Quan tâm hay soi mói?

26/03/2018 19:40

“Sắp ế đến nơi rồi, kén đến khi nào nữa quả bom nổ chậm ơi”, “Anh nhà mình làm cả cuối tuần thế chắc thu nhập cũng khá em nhỉ?”, “Có công chúa rồi, khi nào định tính sinh thêm thằng cu đấy”…


Bức ảnh về bộ áo "Xin đừng hỏi" để "đối phó" với những câu hỏi vô duyên gây sốt mạng xã hội Facebook

Dù thường xuyên xuất hiện trong các cuộc chuyện trò giao tiếp hằng ngày nhưng không phải ai cũng vui vẻ khi nhận được những câu hỏi kiểu này. 

Những câu hỏi khó trả lời

Gần 30 tuổi, chị V.T.T. ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) vẫn chưa tìm được người ưng ý để kết hôn. Chị cho rằng có thể mình chưa tìm được người hợp duyên nên không cần phải vội. Dù vậy, khi gặp người quen, họ hàng, chị thường xuyên nhận được những câu hỏi, lời khuyên như: “Bao giờ lấy chồng?”, “Con gái không nên kén quá”, thậm chí nhiều lúc còn bị gán cho những biệt danh như “quả bom nổ chậm” hay “bà cô khó tính”… Chị T. cho biết: “Dịp Tết vừa rồi rất nhiều người quen, họ hàng hỏi đi hỏi lại những câu như thế làm tôi thấy mệt mỏi”. 

Vợ chồng chị L.T.T. ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đã sinh được một cô “công chúa” năm nay 5 tuổi. Cả hai vợ chồng chị đều rất mong mỏi có thêm em bé nhưng do sức khỏe của chị không bảo đảm, lần mang thai mới đây chị bị sẩy nên vẫn chưa có thêm con. Chị thường xuyên bị giục: “Con lớn rồi, khi nào có thêm tập hai đấy?”, “Đẻ đi cho con có chị em” hay “Khi nào sinh thêm, định tính đẻ thằng cu à, lâu thế?”… Chị than thở: “Vợ chồng tôi muốn lắm mà mãi chưa có thêm con. Nhiều người cứ hỏi đi hỏi lại vấn đề này, bình thường thì không sao, nhưng lúc tâm trạng không tốt thì vừa chạnh lòng lại bực mình”. 

Cuộc sống của chị T.T.T. ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) khá lận đận nên chị phải đổi nơi ở, công việc nhiều lần. Vợ chồng chị đã có một con trai nhưng do cuộc sống còn khó khăn nên chị vẫn chưa muốn sinh thêm con. Chị T. chia sẻ: “Có những người họ hàng cả năm không gặp, Tết mới nhìn thấy nhau mà cứ hỏi “Đi nước ngoài về thế chắc lương cao lắm hả?”, “Đẻ cô công chúa nữa đi cho đủ nếp đủ tẻ”… Có ai biết vợ chồng tôi hiện đang nợ nần nhiều, đi làm nuôi con còn không đủ”. 

Cần tế nhị hơn

Với nhiều người, nhất là những người lớn tuổi thì việc hỏi những câu như trên là bình thường. Bà Đỗ Thị Hà ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cho biết: Cả năm mới có dịp gặp họ hàng, con cháu vài lần thì chuyện quan tâm, hỏi han các cháu là bình thường chứ có gì đâu”. Những câu hỏi như vậy hướng đến mọi đối tượng. Người chưa có chồng hoặc vợ thì bị hỏi bao giờ lấy vợ/chồng. Người đã có gia đình sẽ bị hỏi khi nào sinh con hoặc sinh con thứ hai? Người đang mang thai thì bị hỏi con trai hay gái. Khi nào sinh tiếp cho đủ nếp, đủ tẻ?… Đây là những câu cửa miệng của nhiều người trong các cuộc giao tiếp hằng ngày mà không biết rằng những câu hỏi như vậy gây ức chế cho người bị hỏi. Với danh nghĩa là quan tâm, những câu hỏi đó nhiều khi khiến người bị hỏi cảm thấy buồn vì chính bản thân họ cũng đang canh cánh vấn đề này. 

Đối diện với những câu hỏi giao tiếp thể hiện quan tâm quá mức như trên, nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi thường cảm thấy khó chịu, cho rằng người khác đang "hỏi cung”, tọc mạch, soi mói vào đời sống riêng tư. Vì vậy, trên các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Google+ có nhiều người đã đồng loạt để hashtag #ngungvoduyen (ngừng vô duyên) với những câu hỏi như trên. 

Theo thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Kiều Liên, giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, việc quan sát, đánh giá, tìm hiểu người giao tiếp với mình là một đặc trưng trong văn hóa giao tiếp của người Việt. Điều đó cũng thể hiện một phần tính cách của người Việt là trọng tình cảm, biểu hiện của tính cộng đồng làng xã trong lối sống truyền thống. Từ xưa đến nay, văn hóa người Việt luôn coi trọng tập thể, cộng đồng hơn là cá nhân nên những gì thuộc về đời tư ít được tôn trọng. Những gì được coi là giá trị chung của xã hội sẽ nghiễm nhiên áp đặt cho các cá nhân mà không cần quan tâm đến suy nghĩ riêng của họ. Điều này khác hẳn với văn hóa phương Tây là luôn coi trọng tự do cá nhân. “Những câu hỏi nói trên đã thành thói quen trong giao tiếp của người Việt. Tuy nhiên, cuộc sống ngày nay đã hiện đại hơn, văn minh hơn nên cũng đòi hỏi văn hóa giao tiếp lịch sự, tế nhị hơn. Tôi nghĩ chúng ta cần phải tôn trọng sự riêng tư cá nhân khi giao tiếp với người khác”, thạc sĩ Kiều Liên bày tỏ.

Thạc sĩ Kiều Liên cho rằng khi gặp những tình huống giao tiếp tế nhị, những câu hỏi mang tính chất riêng tư, người trả lời có thể im lặng hoặc lịch sự từ chối không trả lời, hoặc đáp lại bằng thái độ hài hước, nhẹ nhàng. Để cuộc gặp mặt được thoải mái, vui vẻ, chúng ta không nên hỏi những thông tin riêng tư như tuổi tác, thu nhập, tình trạng hôn nhân, kế hoạch sinh con… mà chỉ nên trao đổi những đề tài dễ nói chuyện như thời tiết, sự kiện thể thao, sở thích... và chỉ đưa lời khuyên về các vấn đề cá nhân khi được xin ý kiến.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan tâm hay soi mói?