Đội tuyển Việt Nam và mục tiêu chinh phục AFF Cup

14/09/2021 11:50

AFF Cup là cuộc chiến mà ở đó, đội tuyển Việt Nam có đủ sự tự tin để cạnh tranh sòng phẳng cùng các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á.


AFF Cup vẫn là mục tiêu quan trọng của các nước Đông Nam Á. Ảnh: Hoàng Linh

Với việc Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) công bố thời điểm bốc thăm, chia bảng AFF Cup vào ngày 21.9 tới tại Singapore, giải đấu số 1 của bóng đá khu vực sẽ không bị hủy sau lần hoãn lại một năm về trước.

Với danh hiệu có được năm 2018 sau khi vượt qua Malaysia, đội tuyển Việt Nam hiện vẫn đang là đương kim vô địch AFF Cup, đồng thời là nhà vô địch giữ danh hiệu này lâu nhất.

Nếu như Thái Lan có số lần đăng quang chức vô địch Đông Nam Á nhiều nhất với 5 lần vào các năm 1996, 2000, 2002, 2014 và 2016 thì đội tuyển Việt Nam là vua của bóng đá khu vực thời điểm hiện tại.

Thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo cũng là đại diện duy nhất của Đông Nam Á giành quyền góp mặt tại vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 và đang thi đấu tại bảng B với các đối thủ tốp đầu châu lục là Australia, Saudi Arabia, Nhật Bản hay thấp hơn một chút là Oman và Trung Quốc. Chừng đó là quá đủ lý do để đội tuyển Việt Nam đặt ra mục tiêu bảo vệ ngôi đầu tại AFF Cup lần này, bất chấp những nỗ lực soán ngôi từ phía Malaysia và nhất là Thái Lan.

Trong bối cảnh vòng loại cuối cùng World Cup dường như vẫn là sân chơi quá tầm và đội tuyển Việt Nam chỉ hướng đến những mục tiêu thực tế là tìm kiếm điểm số đầu tiên, trận thắng đầu tiên ở giải đấu này thì AFF Cup lại là cuộc chiến khác mà ở đó, đội tuyển Việt Nam có đủ sự tự tin để cạnh tranh sòng phẳng cùng các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á.

Nhưng ở ba tháng cuối năm 2021, đội tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam phải tham gia thi đấu đồng thời ở vòng loại World Cup 2022, vòng loại U23 châu Á 2022 và AFF Cup 2020. Đó là một khối lượng công việc đồ sộ, nhất là với huấn luyện viên Park Hang Seo dù trợ giúp cho ông ở cả hai đội tuyển là đội ngũ trợ lý người Việt và người Hàn lên tới hơn 10 người.

Sau khi V-League bị hủy và chỉ trở lại vào tháng 2 năm 2022 thì các cầu thủ Việt Nam chỉ còn dồn sức cho đội tuyển quốc gia ở giai đoạn cuối năm 2021. Nguy cơ quá tải đối với những trụ cột đã bị gạt sang một bên nhưng bất lợi chính là việc nghỉ thi đấu V-League quá lâu, chỉ tập luyện và thi đấu cho đội tuyển khiến không ít cầu thủ của đội tuyển Việt Nam, cả U22 Việt Nam không kịp thích nghi dẫn tới chấn thương không đáng có.

Không những thế, việc gắng sức trong tập luyện ở một số thời điểm nào đó và xin vào sân khi cơ thể chưa hoàn toàn khỏe mạnh, chấn thương cũ vẫn còn dai dẳng khiến việc nghỉ thi đấu bị kéo dài ra, chấn thương thêm phần nghiêm trọng mà trường hợp của Văn Hậu, Đình Trọng, Thành Chung hay Bùi Tiến Dũng chính là những minh chứng rõ ràng nhất.

Tất nhiên, không ai ép Văn Hậu, Đình Trọng hay Thành Chung vào sân thi đấu nhưng nếu Ban huấn luyện và đội ngũ y tế của đội tuyển không có những tư vấn kịp thời và sát thực nhất với thầy Park thì nguy cơ tới AFF Cup (từ 5.12.2021 đến 1.1.2022), đội tuyển Việt Nam tiếp tục tổn thất lực lượng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Vẫn biết đội tuyển Việt Nam đang là số 1 Đông Nam Á nhưng không có gì bảo đảm thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo sẽ thuận lợi trên hành trình bảo vệ chức vô địch.

Không những vậy, chính vị thế đương kim vô địch khiến đội tuyển Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ, lớn nhất từ Thái Lan. Không chỉ thay đổi huấn luyện viên trưởng, bổ nhiệm trưởng đoàn mới, lên lịch hoạt động cho đội tuyển quốc gia thuận lợi nhất, người Thái còn đang làm tất cả những gì có thể để đưa AFF Cup về tổ chức trên sân nhà của mình.

Đó là một trong những rào cản, đối thủ khó chơi với đội tuyển Việt Nam trong mục tiêu vô địch AFF Cup hai lần liên tiếp.

Theo Thể thao & Văn hóa

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đội tuyển Việt Nam và mục tiêu chinh phục AFF Cup