Những người con Phú Yên quê Hải Dương

04/01/2020 05:46

Chiến tranh đã lùi xa hơn 44 năm, tuổi già của họ êm ấm bên con cháu, nhưng những ký ức hào hùng mãi khắc sâu trong tâm trí của mỗi người...

Ông Mi chăm sóc vườn rau trước sân nhà ăn Tết

Vào Nam đánh giặc là lý tưởng sống

Hơn 50 năm trước, từ quê hương Hải Dương, họ xung phong lên đường nhập ngũ vào tham gia chiến đấu ở chiến trường Phú Yên với chí hướng là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước để “Bắc - Nam sum họp một nhà”. Chiến tranh kết thúc, họ quyết định gắn bó phần đời còn lại cống hiến hết mình cho sự nghiệp đổi mới ở quê hương kết nghĩa Phú Yên.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 44 năm, tuổi già của họ êm ấm bên con cháu, nhưng những ký ức hào hùng mãi khắc sâu trong tâm trí của mỗi người, những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ vẫn còn nguyên vẹn trong các cựu chiến binh (CCB) Bùi Quang Mi (phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu), Nguyễn Đình Thìn (phường 8) và Đặng Sĩ Đủn (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) - những người con Phú Yên quê Hải Dương.

CCB Bùi Quang Mi năm nay 82 tuổi. Ông sinh ra và lớn lên ở xã Cẩm La (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) rồi nối gót hai người anh trai tình nguyện làm đơn xin nhập ngũ vào tháng 6/1963 tại đơn vị C2, D5, E42. Tháng 2/1964, ông cùng hàng trăm người con Hải Dương và các tỉnh miền Bắc lên đường vào Nam chiến đấu.

“Dù biết ra trận sẽ có hy sinh, mất mát nhưng đối với thanh niên miền Bắc chúng tôi khi đó, được vào bộ đội, được cầm súng chiến đấu chống kẻ thù là lý tưởng sống vẻ vang, là niềm tự hào, hãnh diện của cá nhân, gia đình và dòng họ”, ông Bùi Quang Mi bày tỏ.

Sau 9 tháng hành quân, băng rừng lội suối gian nan và khốc liệt, trung đoàn của ông được điều vào “chia lửa” cho chiến trường Phú Yên và sáp nhập vào Trung đoàn Ngô Quyền. Trung đoàn Ngô Quyền tham gia đánh địch trên khắp các địa bàn của tỉnh. Có lúc đơn vị phục kích đánh quân chư hầu Nam Triều Tiên ở Hòa Mỹ (huyện Tuy Hòa), các huyện Tuy An, Sơn Hòa…; có khi chuyển vào tỉnh Khánh Hòa.

Ông Mi nhớ lần đi công tác tại xã Xuân Lộc (Sông Cầu): “Khi nhận lệnh cấp trên, tiểu đội chúng tôi lập tức lên đường, vừa đến nơi thì gặp lính Nam Triều Tiên đổ bộ. Địch phát hiện bắn pháo dữ dội, chúng tôi tản ra, có đồng chí trúng đạn và hy sinh, có đồng chí bị địch bắt, đơn vị phải rút ra Quy Nhơn (Bình Định). Tôi bị kẹt lại ở núi Đá Đen (Xuân Lộc), gần ba tháng trời mới về tới căn cứ Tầm Tường (Sông Cầu)”.

Một lần ông Mi may mắn thoát chết khi về địa bàn công tác, gặp lúc địch đi càn nên tất cả anh em phải rút xuống hầm bí mật. “Lúc tôi chui vào hầm thì đã có 9 đồng chí nên không còn chỗ nữa nên phải di chuyển đến hầm kế bên. Sau đó, tôi nghe có tiếng nổ lớn nhưng không biết chuyện gì xảy ra. Khi địch rút, lên khỏi hầm tôi mới biết rằng bị địch phát hiện nên 9 đồng chí ấy đã cho nổ mìn, hy sinh một cách vinh quang”, giọng ông Mi chùng xuống khi nhắc lại sự việc bi hùng này.

Năm 1968, ông được điều động về công tác tại Ban Lương thực Sông Cầu với nhiệm vụ xây dựng cơ sở quần chúng nhân dân địa phương thu mua lương thực, thực phẩm rồi vận chuyển lên núi cất giấu để phục vụ cho lực lượng kháng chiến. Vào tháng 8/1968, ông Mi vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam và một năm sau, ông được bầu làm huyện ủy viên.

Cùng thời gian nhập ngũ với ông Mi là CCB Nguyễn Đình Thìn, sinh năm 1940, quê ở xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông là con thứ ba trong gia đình, hai người anh của ông đã hy sinh trong thời kỳ chống Pháp. Là giáo viên đang dạy tại Trường cấp 1 xã Gia Xuyên (Gia Lộc) nhưng ông đã giao lại nhiệm vụ này và xung phong nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Ông Thìn là lính trinh sát của Trung đoàn Ngô Quyền.

“Một lần khi nhận lệnh cấp trên, đội trinh sát thâm nhập vào đồn địch để nắm bắt tình hình thì giẫm mìn, hai đồng chí đại đội trưởng và đại đội phó hy sinh, tôi bị thương, được bà con đưa về trạm xá điều trị”, ông Thìn nhớ lại. Năm 1967, trong một trận đánh ở Đắk Lắk, ông Thìn lại bị thương nặng, phải chuyển ra Quy Nhơn điều trị. Sau đó do không thể trực tiếp cầm súng ra chiến trường nên tổ chức chuyển ông về làm kế toán ở Phòng Thương nghiệp thuộc Ban Tài mậu Phú Yên. Năm 1971, ông được điều qua làm giáo viên Trường sư phạm sơ cấp tỉnh Phú Yên, rồi làm giáo viên Trường sư phạm trung cấp Khu V (năm 1972) cho đến ngày hai miền Nam - Bắc thống nhất.

Còn CCB Đặng Sĩ Đủn (sinh năm 1955, quê Hải Hưng cũ) nhập ngũ năm 1972 ở Tiểu đoàn 823, sau đó đơn vị vào Nam, sáp nhập vào Tiểu đoàn 13 chiến đấu tại chiến trường Phú Yên, đóng quân tại Sơn Hòa. Ông Đủn cho biết, đợt hành quân của ông là cuối cùng trong chiến dịch “chia lửa” cho chiến trường miền Nam. Đây cũng là năm ác liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam với con số thiệt hại về sinh mạng và số lượng tài sản quân sự bị phá hủy của các bên đều ở mức cao nhất.

Ông Đủn đã cùng với Tiểu đoàn 13 tham gia nhiều trận đánh trên các địa bàn của tỉnh, nhưng đáng nhớ nhất là trận Cầu Cháy (Hòa Mỹ, Tuy Hòa): Lúc 4 giờ ngày 23.3.1975, quân ta hành quân từ Sơn Hòa xuống tại cầu Cháy tập kích tiêu diệt địch ở cứ điểm này. Hai bên nổ súng dữ dội và ta đã giành phần thắng, cắm cờ giải phóng”. Sau khi tiêu diệt cứ điểm, đơn vị cơ động ra xã Hòa Phong cùng các đơn vị bạn chặn đánh địch rút từ Tây Nguyên xuống, góp phần làm nên chiến thắng Đường 5 lịch sử, tiêu diệt, bắt sống hàng trăm tên địch. Tiếp đó, Tiểu đoàn 13 cùng các đơn vị bạn phối hợp tấn công đánh chiếm quận lỵ Hiếu Xương, Trung tâm Chiêu hồi và sân bay Đông Tác, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên vào ngày 1.4.1975.

Vợ chồng ông Nguyễn Đình Thìn xem lại những thành tích thời kỳ chống Mỹ


Nặng lòng với “đất Phú trời Yên”

Sau ngày giải phóng, các CCB Bùi Quang Mi, Nguyễn Đình Thìn, Đặng Sĩ Đủn cùng nhiều người con đất Bắc khác đã chọn Phú Yên làm quê hương thứ hai của mình và họ dành phần đời còn lại, cùng nhau viết tiếp những câu chuyện đẹp về đời lính và tình yêu giữa Hải Dương - Phú Yên nghĩa nặng tình sâu.

Ông Bùi Quang Mi đã tìm được một nửa của mình là người xứ Nẫu và năm 1992 được biệt phái về làm Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ 2 (Sông Cầu). Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục tham gia cấp ủy, chính quyền cơ sở như trưởng thôn, bí thư khu phố… Gần đây, do tuổi cao sức yếu và di chứng từ cuộc chiến tranh để lại nên ông xin nghỉ hẳn.

Ông Nguyễn Đình Thìn trở lại nghề cũ, làm cán bộ dạy bổ túc văn hóa (Ty Giáo dục Phú Yên), rồi lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở cấp 1-2 thị trấn Phú Lâm (huyện Tuy Hòa); Hiệu phó Trường phổ thông cấp 2 phường 4 (TX Tuy Hòa); cán bộ Ban Tuyên giáo Thị ủy Tuy Hòa, Phó Trưởng Đài rồi Trưởng Đài Truyền thanh TX Tuy Hòa và nghỉ hưu từ năm 2001. Năm nay đã 80 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, được điều động công tác qua nhiều đơn vị; trong thời gian công tác, dù cuộc sống gia đình còn rất khó khăn, chật vật nhưng ông luôn thực hiện nghiêm túc và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Còn ông Đặng Sĩ Đủn, sau tháng 4.1975 là cán bộ huấn luyện tân binh tại Tiểu đoàn 2 (Tỉnh đội Phú Khánh). Đến năm 1980, ông ra quân về làm ruộng lo cho cuộc sống gia đình. Ông chia sẻ: Trong thời gian cầm súng chiến đấu trên chiến trường hay sau khi đã nghỉ hưu, dù ở đâu, trong điều kiện hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên yêu thương.

Theo báo Phú Yên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người con Phú Yên quê Hải Dương