Với mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, xóm làng giàu đẹp, những năm qua, bà con lương, giáo trong thôn đã đoàn kết một lòng kiến thiết quê hương...
Diện mạo làng văn hóa Đáp Khê, xã Nhân Huệ (Chí Linh) hôm nay
Ấn tượng của chúng tôi khi về thăm làng văn hóa xứ đạo Đáp Khê, xã Nhân Huệ (Chí Linh) là xóm thôn khang trang với những ngôi nhà mái bằng, cao tầng to đẹp, đường bê- tông sạch sẽ. Ông Phạm Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Nhân Huệ cho biết: “Thôn có 249 hộ dân, trong đó trên 40 hộ đồng bào Công giáo. Với mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, xóm làng giàu đẹp, những năm qua, bà con lương, giáo trong thôn đã đoàn kết một lòng đóng góp sức lực, trí tuệ kiến thiết quê hương".
Việc xây dựng làng văn hóa, cơ sở hạ tầng ở xứ đạo Đáp Khê được tiến hành từ năm 2004, bắt đầu bằng việc nhân dân đóng góp hơn 100 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa rộng 80 m2 bên cạnh nhà thờ. Cũng năm 2004, nhân dân đóng góp trên 1 tỷ đồng bê-tông hóa 2,4 km đường thôn, xóm.
Cùng với xây dựng cơ sở vật chất, nhân dân trong thôn đã đề ra bản hương ước theo hướng dẫn của cấp trên, đồng thời tiếp thu, dung hòa những phong tục tập quán của địa phương, của các tôn giáo. Không phân biệt lương, giáo, nhân dân trong thôn cùng nhau duy trì và thực hiện tốt quy ước đề ra. Từ sự đoàn kết, thống nhất cao, năm 2006, Đáp Khê được công nhận danh hiệu làng văn hóa.
Từ khi được công nhận danh hiệu, phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Đáp Khê ngày càng đi vào chiều sâu. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân được coi trọng. Đài Truyền thanh phát hằng tuần, cập nhận thường xuyên các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương. Làng xây dựng đội văn nghệ với gần 20 thành viên, gồm cả đồng bào lương, giáo; nhà thờ thành lập ca đoàn phục vụ tích cực các sự kiện văn hóa, tôn giáo của thôn.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở xứ đạo Đáp Khê là một nét đẹp. Hằng năm, tất cả các gia đình trong thôn đều đăng ký xây dựng danh hiệu bằng các tiêu chí, việc làm cụ thể do thôn đề ra như nếp sống văn hóa, KHHGĐ, môi trường... Cuối năm, việc bình xét được các xóm, đoàn thể tổ chức công bằng với sự đồng thuận cao của nhân dân. Do vậy, tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm trong thôn luôn đạt trên 90%. Riêng năm 2012, Đáp Khê có hơn 98% số gia đình đạt danh hiệu văn hóa, trên 80% số gia đình đạt danh hiệu "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền".
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội cũng chuyển biến tích cực. Lễ cưới không xa hoa, vi phạm quy định về đốt pháo nổ. Lễ tang không tổ chức ăn uống linh đình. Lễ hội được tổ chức thiết thực, ý nghĩa, bảo lưu, dung hòa được các giá trị truyền thống, các tôn giáo. Đặc biệt, trong làng không có tệ nạn mê tín dị đoan. Tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, không có tệ nạn xã hội…
Cùng với nâng cao đời sống tinh thần, phát triển kinh tế cũng là yếu tố giúp xứ đạo Đáp Khê đổi thay. Ngoài phát triển sản xuất nông nghiệp, thôn có gần 100 con em đang lao động, làm việc tại nước ngoài, mang về nguồn lợi đáng kể xây dựng quê hương. Thu nhập bình quân đầu người trong thôn năm 2012 đạt trên 13 triệu đồng, cả 249 hộ dân đều có nhà ngói, nhà kiên cố cao tầng, số hộ giàu chiếm trên 42%. Công tác khuyến học được coi trọng, hằng năm thôn trao tặng khoảng 10 suất quà cho các cháu học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2012, nhân dân trong thôn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” gần 2 triệu đồng, hỗ trợ 1,8 triệu đồng cho một nạn nhân chất độc da cam trong xã xây nhà ở.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Đáp Khê còn nhận được sự tham gia tích cực của các chức sắc tôn giáo. Khi thôn làm đường, linh mục Nguyễn Mạnh Kỳ, đại biểu HĐND tỉnh hiến gần 200 m2 đất. Mùa Giáng sinh này, linh mục hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho anh Nguyễn Văn Tươi có hoàn cảnh khó khăn trong giáo xứ.
Ông Mai Văn Việt, Trưởng thôn Đáp Khê cho biết: Việc giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan làng xóm được nhân dân trong thôn coi trọng. Trong năm 2012, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của xã, nhân dân trong thôn đã bỏ công xây dựng bãi rác tập trung. Thôn đã thành lập được tổ dọn vệ sinh môi trường, mỗi tuần tổ chức 3 buổi thu gom rác; hằng tháng, mỗi gia đình đóng góp 10 nghìn đồng.
Mặc dù không được chọn xây dựng nông thôn mới giai đoạn đầu, song thôn đã lập xong quy hoạch và tổ chức cắm mốc mở rộng đường giao thông rộng 6 m. Dự kiến khi mở rộng đường có gần 100 hộ tự nguyện hiến đất.
Thôn Đáp Khê vừa được Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của thị xã Chí Linh kiểm tra đánh giá việc duy trì, giữ vững danh hiệu 5 năm lần thứ nhất. Một mùa Nô-en đang tới. Trưởng thôn Mai Văn Việt cho biết: "Mỗi Giáng sinh, giáo xứ Đáp Khê là trung tâm để các họ đạo trong vùng tìm về. Để chuẩn bị cho hoạt động này, đội văn nghệ của thôn, các cháu mẫu giáo và các ca đoàn trong nhà thờ đang tích cực tập luyện các tiết mục cho đêm giao lưu văn nghệ".
NGỌC HÙNG