Con đường đất lầy lội về mùa mưa, bụi bặm về mùa nắng đã lùi vào dĩ vãng đối với người dân thôn Đồng Chấm. Giờ đây họ đã có con đường bê-tông nhẵn thín để đi lại...
Đường về Đồng Chấm không còn cảnh lầy lội như xưa
Hằng ngày được đưa cháu đi học và đón cháu về với nhiều người là điều quá đỗi bình thường, nhưng với ông Vũ Văn Triển (58 tuổi) ở thôn Đồng Chấm, xã Tiền Phong (Thanh Miện) lại là điều vô cùng hạnh phúc. Bởi lẽ bao năm nay các con, các cháu của ông đều phải đi học nhờ ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên) do con đường nối từ thôn lên xã đi lại quá khó khăn, các cháu không thể theo học được tại địa phương.
Trước đây, từ thôn Đồng Chấm lên trung tâm xã hay lên huyện bà con phải đi qua con đường đê bằng đất dài 1,3 km, ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì trơn trượt. Những ngày mưa gió, hầu như mọi người phải đi qua các thôn của xã Nguyên Hòa (huyện Phù Cừ) để lên xã, lên huyện. Đi lại khó khăn kéo theo tình trạng các cháu trong thôn hầu như không học được ở xã mà phải học nhờ tại trường của xã Nguyên Hòa.
Không chỉ có vậy, Đồng Chấm cũng là một trong những thôn có diện tích đất bãi khá rộng của xã, bà con thường xuyên canh tác các loại rau màu như ngô, đậu tương, ớt... song vì đường sá không thuận lợi nên việc bán các sản phẩm cũng luôn bị thương lái ép giá với lý do đường đi quá khó khăn, xe không vào thu mua được. Ông Triển cho biết, có được con đường đúng là niềm mơ ước bao đời của người dân. Khi được biết sẽ làm đường, bà con phấn khởi từ ngày giải phóng mặt bằng, nhận xi-măng đến khi đổ những mét bê-tông đầu tiên. Con đường hoàn thành, ước mơ bao đời của người dân đã thành hiện thực.
Ông Vũ Văn Hữu, Trưởng thôn Đồng Chấm cười vui: "Khi chưa làm con đường này, bà con chúng tôi ở đây gần như biệt lập với xã, với huyện. Xa trung tâm, đường đi khó khăn nên mọi thông tin đi họp về chúng tôi đều phải đọc lại qua loa phóng thanh cho bà con nghe". Toàn thôn hiện có 74 hộ với 270 nhân khẩu, đã nhiều năm nay, mọi thứ ở thôn từ văn hóa, xã hội đến đời sống kinh tế trì trệ cũng chỉ vì đường sá đi lại khó khăn. Thôn cũng muốn làm đường nhiều lần nhưng vì ngân sách xã hạn hẹp, kinh tế của bà con còn khó khăn nên chưa thực hiện được. Đến khi nhận được thông tin Nhà nước hỗ trợ xi-măng làm đường, bà con ai cũng vui mừng phấn khởi. Khi phát động nhà nước và nhân dân cùng làm đường ai cũng nhiệt tình hưởng ứng. Chỉ trong vài ngày, việc thu đóng góp làm đường đã xong để kịp tiến độ. Ngoài nhân dân thôn Đồng Chấm đóng góp 60 triệu đồng, nhân dân thôn My Động 1, My Động 2 cũng sử dụng một phần con đường này đã đóng góp thêm tổng số 50 triệu đồng. Để làm con đường này, tỉnh hỗ trợ thôn 128,8 tấn xi-măng, huyện hỗ trợ 200 triệu đồng, xã dự kiến hỗ trợ 150 triệu đồng để hoàn thiện nốt 200 m còn lại. Khởi công từ tháng 11-2014, đến đúng 28 Tết Ất Mùi, 1,6 km đường bê-tông rộng 2,5 m, dầy 18 cm đã cơ bản hoàn thành, kịp phục vụ nhân dân đón Tết. Toàn thôn trước kia chỉ có 4 trong tổng số 74 hộ cho con theo học tại trường xã thì giờ đây hầu như gia đình nào cũng rục rịch chuyển con về học trường xã. Rồi nông sản của bà con cũng sẽ không bị ép giá như trước đây. Không chỉ có vậy, đường mới còn tạo thuận lợi cho việc đưa các cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chấm dứt tình trạng cách trở vì đường sá.
PHẠM THỊ LOAN