Lễ kính nhớ tổ tiên của người Công giáo Kẻ Sặt

24/01/2020 23:59

Lễ kính nhớ tổ tiên vào đêm giao thừa có ý nghĩa rất đặc biệt với người Công giáo ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang).

Với người Công giáo ở Kẻ Sặt, lễ kính nhớ là dịp để họ bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Ảnh: THÀNH CHUNG

Đây là nghi lễ thiêng liêng để họ tạ ơn Thiên Chúa và bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

"Trong tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc, từng đoàn người xếp hàng dâng lễ vật và thắp hương kính nhớ tổ tiên, ông bà. Theo niềm tin của người Công giáo, tổ tiên, ông bà, cha mẹ dù đã khuất vẫn luôn hiện diện, nâng đỡ và cầu nguyện cho chúng tôi", ông Cao Văn Cử ở khu Hạ, thị trấn Kẻ Sặt kể cho tôi nghe về nghi lễ kính nhớ tổ tiên của bà con giáo dân Giáo xứ Kẻ Sặt vào đêm giao thừa hằng năm.

Với ông Cử cũng như đồng bào giáo dân ở đây, lễ kính nhớ tổ tiên vào tối 30 Tết có ý nghĩa rất đặc biệt. Để tỏ lòng hiếu thảo với các đấng sinh thành, trong thời khắc chuẩn bị chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Công giáo sẽ dâng lên tổ tiên những sản vật mà họ làm ra.

Chiều 30 Tết, sau khi cùng gia đình, người thân quây quần bên bữa cơm tất niên, bà con giáo dân thị trấn Kẻ Sặt ra nhà thờ để dự lễ kính nhớ tổ tiên. Đến 6 giờ tối, nhà thờ Kẻ Sặt và nhà thờ Thánh An Tôn thường đông kín người. Tiếng nhạc, tiếng nói cười rộn rã. Ai cũng chung niềm vui mừng, hân hoan khi năm mới đang đến rất gần.

Thánh đường trang hoàng rực rỡ, lung linh trong ánh đèn, hoa và nến. Đối với giáo dân ở thị trấn Kẻ Sặt, đây cũng chính là thời điểm để mọi người gặp gỡ, dành cho nhau những điều tốt đẹp, may mắn và an lành.

8 giờ tối, cha xứ bắt đầu cử hành nghi lễ. Đầu tiên là nghi thức tôn vinh Thiên Chúa, tiếp đến là phần lễ kính nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên diễn ra trong bầu không khí ấm áp, trang trọng. Mọi người xếp hàng dâng lễ vật và thắp hương kính nhớ tổ tiên. 

Trong thánh đường, hàng nghìn người cùng nhau đọc kinh, hát thánh ca, cầu nguyện, cầu cho những người đã khuất an nghỉ trong tình thương của Chúa, được hưởng hạnh phúc, vinh quang nơi thiên đàng.

Giữa thời khắc thiêng liêng, chuẩn bị chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Công giáo muốn bày tỏ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân, hiếu kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ. 

Sau những nghi lễ tôn giáo, các giáo dân hái lộc thánh. Đây là một nét đẹp văn hóa đặc trưng trong phong tục đón Tết Nguyên đán của người Công giáo nói chung và của giáo dân thị trấn Kẻ Sặt nói riêng. Khác với phong tục hái lộc đầu xuân của người Việt, lộc thánh của người Công giáo không phải là những cành lá, chồi non mà là lời hay ý đẹp trích dẫn từ Kinh Thánh. Lộc thánh được in trên giấy, cuộn tròn và treo trên cây đào. Cây lộc đặt gần nơi cha xứ làm lễ, cũng có khi lộc thánh đặt trên bàn. Mọi người xếp thành hàng lên hái lộc. Lộc thánh mang về được treo ở nơi trang trọng trong nhà. 

Theo linh mục I-xi-đô-rô Phạm Văn Toản, Giáo xứ Thánh An Tôn, những lời răn dạy trong lộc thánh như “anh em hãy tha thứ sẽ được tha thứ”, “phúc cho ai xây dựng hòa bình”, “anh em hãy thảo kính cha mẹ”, “người làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa”… như lời nhắc, kim chỉ nam soi mình của người Công giáo trong năm mới. Mọi người sẽ cố gắng thực hiện lộc thánh mỗi ngày. Làm theo lời Chúa, sống tốt đời đẹp đạo, cái tâm hướng thiện ắt gặp may mắn, an lành.

Người Công giáo tin rằng lòng thành kính, hiếu thảo với cha mẹ sẽ đền bù được tội lỗi, được con cháu báo hiếu và phúc phần ở đời sau. Tết Nguyên đán cũng là dịp để họ bày tỏ lòng thành kính này.

Ngoài lễ kính nhớ tổ tiên được tổ chức vào tối 30 Tết, người Công giáo còn dành mùng 2 Tết để con cháu dâng lời cầu nguyện xin cho linh hồn ông bà, tổ tiên sớm được về nơi thiên đàng. Khác với những gia đình bên lương, người Công giáo không làm cơm cúng tổ tiên trong những ngày Tết, cũng không đốt vàng mã. Họ chỉ thắp hương, đặt lên bàn thờ hoa quả, đọc lời cầu nguyện cho các linh hồn sớm được tha thứ tội lỗi.

Với những người Công giáo ở Kẻ Sặt, Tết là dịp tận hưởng niềm vui, gia đình đoàn tụ. Tết cũng là dịp để họ tri ân Thiên Chúa, các đấng sinh thành, cầu nguyện một năm mới an lành, cầu mong thế giới hòa bình, yên vui… Những truyền thống văn hóa tốt đẹp này góp phần làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa của dân tộc.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ kính nhớ tổ tiên của người Công giáo Kẻ Sặt