Tập trung giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư

04/10/2020 20:35

Để giải quyết dứt điểm tình trạng xâm canh, xâm cư, hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đã thống nhất người dân ở trên đất của địa phương nào sẽ chuyển về địa phương đó quản lý.


Người dân thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng (Kinh Môn) phải đi qua đò để tới trung tâm xã 

Để người dân thuận tiện sản xuất, sinh hoạt và tăng hiệu quả quản lý địa giới hành chính của các cấp chính quyền, hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đang tích cực phối hợp giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư.

Lịch sử để lại

Kênh Giang nay là một khu dân cư (KDC) thuộc phường Văn Đức (Chí Linh) nhưng trên bản đồ địa lý lại liền thổ với thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) và ngăn cách với TP Chí Linh bởi con sông Kinh Thầy. Người dân Kênh Giang hay nửa đùa nửa thật là đất... "ở nhờ". Việc "ở nhờ" còn do hầu hết người Kênh Giang có gốc Nam Sách, đều làm nghề chài lưới rồi phiêu bạt đến vùng này từ trước năm 1945. Những năm 1960-1970, người Kênh Giang bắt đầu chuyển dần lên bờ, dựng nhà trên đất Đông Triều lập thôn Nam Hải. Một số khác lại lập ấp tại doi cát giữa sông Kinh Thầy thành thôn Tân Lập, gần đất của thị xã Kinh Môn. Vậy nên giữa hai thôn của Kênh Giang cũng cách sông.

Khi sáp nhập vào phường Văn Đức, KDC Nam Hải không rõ đường địa giới hành chính chung với xã Nguyễn Huệ (thị xã Đông Triều). Những năm qua, 156 hộ dân Nam Hải đã xâm canh, xâm cư trên địa bàn xã Nguyễn Huệ. Các hộ dân này hiện nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là "sổ đỏ"). Khi chưa sáp nhập, Kênh Giang đã xây dựng trụ sở UBND xã, các trường tiểu học, mầm non, trạm y tế, bưu điện trên địa giới hành chính của xã Nguyễn Huệ.

Cũng trên địa bàn TP Chí Linh còn xảy ra tình trạng người dân xã An Sinh (thị xã Đông Triều) xâm canh, xâm cư trên địa bàn phường Hoàng Tiến với tổng số 127 hộ dân, 255 nhân khẩu. Xã An Sinh đã xây dựng nhà văn hóa thôn Suối Găng, Lục Dong trên địa giới hành chính phường Hoàng Tiến. Một số hộ dân của xã An Sinh còn được UBND thị xã Đông Triều cấp "sổ đỏ".

Tình trạng xâm canh, xâm cư còn xảy ra ở xã Bạch Đằng (Kinh Môn). Theo thống kê hiện có 26 hộ dân Bạch Đằng đang sinh sống trên đất của xã Nguyễn Huệ và 20 hộ dân sống trên đất xã Thủy An (Đông Triều). Trong đó 29 hộ có đất ở đã được UBND thị xã Kinh Môn cấp "sổ đỏ"... 

Thống nhất quản lý

Qua kiểm tra, rà soát bản đồ 364 (được xác lập theo Chỉ thị 364/CT ngày 6.11.1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ), tình trạng người dân 2tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đều xâm canh, xâm cư từ lâu. Các bên sinh sống, xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh khác nhưng không xảy ra tranh chấp đất đai.

"Tại cuộc họp hiệp thương giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư giữa Hải Dương với Quảng Ninh vào ngày 15.7 vừa qua, hai bên đã thống nhất sẽ giữ nguyên địa giới hành chính theo bản đồ 364", Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Ngọc Thành cho biết.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề xâm canh, xâm cư, hai tỉnh đang tập trung xem xét nhân khẩu và tài sản trên đất do hai bên xây dựng. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện thống kê đất đai, tài sản và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Chủ trương, phương án và lộ trình giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư cũng đang được tuyên truyền, vận động đến từng hộ.

Theo phương án hai tỉnh đã thống nhất, người dân xâm canh, xâm cư trên đất của địa phương nào sẽ chuyển về địa phương đó quản lý. Toàn bộ 156 hộ dân thuộc KDC Nam Hải thuộc phường Văn Đức và 26 hộ dân thuộc xã Bạch Đằng xâm canh, xâm cư trên địa bàn xã Nguyễn Huệ thực hiện các thủ tục bàn giao về xã Nguyễn Huệ quản lý. Toàn bộ 20 hộ dân thuộc thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng xâm canh, xâm cư sang xã Thủy An thực hiện các thủ tục bàn giao về xã Thủy An quản lý. Toàn bộ 127 hộ dân thuộc thôn Sơn Lộc, xã An Sinh (Đông Triều) xâm canh, xâm cư trên địa bàn phường Hoàng Tiến thực hiện các thủ tục bàn giao về phường Hoàng Tiến quản lý. Đối với "sổ đỏ" đã cấp sai quy định sẽ có phương án cấp lại cho các hộ dân. Các công trình công cộng như trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà văn hóa sẽ báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định.

Đã gắn bó cả đời với mảnh đất Nam Hải, khi được hỏi có nguyện vọng chuyển sang xã Nguyễn Huệ hay không, ông Phùng Văn Hùng, người dân KDC Nam Hải cho biết: "Chúng tôi đồng ý chuyển về xã Nguyễn Huệ vì như vậy sẽ thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt. Được Nhà nước cấp "sổ đỏ" sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có nguyện vọng giữ nguyên tên KDC Nam Hải để nhớ đến nguồn gốc của mình".

Ngược lại, người dân thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng lại không muốn chuyển sang các xã Thủy An và Nguyễn Huệ. Ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết: "Vừa qua xã đã khảo sát để nắm bắt tâm tư người dân. Tất cả các hộ dân đều có nguyện vọng vẫn sinh sống, sản xuất trên đất xã bạn nhưng giữ nguyên hộ khẩu tại xã Bạch Đằng".

Để giải quyết dứt điểm tình trạng xâm canh, xâm cư ở đây, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, sinh hoạt của người dân và công tác quản lý của chính quyền, đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thấy rõ lợi ích của việc này và sớm đồng ý phương án hai tỉnh đã thống nhất.

NGỌC THỦY - THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tập trung giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư