Hãy giúp con trở thành đứa trẻ đặc biệt

10/10/2021 08:01

Vợ chồng chị Chi bạn tôi dạo gần đây rất buồn phiền bởi cậu con trai 15 tuổi của mình. Mỗi lần gọi điện thăm hỏi nhau, tôi đều nghe chị than phiền về con trai.


Một hôm, chị Chi gọi điện than thở với tôi rằng:

- Đúng là tuổi “nổi loạn” thật cô ạ! Ngang bướng, khó bảo, không biết phải làm sao với nó nữa? Vợ chồng chị bao lần to tiếng với nhau vì nó rồi. Mắng chửi nó thì anh ấy bảo chị dạy dỗ con kiểu phản giáo dục. Mà không nói, nó được nước lộng hành thì anh ấy lại bảo chị nuông chiều để con hư.

Tôi cất tiếng động viên và khuyên anh chị phải bàn bạc và thống nhất với nhau, cùng nhau dạy dỗ con, tránh kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Nghe vậy, chị liền thở dài và nói giọng buồn buồn:

- Anh ấy cứ mải mê làm ăn có ngó ngàng gì đến nó đâu. Ra khỏi nhà khi con chưa ngủ dậy, về tới nhà khi con đã ngủ say. Tất cả mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều đổ hết lên đầu chị. Vài ba ngày chị lại phải nghe thầy cô giáo phản ánh việc con vi phạm nội quy, quy định của nhà trường mà nhắc thì nó cãi bay cãi biến cô ạ!

Tôi nhẹ nhàng hỏi chị:

- Thế anh chị đã làm những gì với cu cậu rồi?

- Thì cũng đến chửi mắng thôi chứ biết làm gì nữa! Không lẽ lôi nó ra đánh lại mang tiếng bạo hành con. Cô có cách nào hay thì chỉ chị với! Gì thì cô cũng là giáo viên…

Nghe chị nói, tôi chợt thấy chạnh lòng. Đúng. Tôi là giáo viên, tôi còn là một người mẹ có hai thằng con trai cũng đã từng qua cái tuổi “nổi loạn”. Nhưng thật sự là tôi cũng đã từng gặp thất bại với chính con trai của mình. Cũng may mà tôi biết tự điều chỉnh lại phương pháp giáo dục nên giờ các con tôi đang dần trưởng thành theo chiều hướng tích cực. Tôi im lặng một hồi rồi nói với chị Chi:

- Để chủ nhật này em thu xếp thời gian đến chơi với gia đình và gặp cháu đã chị nhé! Có gì chị em mình sẽ tìm hướng giải quyết.

Chiều chủ nhật sau đó, tôi đến nhà chị Chi. Vì đã thống nhất trước với nhau nên chị Chi đi công việc để tôi gặp riêng Dũng, con trai chị. Mở cổng cho tôi là một cậu bé với hai túm tóc như hai cái sừng trước trán trông khá bướng bỉnh, thân hình gày gò lọt thỏm trong cái áo phông dài rộng lùng thùng. Tôi vui vẻ bảo cậu khi gặp mặt:

- Ô, Dũng hả? Lâu rồi cô không đến chơi, lớn quá rồi nhỉ? Lại đẹp trai nữa!

Dũng lúng túng chào và mời tôi vào nhà đợi mẹ. Khi hai cô cháu ngồi xuống ghế, tôi lại hỏi:

- Bây giờ thanh niên đang mốt cột tóc thế này à? Trông hay nhỉ? Mà nhà trường cho phép cột tóc thể hả cháu?

Dũng cười bẽn lẽn:

- Trường chỉ cấm nhuộm tóc xanh đỏ lòe loẹt thôi cô!

Quả đúng là như vậy thật. Trong quy định ở các trường đều không có cấm học sinh nam buộc tóc. Tôi lại nói:

- Nhìn cũng hay đấy nhé! Nhưng khi cháu buộc tóc sẽ khác biệt với các bạn nam trong lớp thì có thấy lạc lõng không?

Dũng bắt đầu nói chuyện cởi mở với tôi. Cậu bé nói khi buộc tóc lên cậu thấy hứng thú học tập hơn và học tốt hơn. Cậu khẳng định mình cảm thấy mình đặc biệt chứ không hề lạc lõng. Tôi vui vẻ bảo rằng nếu Dũng thấy buộc tóc mà học tốt hơn, không vi phạm nội quy trường, lớp thì cũng nên buộc chứ! Nhưng tôi cũng nói thêm rằng khuôn mặt của Dũng nếu cắt tóc ngắn, để mái rẽ ngôi giữa trông sẽ rất hợp, sẽ đẹp chẳng khác gì trai Hàn Quốc. Thấy tôi nói vậy, cậu bé vui vẻ nói rằng sẽ thử cắt như vậy. Rồi tôi hỏi Dũng xem cháu hiểu thế nào là đặc biệt, thế nào là cá biệt? Rồi hai cô cháu chia sẻ với nhau, cùng thống nhất rằng: Người đặc biệt là người học giỏi, có tài năng, năng khiếu hoặc ngoại hình đẹp còn người cá biệt là có những thói hư, tật xấu không kiểm soát được, luôn vi phạm những quy định, nội quy của trường, lớp. Rồi tôi nheo mắt hỏi Dũng:

- Giờ Dũng thấy mình đặc biệt hay cá biệt?

Dũng đỏ mặt im lặng, tôi nhẹ nhàng nói:

- Hãy thu hút sự quan tâm bằng cách trở thành một người đặc biệt cháu ạ! Lúc đó cháu sẽ thấy mình tự tin hơn và cô biết là cháu làm được vì cháu đã từng là một người đặc biệt, ít nhất là đặc biệt trong lòng bố mẹ cháu.

Dũng gãi gãi đầu...

Khi vợ chồng chị Chi về nhà, tôi nói với anh chị rằng: Việc Dũng buộc tóc, không mặc đồng phục theo quy định của nhà trường, hay đi học muộn, hay trêu ghẹo các bạn hoặc hay cãi lại bố mẹ… chỉ là cháu đang muốn thu hút sự quan tâm của mọi người dành cho mình mà thôi. Tuy nhiên, những hành vi tạo sự thu hút ấy là tiêu cực, cần được uốn nắn và thay đổi. Tôi cũng mong muốn anh chị dành nhiều thời gian cho con hơn, gần gũi với con hơn. Hãy là bạn của con, giúp con lớn lên và trưởng thành. Đừng khiến con mình cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Chị Chi rưng rưng nước mắt nhìn chồng, nói:

- Vợ chồng mình hãy cùng con thay đổi, cùng giúp con trở thành một đứa trẻ đặc biệt anh nhé!

TRẦN THUỲ LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hãy giúp con trở thành đứa trẻ đặc biệt