay trở lại trường và có nhiều tiến bộ. "Cũng qua mạng xã hội, tôi thường trò chuyện với học sinh để tìm hiểu những nhận xét, cảm nghĩ của các em về nhà trường, giáo viên, môn học...", thầy Khoa nói.

Kênh học tập hữu hiệu

Nhiều giáo viên không chỉ sử dụng mạng xã hội như một kênh thông tin để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học sinh mà còn biến mạng xã hội thành một kênh học tập, trao đổi kiến thức rất hữu hiệu. Không cần bảng đen, phấn trắng, không cần bàn ghế, phòng học, chỉ cần máy tính hoặc chiếc điện thoại kết nối internet là học sinh có thể tham gia những buổi học hết sức đặc biệt. Tại đây, giáo viên có thể chia sẻ tài liệu môn học, thậm chí một số thầy cô còn livestream (quay trực tiếp) để giảng bài cho học sinh. Với hình ảnh thực tế, những phần nào chưa rõ, chưa hiểu hay cảm thấy khó khăn, học sinh có thể trực tiếp bình luận ở dưới để giáo viên giải đáp.

Từ tháng 4.2017, thầy giáo Trần Hoài Thanh, giáo viên dạy môn toán Trường THPT Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang) đã biến trang Facebook cá nhân của mình thành một kênh học tập, trao đổi kiến thức. "Bạn nào muốn nhận tài liệu thì comment mail ở dưới để thầy gửi tài liệu" hay "Lịch livestream hằng tuần: 20 giờ các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7. Ngày mai các bạn cần chữa dạng bài tập nào thì comment nhé: 1. Phương pháp giải tích phân; 2. Casio số phức...". Đó là những dòng trạng thái quen thuộc đối với khoảng 5.000 người trong danh sách bạn bè và gần 12.500 người theo dõi trang Facebook cá nhân của thầy Thanh. Nhiều dạng bài tập, thắc mắc của học sinh được thầy Thanh đưa vào nhóm "Thủ thuật Casio THPT" với khoảng 21.000 thành viên. Tại đây, các thành viên sẽ cùng tư duy để đưa ra cách giải, khi chưa tìm được kết quả hay phương pháp giải tối ưu thì thầy Thanh sẽ hỗ trợ. Dù công việc chuyên môn bận rộn nhưng thầy vẫn dành thời gian giải đáp thắc mắc của học sinh. Thầy Thanh nhận xét: "Trên lớp, nhiều học sinh có thể ngại ngần khi hỏi bài, nhờ thầy cô giải đáp thắc mắc nhưng trên mạng xã hội các em cởi mở hơn".

Em Trần Thị Quỳnh, lớp 12 C, Trường THPT Khúc Thừa Dụ cho biết: "Mỗi buổi học của thầy Thanh đều rất đặc biệt, em và các bạn có thể đặt câu hỏi cho thầy ngay dưới iframe. Sự tương tác giúp chúng em dễ hiểu bài hơn". Là giáo viên chủ nhiệm, thầy Thanh thấy rõ lợi ích của mạng xã hội khi trở thành cầu nối gắn kết mối quan hệ thầy trò. Ở đó, thầy có thể biết được suy nghĩ, mong muốn của học sinh, nhắc nhở các em học hành hay đôi khi như một người bạn lắng nghe các em tâm sự, chia sẻ. Thầy Thanh cũng thường khuyên học sinh sử dụng mạng xã hội trong một khoảng thời gian phù hợp, không để nó chiếm nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt cũng như tới sức khỏe.

Mạng xã hội sẽ trở thành công cụ có ích nếu như chúng ta biết khai thác, tận dụng những mặt tích cực. Việc định hướng đúng sẽ giúp học sinh sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh, tránh được những rắc rối hay hệ quả đáng tiếc. Tuy nhiên, các nhà trường, giáo viên cũng cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng mạng xã hội và phải luôn tôn trọng, bảo đảm quyền riêng tư, cá nhân của học sinh.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng hành cùng học sinh trên mạng xã hội