Tình người ở xóm chạy thận

13/09/2020 14:01

Dù sự sống mong manh nhưng những bệnh nhân chạy thận ở xóm trọ nhỏ phía sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn sống lạc quan, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.


Đa phần bệnh nhân chạy thận đều thuộc hộ nghèo. Họ cảm thông và chia sẻ với nhau trong cuộc sống

Dù sự sống mong manh như ngọn đèn trước gió nhưng những bệnh nhân ở xóm chạy thận nhân tạo luôn đùm bọc, yêu thương, sẻ chia khó khăn để dìu nhau đi hết những tháng năm còn lại của cuộc đời. 

Chẳng biết từ bao giờ những bệnh nhân chạy thận ở khắp nơi trong tỉnh lại tập trung ở một xóm trọ nhỏ ngay phía sau Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sự sống và cái chết như sợi chỉ mỏng manh nhưng họ vẫn sống lạc quan, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau làm cho tình người nơi xóm nhỏ càng thêm bền chặt, ấm nồng…  

Những ngọn đèn trước gió 

Đến xóm chạy thận vào một ngày đầu thu, phải rất vất vả tôi mới tìm được đường vào bởi xóm nằm sâu hun hút trong một ngách nhỏ ở ngõ 215 Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương). Khác với xóm sinh viên luôn ồn ào, sôi động, xóm chạy thận lại khá im lìm, vắng vẻ. Cả một dãy nhà trọ mà chẳng thấy nổi một bóng người. Dò hỏi xung quanh, tôi mới biết hóa ra mọi người trong xóm đang nghỉ ngơi lấy lại sức sau nhiều tiếng chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Ông Nguyễn Văn Chuột (63 tuổi), quê xã Bắc An (Chí Linh) là một trong những người lâu năm sống ở xóm chạy thận này. Ông Chuột có thân hình gầy gò, nước da xanh xao, cánh tay gân guốc, chi chít những vết kim tiêm sau mỗi lần lọc máu. Vừa đưa chúng tôi đi thăm từng phòng trong xóm, ông Chuột vừa kể: "Ở xóm này có 14 bệnh nhân chạy thận. Mỗi người mỗi quê nhưng chung một cảnh ngộ. Một phần vì điều kiện kinh tế khó khăn, một phần vì sức khỏe yếu không tiện đi lại nên mọi người trọ tại đây". Sau khi giới thiệu qua, mọi người trong xóm ngồi lại với nhau, rồi kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh và căn bệnh đang đeo bám họ đến hết cuộc đời. Dù chung một nỗi đau nhưng mỗi người lại có một số phận, một nỗi niềm riêng.

Bà Nguyễn Thị B., quê ở huyện Gia Lộc, năm nay 58 tuổi nhưng đã có "thâm niên" hơn 10 năm phải đi chạy thận nhân tạo. Không chồng, cũng chẳng có con, bà B. phải ở trọ trên thành phố để tiện cho việc điều trị bệnh. Do không có người thân bên cạnh chăm sóc nên những hôm trái gió, trở trời, toàn thân đau nhức bà phải nhờ những người trong xóm giúp đỡ. "Tôi phát bệnh lâu lắm rồi, nhưng những năm trước còn nhẹ nên ở nhà. Cách đây gần 10 năm, bệnh ngày càng nặng nên tôi chuyển lên sống hẳn ở đây. Một tuần phải 3 lần chạy thận nên tôi ít khi về nhà. Ai mắc bệnh này cũng như ngọn đèn trước gió, chẳng biết vụt tắt lúc nào. Tối hôm trước còn ngồi với nhau, sáng ra không còn nhìn thấy nhau nữa là chuyện bình thường", bà B. chia sẻ.

Hầu hết những người trọ ở đây có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ không còn đủ sức khỏe, kinh tế thì khánh kiệt bởi chạy thận nhân tạo là cả quá trình trường kỳ. Nặng nhọc trong mỗi bước đi vì căn bệnh thấp khớp, bà Nguyễn Thị Loan (67 tuổi) quê xã Tân Việt (Thanh Hà) đưa tôi đến thăm căn phòng nơi bà thuê trọ. Căn phòng cũ kỹ, chỉ vỏn vẹn 15 m2 vừa đủ để bà kê một chiếc giường và chiếc bếp nhỏ. Dù đã sang thu nhưng dưới cái nắng "rám trái bưởi" 35-36 độ C làm cho căn phòng chẳng khác nào cái lò xông hơi. Bà Loan cho biết dãy trọ này được xây đã lâu, nhiều chỗ sửa chữa theo kiểu chắp vá, khi mưa lớn trong nhà dột khắp nơi nhưng vì giá thuê rẻ nên mọi người vẫn chọn ở. "Vợ chồng tôi có 4 người con nhưng đều đi làm ăn xa, kinh tế cũng chẳng khá giả gì. Vậy mà tháng nào cũng cố gắng gom góp, nhặt nhạnh từng đồng gửi về cho tôi chữa bệnh. Gần đây, bệnh thấp khớp nặng hơn nên tôi phải đi xe lăn sang viện để chạy thận", bà Loan kể.

Bình thường đã khốn khổ, dịch Covid-19 bùng phát càng làm mọi người trong xóm chạy thận thêm bất an. Theo một bác sĩ chuyên điều trị cho bệnh nhân thận lâu năm, những người chạy thận nhân tạo là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất bởi hệ miễn dịch của họ đã suy yếu. Cùng với đó, việc thường xuyên phải ra vào bệnh viện càng khiến họ có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn nhiều người khác. Ngoài ra, một số người còn mang trong mình nhiều bệnh nền nguy hiểm. "Căn bệnh quái ác đã rút hết sinh lực nên với chúng tôi bất cứ ngày nào cũng là ngày cuối cùng. Chẳng cần đến lúc dịch Covid-19 xuất hiện thì cuộc sống vốn đã rất mong manh", ông Chuột nói.

Ấm áp sự sẻ chia

Đa phần bệnh nhân chạy thận đều thuộc hộ nghèo nên được Nhà nước hỗ trợ tiền chạy thận. Nhưng để giảm cơn đau, họ vẫn phải mua thêm thuốc ngoài điều trị cùng nhiều khoản chi cho các sinh hoạt khác. Không chỉ suy thận, họ còn đang bị nhiều biến chứng liên quan đến tim mạch, khớp, dạ dày, não… Cuộc sống khó khăn, họ chia sẻ với nhau trong mỗi bữa cơm dù chẳng được tươm tất. Khi rảnh rỗi, họ quây quần kể cho nhau nghe về chuyện đời của mình. Đôi lúc đêm khuya có người trong xóm ốm nặng, họ lại í ới gọi nhau để đưa người đi cấp cứu.

Những người trong xóm chạy thận có thể thiếu sức khỏe, thiếu tiền bạc nhưng sống với nhau đầy nghĩa tình. Những người bệnh nhẹ như mặc định sẽ có trách nhiệm giúp đỡ người bệnh nặng. Cứ thế họ nương tựa vào nhau, dìu nhau mà sống từ ngày này qua tháng ngày khác. Bà Đỗ Thị Ngời (60 tuổi) ở xóm chạy thận cho biết: "Chuyện đưa nhau đi cấp cứu trong đêm cũng chẳng còn xa lạ gì với mọi người nơi đây. Ai cũng biết bệnh của mình nên khi cảm thấy mệt mỏi, khó chịu là gọi nhau đưa sang viện. Có người mới chạy thận hôm trước, tối hôm sau ngật ngừ vì ứ thận, không đi cấp cứu kịp chắc khó qua khỏi".

Ở xóm chạy thận này, căn phòng của vợ chồng ông Chuột lúc nào cũng đông vui nhất. Bởi mỗi khi chạy thận về, mọi người lại tụ tập tại đây nói chuyện, hỏi thăm, quan tâm, động viên, sẻ chia khó nhọc hằng ngày. Mỗi khi có thành viên trong xóm gặp khó khăn, gia đình chưa kịp gửi tiền, mọi người lại chia nhau mớ rau, miếng thịt, san sẻ hộp sữa, cái bánh..."Hai vợ chồng tôi đều đau ốm, không còn khả năng lao động nên mọi chi phí cho sinh hoạt đều do con trai chu cấp. Vợ nó mới sinh nên một mình nó phải gồng gánh nuôi 7 miệng ăn. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mọi người trong xóm rất nhiệt tình giúp đỡ. Có tháng vợ chồng tôi hết tiền tiêu, mọi người lại đứng ra hô hào nhau đóng góp, cho vay", ông Nguyễn Khắc Hinh nói giọng trầm buồn.

Không thể sống xa bệnh viện được 2 ngày nên hầu hết những bệnh nhân chạy thận đều không được đón Tết cùng gia đình. "2 năm đón Tết tại xóm trọ này, năm nào chúng tôi cũng có bánh chưng, mâm ngũ quả, gạo, thịt do mọi người mang từ quê lên. Coi xóm trọ như căn nhà thứ 2 nên đến thời khắc giao thừa, những người ở lại cùng quây quần bên nhau, gửi đến nhau lời chúc năm mới nhiều sức khỏe", bà Chiều nói.

Từ lâu cái Tết đúng nghĩa với những bệnh nhân trong xóm chạy thận đã là điều quá xa vời. Niềm vui của họ đơn giản chỉ là mỗi sáng thức dậy có thêm một ngày nữa được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Họ mong muốn có một công việc nhẹ nhàng làm tại nhà để có thể kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. 

Chúng tôi rời xóm chạy thận khi mọi người đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Mặt trời cũng dần khuất bóng sau khu nhà A Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chỉ còn lay lắt vài tia nắng yếu ớt chiếu vào nhóm người đang cặm cụi nhặt rau. Trên khoảng sân trước phòng ông Chuột, những chiếc bóng như những khóm thường xuân vươn lên đón lấy những giọt nắng cuối ngày.

ĐỖ QUYẾT

Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 206 bệnh nhân đang chạy thận theo chu kỳ tại Khoa Thận - Thận nhân tạo. Thông thường các bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn tính phải chạy thận 3 lần/tuần. Các trường hợp nặng, biến chứng sẽ được điều trị nội trú, còn những ca nhẹ hơn điều trị ngoại trú và chạy thận theo chu kỳ để duy trì sự sống.
Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện có 4 Trung tâm Y tế: TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, các huyện Ninh Giang, Gia Lộc có máy chạy thận nhân tạo. Việc mở rộng các cơ sở chạy thận nhân tạo góp phần giảm bớt tình trạng quá tải bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến trên và tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, điều trị... cho người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình người ở xóm chạy thận