Lay lắt cái nghèo

03/11/2019 08:23

Do tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh neo đơn nên nhiều người vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống. Họ cần được hỗ trợ nhiều hơn để thoát nghèo.

Ngôi nhà mới xây chẳng có đồ đạc gì giá trị của vợ chồng anh Sinh

Sống chật vật 

Theo quy định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đang được áp dụng trong giai đoạn hiện nay thì tiêu chí về thu nhập được tính ở mức 700.000 đồng/người/tháng trở xuống tại khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị. Với ngưỡng thu nhập này, nhiều hộ nghèo, nhất là những người thường xuyên ốm đau, bệnh tật khó có thể thoát nghèo.

Căn nhà của gia đình anh Trần Văn Sinh nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi (Gia Lộc). Nhà rộng chưa đầy 30 m2 xây tường 10, mái lợp tôn.

Theo chị Hạnh (vợ anh Sinh), ngôi nhà được Hội Người khuyết tật tỉnh vận động tài trợ xây cho gia đình vào tháng 5 vừa qua. Nhưng do hội chưa tài trợ hết được nên đến nay vợ chồng chị còn nợ hơn 10 triệu đồng tiền mua vật liệu.

Trong nhà chỉ có vài đồ dùng cũ kỹ gồm 1 chiếc tủ nhỏ, 1 bộ bàn ghế và 2 chiếc giường. Bàn và tủ là của người thân cho, vợ chồng chị chỉ sắm được thêm 4 chiếc ghế nhựa nhỏ để ngồi. Vợ chồng chị còn có 2 người con sống cùng trong ngôi nhà ấy. 

Anh Sinh vốn là người khuyết tật. Từ lúc lọt lòng đã bị ảnh hưởng não, liệt cánh tay phải, chỉ làm được những việc nhẹ nhàng. Chị Hạnh cũng đau yếu thường xuyên.

Tay trái của chị có dấu hiệu bị liệt, cử động khó. Chị còn mắc nhiều chứng bệnh như tiểu đường, suy gan... Con trai lớn của anh chị cũng bị ảnh hưởng thần kinh, nhận thức chậm. Cả nhà chỉ trông chờ vào cậu con trai út năm nay mới 17 tuổi. Dù đang tuổi học hành nhưng con trai chị đã phải nghỉ học giữa chừng đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.

"Các con tôi đi làm thuê tiền công cũng phập phù lắm. Hai vợ chồng tôi lại ốm đau thường xuyên, thuốc thang tốn kém nên trong nhà chẳng bao giờ có tiền. Thôi thì cứ sống qua ngày đoạn tháng, chưa biết bao giờ mới thoát khỏi cái nghèo, mới trả được hết nợ nần", chị Hạnh buồn rầu nói.

Bao năm qua, ông Nguyễn Văn Nhân ở thôn Thiên Đông, xã Kim Tân (Kim Thành) sống cô đơn trong căn nhà cũ nát, không đồ đạc nào có giá trị. Ông Nhân bị khuyết tật vận động, trí tuệ cũng không minh mẫn. Mấy năm trước, ông sống cùng mẹ già.

Sau khi mẹ mất, ông đành cậy nhờ vào người em dâu ở gần nhà. Gia cảnh em dâu cũng còn nhiều khó khăn nên hằng ngày ông chăn bò, cắt cỏ giúp em. Nhìn ông khắc khổ, già nua hơn nhiều so với độ tuổi ngoài 50 của mình.

Cuộc sống quá chật vật về cả vật chất lẫn tinh thần nên không ít lần ông Nhân tìm đến cái chết. May được bà con hàng xóm, người thân phát hiện, kịp thời ngăn chặn hành động dại dột này.

Nhờ mọi người động viên, nay ông Nhân đã bình tĩnh hơn và cố gắng tin tưởng vào những điều tốt đẹp phía trước trong cuộc sống.  

Hỗ trợ thiết thực

Xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) hiện chỉ còn 9 hộ nghèo. Hầu hết các hộ đều thuộc đối tượng bảo trợ xã hội là người khuyết tật, neo đơn. Họ sống chủ yếu dựa và số tiền trợ cấp của Nhà nước và không đạt ngưỡng để thoát nghèo về tiêu chí thu nhập.

Do không có sức lao động nên khả năng để phát triển kinh tế, thoát nghèo đối với những hộ này rất khó. 

Tương tự, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Đức Xương (Gia Lộc) hiện là 3,97%, ở mức cao so với các địa phương trong cùng huyện.

Ông Đỗ Trọng Tuệ, Chủ tịch UBND xã thừa nhận việc giảm nghèo ở địa phương gặp khó khăn do đa số hộ nghèo rơi vào nhóm đối tượng người già cô đơn, người khuyết tật không có khả năng lao động, cuộc sống gặp nhiều khó khăn về kinh tế cũng như sức khỏe.

Đây không phải là chuyện riêng ở Thượng Đạt hay Đức Xương mà là thực tế chung trong toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát cuối năm 2018, toàn tỉnh có 602.836 hộ, trong đó có 15.255 hộ nghèo, chiếm 2,53%.

Trong số này phần lớn là các hộ thuộc đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội, rất khó phát triển kinh tế để thoát nghèo. Một số người còn gặp khó khăn về nhận thức không thể tự chủ trong cuộc sống.

Thời gian qua, trong việc bình xét hộ nghèo bảo đảm tiêu chí nông thôn mới, các địa phương cũng được phép không tính số hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng này vào tỷ lệ hộ nghèo.

Để những người nghèo thuộc nhóm đối tượng trên bớt thiệt thòi cần sự chung tay của toàn xã hội. Hiện mức trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, người cao tuổi (từ đủ 80 tuổi trở lên) vẫn thấp, chưa đạt ngưỡng bảo đảm tiêu chí thoát nghèo về thu nhập.

Thậm chí có những trường hợp chỉ đủ tiêu chuẩn hỗ trợ 270.000 đồng/người/tháng, mức này còn xa so với ngưỡng thoát nghèo. Do đó nếu không có những chính sách thiết thực khác biệt, chắc chắc họ không thể thoát nghèo. 

Ngoài ra, các gia đình có thân nhân thuộc nhóm đối tượng này, đặc biệt là người có cha mẹ già nên quan tâm, chăm sóc bằng tình cảm và trách nhiệm của mình.

Các cụ xưa thường dạy "Một giọt máu đào hơn ao nước lã", ý nói là người trong một nhà cần yêu thương, đùm bọc, chăm sóc lẫn nhau. Có như thế mới giúp những người cô đơn, bệnh tật bớt khó nhọc trong cuộc sống.

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lay lắt cái nghèo