Viện trợ cho Kiev có thể bị gián đoạn nếu Quốc hội không thông qua gói chi tiêu 40 tỷ USD vào ngày 19.5, Lầu Năm Góc cho biết.
Một chuyến hàng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine
Theo đài RT (Nga), Lầu Năm Góc cảnh báo, dòng chảy vũ khí của Mỹ tới Ukraine có thể bị cắt đứt, ít nhất là tạm thời, nếu Quốc hội không nhanh chóng thông qua gói viện trợ mới gần 40 tỷ USD để giúp Kiev đẩy lùi cuộc tấn công của Nga.
“Ngày 19.5, nếu không có ủy quyền bổ sung, là ngày chúng tôi thực sự bắt đầu không có khả năng gửi hàng mới”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói với các phóng viên ngày 13.5. “Đến ngày 19.5, năng lực cung cấp viện trợ không bị gián đoạn của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng”
Ông Kirby cho biết các chuyến hàng vũ khí tới Kiev sẽ không dừng ngay lập tức vào ngày 20.5 do không có nguồn kinh phí mới bởi vì vẫn còn một số nguồn cung cấp trong chương trình được mua theo thẩm quyền chi tiêu khoảng 100 triệu USD mà Lầu Năm Góc hiện còn dành cho viện trợ Ukraine. Tuy nhiên, theo người phát ngôn này, do mất khả năng cung cấp hàng hóa mới, Lầu Năm Góc sẽ phải đối mặt với “một khoảng thời gian không có gì chuyển đi” nếu có sự trì hoãn kéo dài trong việc phê duyệt nguồn vốn mới.
Ông Kirby cho biết: “Chúng tôi đã tiến với một tốc độ khá nhanh ở đây, xét cả về từng gói viện trợ đã được phê duyệt và tốc độ mà những thứ đó đến tay người Ukraine. Theo nghĩa đen, mỗi ngày, đều có nhiều thứ chuyển tới [Ukraine] và chúng tôi muốn tiếp tục duy trì tốc độ đó càng lâu càng tốt.”
Gói viện trợ Ukraine mới nhất của Washington, trị giá 39,8 tỷ USD, đã được Hạ viện Mỹ thông qua áp đảo vào tối 10.5, nhưng Thượng viện không thông qua một nỗ lực phê duyệt nhanh dự luật này vào ngày 12.5. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul đã phản đối thông qua một điều khoản cho phép các dự luật với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng có thể đi đến một bỏ phiếu phê duyệt nhanh chóng mà không cần tranh luận. Trước đó, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, đại diện đảng Dân chủ, từ chối bổ sung vào luật viện trợ yêu cầu bổ nhiệm một tổng thanh tra để giám sát chi tiêu tiền.
Ông Schumer đã chỉ trích TNS Paul vì đã cản trở việc nhanh chóng phê duyệt gói viện trợ khổng lồ và cho rằng Washington có “nghĩa vụ đạo đức” là giúp Ukraine chống lại Nga. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell cũng thúc giục bỏ phiếu ngay lập tức về dự luật, nhưng sự phản đối của TNS Paul đồng nghĩa việc thông qua sẽ bị trì hoãn sớm nhất vào tuần tới.
Về phần mình, ông Rand Paul lập luận rằng người Mỹ đã “cảm thấy nỗi đau” của một cuộc khủng hoảng lạm phát, mà theo ông là do chi tiêu thâm hụt quá mức, “và Quốc hội dường như có ý định làm tăng thêm nỗi đau đó bằng cách đổ nhiều tiền ra khỏi cửa càng nhanh càng tốt”. Ông nói thêm: "Chúng ta không thể cứu Ukraine bằng cách làm suy yếu nền kinh tế Mỹ."
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Kirby nhắc lại yêu cầu của Lầu Năm Góc về cấp nguồn kinh phí mới cho Ukraine trong tuần thứ ba của tháng 5 này: “Chúng tôi tiếp tục thúc giục Thượng viện hành động nhanh nhất có thể để chúng tôi không phải chờ đến cuối tháng 5 và không có thêm bất kỳ ủy quyền nào để rút tiền”.
Mặc dù dự luật viện trợ được Hạ viện Mỹ thông qua Hạ viện với sự ủng hộ của tất cả các đảng viên Dân chủ và phần lớn đảng viên Cộng hòa, ngoại trừ 57 người phản đối, cuộc bỏ phiếu về gói viện trợ gần 40 tỉ USD cho thấy sự chia rẽ ngày càng tăng về vấn đề này ở phe Cộng hòa.
Đại diện Dan Crenshaw (bang Texas) ca ngợi dự luật này là một cách để tài trợ cho một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga, "đầu tư vào việc tiêu diệt quân đội của đối thủ của chúng ta mà không để mất một binh lính Mỹ nào”. Trong khi đó, những người chỉ trích, bao gồm nghị sĩ Marjorie Taylor Greene (bang Georgia), phản bác rằng các lệnh trừng phạt chống Nga chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lạm phát của Mỹ, và việc ưu tiên viện trợ cho Ukraine đang làm xao nhãng các vấn đề trong nước quan trọng hơn. Bà nói: “Trong khi bạn chi 40 tỷ USD cho cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga, tôi tập trung vào sữa bột dành cho trẻ em Mỹ”.
Thượng nghị sĩ Rand Paul lưu ý rằng gói chi tiêu mới nhất sẽ nâng tổng số viện trợ của Mỹ cho Ukraine lên 60 tỷ USD kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2, gần bằng mức mà Nga dành hàng năm cho toàn bộ ngân sách quốc phòng của nước này.
Theo TTXVN