Văn hóa nghe

11/06/2021 10:00

Vừa về đến nhà, Thành đã bật nhạc rất to. Tiếng nhạc ầm ầm qua loa thùng làm anh Công giật cả mình. Anh dừng công việc đang làm dở ngoài vườn đi vào nhà, nhẹ nhàng bảo:

- Mở bé thôi chú! Để cho chị nghỉ một tí.

Thành vừa lắc lư theo nhạc vừa bảo anh trai:

- Khiếp, anh chiều vợ thế có ngày chị ấy trèo lên đầu, lên cổ. Tám giờ sáng rồi còn ngủ cái gì?

- Vì hôm qua cô ấy làm ca đêm, mới về nằm được một lúc - anh Công phân trần.

Vừa lúc này, bà Lan hàng xóm cũng bước vào sân, bà gọi thật to:

- Thành, Công ơi! Cho ti vi nhỏ tiếng hộ cô với! Cô đau đầu quá!

Công ngại ngùng vâng dạ, rồi đưa tay vặn nhỏ loa.

Đợi bà Lan quay về, Thành nói với anh trai:

- Anh sao thế? Sợ gì bà ấy? Ti vi nhà mình thì mình mở. Thích to thì to, muốn bé thì bé. Thời buổi tự do dân chủ mà anh.

Anh Công khẽ cau mày vẻ không hài lòng:

- Sao em lại nói thế? Mình sống giữa cộng đồng cũng phải biết sống sao cho phải.

- Anh hay nhỉ? Ngày nghỉ em mở mấy bài hát lên cho đời vui tươi là sai à? - Thành gắt lên.

- Có ai bảo em sai đâu. Nhưng em có nhu cầu thì mở vừa đủ nghe thôi, cứ ầm ầm lên như thế ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, ô nhiễm tiếng ồn.

Thành cáu kỉnh:

- Ai khiến họ nghe, em thích mở thì mở. Ai không muốn nghe thì đừng có nghe. Mà anh vừa nói cái gì mà ô nhiễm ấy nhỉ? Anh có thấy mình nói sai không? Em có xả rác thải, nước thải ra môi trường đâu mà anh bảo vậy?

- Tiếng ồn cũng làm ô nhiễm môi trường. Cái này em không biết hay sao? Em cứ đặt mình vào vị trí của mọi người xem, có người phải làm ca đêm, sáng muốn dậy muộn một chút. Có người bị đau đầu, mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi em ạ!

Thành vẫn cố cãi:

- Anh buồn cười thật đấy! Đã nghe nhạc là phải mở loa to, nhạc phải bốc nghe mới sướng.

- Anh khỏe mạnh thế này mà nhiều khi nghe cũng choáng đầu, tức ngực. Mà em cứ mở to còn ảnh hưởng đến thính giác của bọn trẻ nhà mình nữa đấy!

Nghe nói đến bọn trẻ, Thành dịu ngay nét mặt, hỏi:

- Ơ, từ lúc em về nhà không thấy hai thằng cu con đâu. Chúng chạy đâu hết rồi anh?

- Thì chúng nó sợ dàn âm thanh của chú nên chạy sang hàng xóm lánh nạn rồi. Rõ khổ!

Nghe anh trai nói vậy, Thành bần thần:

- Chết thật! Em đúng là vô tâm, ích kỷ quá! Em xin lỗi!

Anh Công vui vẻ nói:

- Chú hiểu ra là anh mừng rồi! Văn hóa nghe rất quan trọng đấy.

TRẦN THÙY LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa nghe