Từ chỗ kinh tế rất khó khăn, con cái ốm đau nhưng vợ chồng anh Vũ Văn Khuê và chị Nguyễn Thị Uyên ở Thanh Miện mạnh dạn vay vốn lập xưởng may. Nghị lực vươn lên làm giàu của vợ chồng anh thật đáng khâm phục.
|
Chị Uyên trong xưởng sản xuất của gia đình |
Về thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết (Thanh Miện) hỏi thăm vợ chồng anh Vũ Văn Khuê và chị Nguyễn Thị Uyên ai cũng biết. Mọi người biết anh chị không phải vì sự giàu có về vật chất, mà vì thương cảm cho số phận không may và khâm phục nghị lực tuyệt vời của anh chị.
Năm 1989, chị Uyên sinh bé trai kháu khỉnh, bụ bẫm. Nhưng rồi cháu chậm lớn, da dẻ xanh xám, bụng ỏng. Năm 1991, anh chị có thêm cháu trai thứ hai. Bé cũng có các triệu chứng giống hệt anh trai mình, cho dù được chăm sóc rất tốt. Thấy lạ, anh chị cho các con đi khám bệnh. Kết quả khiến anh chị chết lặng. Hai con trai đều mắc bệnh huyết tán, thiếu hồng cầu, một căn bệnh nguy hiểm và chạy chữa rất tốn kém. “Nhìn các con mà lòng đau như muối xát, vợ chồng tôi quyết định dù có tốn kém đến thế nào cũng phải chữa bệnh cho các con”, anh Khuê nói.
Để có tiền chạy chữa cho con, anh chị vay mượn khắp nơi, nhưng vẫn chẳng thấm tháp gì, rồi ngôi nhà là tài sản giá trị nhất cũng phải bán đi. Hằng tháng đưa các con lên Hà Nội thay máu, mỗi lần tốn gần chục triệu đồng. Sau nhiều đêm trăn trở, anh chị quyết định vay tiền mua mảnh đất ở khu Đồng Giò hẻo lánh làm chỗ trú ngụ cho gia đình; làm đủ các nghề từ mổ lợn, mở quán ăn đến bán luồng, cốp -pha... để kiếm tiền chữa bệnh cho con. Nhưng vất vả mà thu nhập quá ít.
Năm 2007, với sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, anh chị vay ngân hàng 300 triệu đồng mở xưởng may gia công hàng cho các công ty lớn. Những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn, do thiếu kinh nghiệm nên nhiều khi sản phẩm bị lỗi phải đền bù, có lúc lỗ hàng chục triệu đồng. Không nản chí, anh quyết tâm học hỏi kinh nghiệm. Dần dần, xưởng của anh nhận gia công hàng cho nhiều công ty lớn ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang… Lấy chữ tín làm đầu, bảo đảm chất lượng và thời hạn giao hàng nên anh được các bạn hàng tin tưởng. Các đơn hàng ngày một nhiều, anh quyết định mở rộng quy mô xưởng, nhận gia công thêm nhiều mặt hàng dệt kim mới, từ đó doanh thu tăng lên.
Hiện tại, xưởng của anh luôn có gần 40 công nhân làm việc liên tục với mức lương từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng; nhiều khi anh phải thuê các xưởng khác làm cho kịp thời gian giao hàng. Mỗi đơn hàng, trừ mọi chi phí anh chị cũng lãi từ 15 đến 20 triệu đồng. Anh dành 1 phần 3 số tiền lãi để tái sản xuất, còn lại dồn vào việc chữa bệnh cho các con.
Nghị lực vươn lên làm giàu của vợ chồng anh Vũ Văn Khuê và chị Nguyễn Thị Uyên thật đáng khâm phục.
VỊ THỦY- ĐỨC QUYẾN