Hiệu quả những mô hình phòng chống bạo lực gia đình

23/08/2018 09:18

Hải Dương hiện có 206 xã, phường, thị trấn xây dựng được mô hình phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ).

 Hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở ngày càng phong phú. Trong ảnh: Hội diễn kịch truyền thông sáng tạo về mất cân bằng giới tính khi sinh được tổ chức tại xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện)

Các mô hình này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình.

Ông Vũ Duy Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ), Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình của xã kể cho chúng tôi nghe về mô hình phòng chống BLGĐ ở đây: Trước đây, do kinh tế còn khó khăn, nhận thức về BLGĐ của một số người dân hạn chế. Với suy nghĩ BLGĐ là chuyện riêng của mỗi gia đình, nói ra thì "xấu chàng hổ ai” nên hầu hết các vụ BLGĐ không được phát hiện và can thiệp kịp thời, để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Năm 2009, sau khi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm điểm xây dựng mô hình phòng chống BLGĐ của tỉnh, Kỳ Sơn đã tích cực vào cuộc.

UBND xã Kỳ Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình, đồng thời thành lập 5câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững, 5 đội phản ứng nhanh, 5 địa chỉ tin cậy và bố trí 3 điểm tạm lánh cho nạn nhân bị BLGĐ. Để thu hút người dân tham gia sinh hoạt, từng thành viên trong ban chủ nhiệm CLB không quản ngại nắng mưa, đến từng gia đình, đặc biệt là những hộ có nguy cơ cao về BLGĐ để nắm bắt, tuyên truyền, vận động. Các CLB sinh hoạt mỗi tháng một lần, thường vào buổi tối. Thông qua việc dàn dựng các tiểu phẩm vui, thơ ca, hò vè, trò chơi hái hoa dân chủ, bốc thăm trả lời tình huống xung quanh đề tài xây dựng gia đình hạnh phúc, lên án thói vũ phu, gia trưởng, bảo thủ, lạc hậu... công tác tuyên truyền được cụ thể hóa, dễ đi vào lòng người. Toàn xã hiện có 318 cặp vợ chồng tham gia sinh hoạt thường xuyên trong CLB.

Ban Chỉ đạo công tác gia đình Kỳ Sơn còn trang bị tủ sách pháp luật phòng chống BLGĐ cho 3 CLB với trên 1.000 đầu sách, đặt tại nhà văn hóa các thôn, đã được các thành viên đón đọc... Với những nỗ lực đó, từ năm 2010 đến nay, xã Kỳ Sơn không còn xảy ra vụ BLGĐ nào.        

Trước khi có mô hình phòng chống BLGĐ, xã Ngũ Hùng là một trong những điểm nóng về BLGĐ của huyện Thanh Miện. Ngũ Hùng có địa bàn rộng, dân số đông, nạn cờ bạc, rượu chè khá phổ biến. Các năm 2007 - 2008 ở đây liên tiếp xảy ra 2 vụ án mạng liên quan đến BLGĐ. Từ thực tế trên, theo sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND xã Ngũ Hùng đã nhận làm điểm mô hình về phòng chống BLGĐ của huyện.

Xã hiện có 5 CLB gia đình phát triển bền vững ở 5 thôn, với hơn 200 thành viên tham gia. Điểm mới ở Ngũ Hùng là thành lập được văn phòng tư vấn pháp luật về phòng chống BLGĐ của Chi hội Luật gia, trụ sở đặt tại UBND xã. Đến đây, người dân được trao đổi, tư vấn miễn phí những vấn đề về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, kiến thức về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống BLGĐ… và những thủ tục pháp lý cần thiết. Từ một địa bàn “nóng” về BLGĐ, từ năm 2012 đến nay, xã không xảy ra vụ BLGĐ nào. CLB Gia đình phát triển bền vững Ngũ Hùng còn hăng hái tham gia các cuộc thi và giành giải cao như giải nhất Hội thi CLB gia đình phát triển bền vững cấp tỉnh năm 2013, giải sáng tạo tại Hội thi CLB gia đình phát triển bền vững toàn quốc năm 2016...

Thành công của các mô hình thí điểm đã làm tiền đề cho việc lan tỏa các mô hình phòng chống BLGĐ rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh, giúp cho tình trạng BLGĐ giảm xuống đáng kể. Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, năm 2009, toàn tỉnh có 332 vụ BLGĐ, năm 2016 giảm xuống còn 111 vụ và năm 2017 còn 78 vụ.

Để có được kết quả đó là nhờ sự tham mưu tích cực của ngành văn hóa các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình phòng chống BLGĐ, vẫn cần đẩy mạnh tuyên truyền từ cơ sở.

Ông Phạm Sĩ Cẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Thời gian tới, ngành văn hóa sẽ tích cực tham mưu với Ban Chỉ đạo công tác gia đình đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền; làm tốt công tác phối hợp liên ngành; tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức, điều hành hoạt động của mô hình phòng chống BLGĐ cả bề rộng lẫn chiều sâu… Có như vậy, hoạt động của các mô hình phòng chống BLGĐ mới trở nên bền vững, thiết thực, sâu rộng và hiệu quả".

PHƯƠNG LAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả những mô hình phòng chống bạo lực gia đình