Cú đảo chiều lịch sử, viết lại luật chơi trên thị trường tự do của ông Trump làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại. Giới đầu tư nín thở trước một cuộc chiến không được mong đợi.
Cú đảo chiều lịch sử
Ngày 7.3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đánh thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Sắc lệnh có hiệu lực sau 15 ngày và dựa trên một điều khoản về an ninh quốc gia đã có từ lâu và ít được dùng đến trong luật thương mại Mỹ. Đây là một ngoại lệ về an ninh quốc gia đối với các quy định của WTO.
Các đối tác mật thiết về an ninh và thương mại của Mỹ có thể thương lượng để được miễn thuế, như Mexico và Canada. Bên cạnh đó, Mỹ để cửa ngỏ để thảo luận với từng quốc gia, có nghĩa là sẽ có nhân nhượng qua lại.
Sắc lệnh thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là một động thái nhắm trực tiếp vào Trung Quốc, quốc gia có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ và là nền kinh tế đang cạnh tranh vị trí số 1 thế giới của Hoa Kỳ. Mỹ trước đó cáo buộc, các nhà máy nhôm và thép được nhà nước hỗ trợ ở Trung Quốc đang tạo ra sự cạnh tranh không công bằng đối với ngành công nghiệp của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đánh thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu vào Mỹ |
Chỉ một tuần sau đó, ông Donald Trump tiếp tục thể hiện nỗ lực trừng phạt các đối thủ, trong đó có Trung Quốc, đúng như lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Hôm 14.3, phát ngôn viên của Nhà Trắng thúc giục Trung Quốc cắt giảm 100 tỷ USD thặng dư thương mại sau khi đã tuyên bố áp thuế nhập khẩu tới 60 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc để trả đũa nước này vì đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Bước đi của ông Trump được xem là rất quyết liệt. Một loạt quan chức của Nhà Trắng có tư tưởng bảo vệ quan điểm tự do thương mại đã phải chia tay nội các của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Ngay trong ngày ông Trump ký sắc lệnh thuế đánh vào thép và nhôm nhập khẩu, cố vấn kinh tế hàng đầu Nhà Trắng, Gary D. Cohn, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia, đã từ chức mà không đưa ra lý do cụ thể. Chỉ khoảng 1 tuần sau, ông Trump tiếp tục sa thải Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, thay bằng Giám đốc tình báo CIA Mike Pompeo.
Tổng thống Mỹ cũng vừa ngăn chặn một thương vụ M&A lớn nhất làng công nghệ từ trước tới nay giữa hãng cung ứng chip Wifi Broadcom, trụ sở ở Singapore, khi chi cả trăm tỷ USD thâu tóm nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới Qualcomm (trụ sở ở California, Mỹ).
Lý do, ông Trump lo ngại an ninh quốc gia của Mỹ bị đe dọa sau làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc đổ tiền M&A trên khắp thế giới, với hơn 4 ngàn vụ trị giá hàng trăm tỷ đồng chỉ trong năm 2017. Năm 2017, ông Trump cũng đã ngăn cản Canyon Bridge Capital Partners, một công ty tư nhân có quan hệ với Trung Quốc, mua lại nhà sản xuất chip Lattice Semiconductors của Mỹ.
Trước đó, ông Trump liên tục cáo buộc Trung Quốc gây thiệt hại cho Mỹ do ăn cắp sở hữu trí tuệ và định giá thấp đồng nhân dân tệ.
Đằng sau cuộc chiến trăm tỷ
Sắc lệnh thuế thép nhập khẩu mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump bị phản đối khá nhiều nhưng cũng được không ít người ủng hộ.
Phía ủng hộ thì cho rằng, đây là một việc làm cần thiết. Mỹ từng là nước sản xuất và xuất khẩu thép lớn nhất thế giới nhưng giờ đây ngành công nghiệp thép của Mỹ đang chết dần khi hàng loạt nhà máy lớn đóng cửa, hàng trăm ngàn công nhân mất việc. Hiện tại, Trung Quốc đang sản xuất lượng thép lớn hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại và xuất khẩu với giá rẻ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Một số tờ báo Mỹ cho rằng, việc Mỹ áp các mức thuế mới là bước đi cần thiết đầu tiên để tạo ra một sân chơi công bằng.
Trong khi đó, hàng loạt nước, trong đó có Trung Quốc, bày tỏ sự phản đối với cú đảo chiều lịch sử, viết lại luật chơi trên thị trường tự do của Tổng thống Mỹ nhưng vẫn chưa có những đáp trả cụ thể. Nội bộ nước Mỹ cũng có rất nhiều phản đối.
Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, Mỹ đã "lạm dụng" những lo ngại an ninh quốc gia để làm cái cớ áp thuế nhập khẩu với nhôm, thép. Hay Mỹ đang “đóng vai trò nạn nhân” để áp thuế nhằm giảm thâm hụt thương mại.
Anh, Pháp, Nhật, Brazil cũng đã lên tiếng phản đối quyết định của ông Trump.
Nhiều người cho rằng, một cuộc chiến thương mại nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực chính tới Mỹ, tới cuộc sống của người dân Mỹ. Trong khi sắc thuế cao không tác động nhiều tới đối thủ chính của Mỹ là Trung Quốc, bởi Trung Quốc chỉ xuất khoảng 2% thép sang Mỹ.
Nhưng dưới con mắt của một số nhà phân tích thì hoàn toàn khác. Lý do là bởi, Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu thép lớn nhất thế giới. Lượng thép Trung Quốc xuất sang Mỹ không nhiều nhưng khoảng 50% lượng thép xuất ra thế giới để rồi được sản xuất thành các sản phẩm như máy móc, dụng cụ, xe hơi,... rồi vào Mỹ. Trung Quốc được hưởng lợi rất nhiều. Một khi Mỹ dựng các hàng rào thuế lên và chơi một cách sòng phẳng hơn thì Trung Quốc mới là nước thiệt hại nhiều nhất.
Thay vì “chơi” đa phương, ông Trump muốn chơi song phương với từng đối tác, rõ ràng và dễ đàm phán hơn nhiều, không có nhượng bộ chung.
Bên cạnh đó, đằng sau quyết định đánh thuế quyết liệt của ông Trump còn thông điệp bảo vệ người dân, cử tri lao động và tầng lớp trung lưu ở Mỹ vốn đông đảo nhất. Cho đến nay, chưa ai có thể khẳng định có hay không một cuộc chiến thương mại xảy ra, các nước có hay không tiến hành một cuộc chiến với Mỹ hay sẽ quay ra đàm phán riêng theo đúng cái cách mà ông Trump muốn. Cũng khó có thể xác định được hậu quả của một cuộc chiến thương mại sẽ như thế nào, nước nào chịu thiệt và thiệt bao nhiêu.
Trong khi đó, giới quan sát có thể nhận thấy sự ủng hộ của một tầng lớp đông đảo người dân Mỹ và cả các doanh nhân, doanh nghiệp Mỹ. Một quyết định có thể mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn kinh tế.
Theo Vietnamnet