Nghị lực phi thường của cô bé không tay

10/06/2019 14:58

Vừa cất tiếng khóc chào đời, cô bé Sơn Dương đã phải gánh chịu sự mất mát, thiệt thòi vô cùng lớn. Gương mặt em sáng sủa, đôi mắt lấp lánh nhưng lại không có 2 tay, bị cụt đến tận bả vai.

Tuy bị cụt 2 tay nhưng Sơn Dương vẫn chăm chỉ học tập

"Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, tạo hóa đã bất công với tôi. Nhìn tôi mà bố tôi - một người kiên cường cũng nhiều lần gục ngã. Bố ôm tôi vào lòng, hai hàng nước mắt rưng rưng. Những lúc đó, tôi biết rằng bố lại muốn làm một điều gì cho tôi mà không thành. Phải chăng, bố lo cho cuộc sống, lo cho tương lai của một đứa con tật nguyền như tôi".

Đó là lời tâm sự đầy tâm trạng của em Nguyễn Thị Sơn Dương ở thôn Bầu, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) - tác giả "Chuyện của tôi - giờ mới kể" do chính em viết về mình để tham gia cuộc thi sáng tác truyện dành cho học sinh lớp 5 do Sở Giáo dục và Đào tạo phát động.

Thiệt thòi

Vừa cất tiếng khóc chào đời, cô bé Sơn Dương đã phải gánh chịu sự mất mát, thiệt thòi vô cùng lớn. Cả nhà Sơn Dương không thể tin vào mắt mình khi ngày 1.2.2008 em chào đời. Gương mặt em sáng sủa, đôi mắt lấp lánh nhưng lại không có 2 tay, bị cụt đến tận bả vai. Cả nhà suy sụp nhiều ngày. Sau đó, họ nguôi ngoai dần và tập trung chăm sóc cho em.

Cái tên Sơn Dương là do ông nội của em đặt với mong muốn cháu như loài sơn dương dù sống ở môi trường khó khăn, khắc nghiệt vẫn vươn lên mạnh mẽ. Quãng ngày khôn lớn của Sơn Dương là cả một hành trình đầy khó khăn. Ai cũng lo lắng không biết sau này lớn lên em sẽ ra sao...

Sơn Dương (ngồi trên ngựa phía trước) tự tin tham gia các trò chơi

Khi 9 tháng tuổi, Sơn Dương bắt đầu chập chững học đi. Không có 2 tay nên em khó giữ thăng bằng. Mỗi bước đi của Sơn Dương xiêu vẹo và kèm theo là những lần ngã bươu đầu, sứt trán. Quãng thời gian 3 - 5 tuổi là lúc Sơn Dương chịu nhiều đau đớn nhất. Ông Nguyễn Văn Thắng, ông nội Sơn Dương kể: "Đây là thời gian gia đình tôi trông cháu vất vả nhất. Do cháu hiếu động, chạy nhảy nên bị ngã thường xuyên. Nhiều lần ngã gãy cả răng, mặt sây sát, sưng tấy. Nhìn cháu rất thương nhưng không biết làm thế nào. Bù lại, cháu thông minh, hoạt bát. Lên 3 tuổi, cháu bắt đầu biết dùng chân thay tay để ăn cơm, chơi đồ chơi và thành thạo dần khiến mọi người bớt lo lắng".

Gian nan đến trường

Khi Sơn Dương lên 6 tuổi, nhìn các bạn cùng trang lứa tíu tít chuẩn bị sách vở, quần áo vào lớp 1, em muốn bố mẹ cho đi học. Bố mẹ em không khỏi băn khoăn, đắn đo. Các cụ xưa có câu "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay", đứa trẻ bình thường đã rất vất vả rồi chứ nói gì đến không có hai tay. Không có hai tay liệu có học được không? Nhà trường có nhận không?

Những băn khoăn của người thân em hoàn toàn có lý khi Sơn Dương hầu như không thể tự vệ sinh cá nhân. Sau nhiều ngày cân nhắc, bố mẹ em đã đồng ý cho Sơn Dương đi học tuy vẫn còn do dự. Biết bố mẹ cho đi học, Sơn Dương vô cùng sung sướng. Nhìn con phấn khởi, bố mẹ em cũng vui theo và phần nào tin tưởng con sẽ học được vì nhiều tháng nay Sơn Dương đã dùng chân để viết dưới sự hướng dẫn, kèm cặp của một người trong họ là giáo viên tiểu học.

Ở lớp học, Sơn Dương được nhà trường thiết kế bàn học riêng và ngồi hàng đầu. Sơn Dương ngồi trên ghế, sách vở, bút để trên mặt bàn thấp hơn ghế ngồi để chân viết cho thuận lợi. Chiếc bút bi kẹp giữa ngón chân cái và ngón trỏ gọn gàng. Những con chữ dần hiện lên trang giấy thẳng hàng, tròn trịa. Chữ viết bằng chân của em còn đẹp hơn chữ viết của nhiều bạn cùng lớp viết bằng tay.

Sơn Dương (ngồi đầu tiên bên trái) cùng trồng cây với các bạn trong lớp

Để viết thành thạo như hiện nay là cả hành trình đầy gian khổ, nghị lực phi thường của em. Sơn Dương kể: "Lên 5 tuổi, cháu bắt đầu dùng chân tập viết chữ bằng phấn. Phấn viết vào bảng khá rít nên cháu viết chậm, chữ không đều. Thời gian đầu, mỗi buổi viết cháu làm gẫy không biết bao nhiêu viên phấn. Khi đi học phải viết bằng bút. Bút trơn dễ viết hơn phấn nhưng nếu chỉ di chuyển và lực không chuẩn, chữ viết nguệch ngoạc. Mấy tháng đầu đi học, chân cháu thường xuyên bị chuột rút, đau nhức vì phải viết nhanh theo bài giảng của cô giáo và nhịp độ chung của lớp. Có hôm đau quá cháu bật khóc".

Sự động viên nhiệt tình, chân thành của cô giáo, bạn bè cùng lớp, người thân đã giúp Sơn Dương từng bước vượt qua khó khăn. Em tự tin dần và tập trung vào học tập. Về nhà, Sơn Dương tập viết bằng cách chép lại bài học trên lớp, chép thơ, đoạn văn để rèn luyện viết cho nhanh, đẹp.

Cô giáo Trần Thị Hậu, giáo viên chủ nhiệm Sơn Dương năm lớp 4, lớp 5 chia sẻ Sơn Dương rất tự giác học tập và thông minh. Trong giờ học, em phải làm các nhiệm vụ như các bạn bình thường. Để giúp em thêm tự tin, nâng cao khả năng giao tiếp, lớp bầu em làm trưởng ban sức khỏe, đời sống. Các bạn trong lớp sẵn sàng vui chơi, chia sẻ, giúp đỡ khi Sơn Dương cần, nhất là việc uống nước.

Bằng nghị lực phi thường, từ năm lớp 1 - 5, Sơn Dương luôn là học sinh giỏi. Tại cuộc thi sáng tác truyện dành cho học sinh lớp 5, năm học 2018 - 2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo phát động, em giành 2 giải B với câu chuyện kể về mình. Em trở thành tấm gương sáng về ý chí, nghị lực phấn đấu vượt qua khó khăn, gian khổ để các học sinh khác học tập.

Nói về mơ ước sau này, Sơn Dương mong muốn tiếp tục được học lên cao và có công việc ổn định để bảo đảm cuộc sống. Gia đình em cũng mong khi Sơn Dương trưởng thành có điều kiện lắp đôi tay robot giúp em hòa nhập và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghị lực phi thường của cô bé không tay