Dứt tình mẫu tử

04/09/2019 15:58

Mồ côi cha từ thuở ấu thơ, tưởng như 3 đứa trẻ sẽ được mẹ yêu thương, chăm sóc, bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi. Vậy mà mẹ của 3 đứa trẻ này lại bỏ đi khiến chúng rơi vào cảnh thiếu cha, vắng mẹ...

Một mình bà Mơ phải đảm đương trách nhiệm người bà, người cha, người mẹ của 3 đứa trẻ

Bà nội gồng mình nuôi 3 cháu nhỏ

Sau hơn 2 năm tôi mới có dịp trở lại thăm gia đình bà Tăng Thị Mơ ở thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên (Gia Lộc), là nơi người mẹ ấy phải tiễn biệt cả 3 người con trai thiệt mạng trong hầm biogashồi tháng 5.2017. Năm ấy, con trai thứ hai của bà Mơ là anh Tăng Văn Đươm bắc thang xuống hầm biogas để sửa chữa đường ống dẫn khí vào bếp đun thì bất ngờ gục ngã. Không thấy anh Đươm lên, em trai Tăng Văn Đới và anh trai Tăng Văn Đượm lần lượt xuống cứu nhưng tất cả đều lâm nạn. Các anh không qua khỏi do ngạt khí độc. 

Hôm tôi đến, trời nổi dông lốc, mưa như trút nước làm cho không khí trong căn nhà của bà Mơ vốn đã hiu quạnh lại càng thêm ảm đạm. Bà Mơ gồng hết sức kéo tấm bạt rộng cả chục m2 từ trong nhà ra che chắn trước cửa để nước mưa đỡ hắt.

Lo chắn được nước mưa khỏi hắt vào nhà, bà Mơ vội quay vào trong bếp xới cơm, bóc trứng đặt lên bàn thờ 3 người con trai xấu số. Các anh đã mất hơn 2 năm nhưng ngày nào bà cũng cúng cơm vì thương, vì sợ các con... đói.

Trải manh chiếu rách giữa nhà, bà Mơ gọi mấy đứa cháu nội ra ngoài ăn trưa. Bữa cơm của 3 bà cháu đạm bạc chỉ một bát rau muống xào mỡ và một đĩa rau dưa muối khiến tôi không khỏi mủi lòng xót xa. "Từ ngày bố chúng mất, mẹ bỏ đi, cuộc sống của mấy bà cháu lam lũ, vất vả lắm anh ạ", bà Mơ ngậm ngùi.

- Cháu nghe nói bà có 3 cháu nội, sao ở đây chỉ có 2? - tôi hỏi.

- Cháu Tăng Thị Phương Anh (6 tuổi) con thằng Đượm được mẹ đón vào Cần Thơ chơi mấy hôm nay. 2 đứa này là Tăng Thị Hương (8 tuổi) và Tăng Thị Quỳnh (5 tuổi) là con thằng Đới.

Thấy bà nội nhắc tên bố, 2 đứa nhỏ mắt ngơ ngác, ngừng ăn cơm và nhìn tôi dò xét. Bà Mơ bảo cháu Hương lớn nhất nên ý thức được bố và 2 bác vì cứu nhau nên đã mất. Còn 2 đứa kia thì vẫn ngây ngô, nghĩ bố đi làm xa chưa về. Mẹ chúng bỏ đi, bà phải nói dối là đi làm kiếm tiền ở trên thành phố. Ngày bố mới mất, mấy đứa nhỏ đêm nào cũng khóc đòi mẹ, bà Mơ chỉ biết ôm cháu cùng khóc. "Có lần đón mấy đứa nhỏ từ trường về, chúng nó thấy các bạn được bố mẹ đón nên cũng nằng nặc đòi như vậy. Lúc đó lòng tôi quặn đau vì thương cháu, thương con", bà Mơ kể.

"Từ ngày các anh mất, bà vất vả lắm đúng không?". Câu hỏi của tôi khiến đôi mắt bà đỏ hoe, hai hàng nước mắt cứ vậy tuôn trào. Hai đứa nhỏ thấy bà khóc, không hiểu chuyện gì, vẻ mặt hoảng hốt, sợ hãi cũng òa khóc theo. Có lẽ câu hỏi của tôi đã chạm đúng nỗi cơ cực mà bà Mơ đã trải qua suốt hơn 2 năm và chắc chắn sẽ còn kéo dài tới cả sau này. 

Chồng bà Mơ mất cách đây 14 năm. 3 con trai qua đời khi tuổi còn quá trẻ, mấy người con dâu cũng bỏ đi, bà Mơ một thân một mình đảm nhận trách nhiệm vừa là người bà, vừa là cha, là mẹ của các cháu. Hằng ngày, từ chuyện học hành, ăn uống, tắm giặt đến trông nom mấy đứa đều do một mình bà lo toan. Bà Mơ bị bệnh tiền đình, hay ốm đau nhưng chẳng được nghỉ ngơi mà vẫn phải lo đủ thứ việc.

Ngày 3 con trai mất, có nhiều tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm ở khắp nơi đến thăm, ủng hộ giúp đỡ 3 bà cháu. Nhưng bà Mơ gần như đã dành toàn bộ số tiền đó để trả nợ xây nhà. Vì trước khi mất, anh Đươm đã vay ngân hàng hơn 500 triệu đồng để xây ngôi nhà mái bằng mà bây giờ 3 bà cháu đang ở. Để có tiền nuôi các cháu ăn học, hằng ngày bà Mơ đưa các cháu đến trường rồi lại đi dọn nhà, rửa bát thuê. Bà tranh thủ cấy hơn 1 sào ruộng, trồng thêm ít rau, nuôi mấy con gà lấy trứng tại vườn nhà để cải thiện bữa ăn.

Cuối tuần các cháu được nghỉ, bà phải chở mẹ đẻ năm nay đã 81 tuổi đến ngôi nhà mình đang ở, nhờ người trông hộ rồi lại cùng với chiếc xe đạp cũ rong ruổi khắp nơi thu mua đồng nát. Anh em họ hàng, bà con lối xóm mặc dù rất thương cảm nhưng vì hoàn cảnh còn khó khăn nên không giúp đỡ, hỗ trợ được nhiều. "Tôi làm ngày cũng được khoảng 100.000 đồng nhưng vất vả lắm. Nhiều khi tôi về muộn, mấy đứa nhỏ ở nhà không có cơm ăn còn leo lên bàn thờ bố bốc cơm cúng ăn, tội nghiệp vô cùng", bà Mơ nghẹn ngào.

Tương lai mịt mờ



Các cụ xưa có câu "Mồ côi cha ăn cơm với cá/ Mồ côi mẹ lót lá mà nằm". Ý nói con có mất cha vẫn còn bớt thiếu thốn, chứ mất mẹ thì rất khổ sở. Vậy mà 3 cháu nội của bà Mơ không còn cha nhưng cũng vắng mẹ và đối diện với tương lai mờ mịt.

Ông Tăng Văn Khiển, Trưởng thôn Đồng Bào cho biết ở địa phương chưa có trường hợp nào éo le, bi đát như gia đình bà Mơ. Người dân trong làng thương cảm với bà vì tuổi già mà không nơi nương tựa lại phải vất vả nuôi 3 cháu nhỏ. "Tình mẫu tử thật thiêng liêng nhưng tôi không hiểu các con dâu bà Mơ nghĩ thế nào mà cư xử như vậy. Ở chỗ tôi chưa bao giờ có trường hợp nào mà bố mất, mẹ lại dứt tình bỏ đi như thế", ông Khiển nói.

Bà Mơ cho biết vợ anh Đượm bỏ đi khi cháu Phương Anh mới được 8 tháng tuổi. Nhưng đây là cô con dâu duy nhất còn thi thoảng liên hệ với gia đình nhà chồng. Chị này có một vài lần xin phép đón con về quê trong Cần Thơ chơi.

Vợ anh Đươm đã bỏ nhà đi sau khi chồng mất được nửa tháng, nghe đâu giờ đã lấy chồng. Vợ anh Đới đi làm xa, chồng mất 3 ngày mới về đến nhà. Được mấy hôm chị này nói tiếp tục phải quay lại làm việc, sẽ thường xuyên gửi tiền về cho mấy bà cháu nhưng rồi cũng... bặt vô âm tín.

Bà Mơ không hiểu vì sao các con dâu của mình lại có thể dứt tình mẫu tử bỏ lại các con thơ dại như vậy. "Các cháu lớn lên thiếu cha đã là thiệt thòi, vắng mẹ sẽ càng khổ đau. Mai này tương lai chúng sẽ ra sao, tôi cũng không biết nữa", bà Mơ trải lòng.

Ông Tăng Văn Quyên (em ruột bà Mơ) làm nghề chở vật liệu xây dựng ở địa phương thi thoảng vẫn qua giúp đỡ mấy bà cháu. Ông bảo các cháu càng lớn chi phí học tập, sinh hoạt ngày càng nhiều. Có một doanh nghiệp mỗi tháng vẫn nhận hỗ trợ 1 triệu đồng cho 3 cháu nhưng số tiền này cũng chẳng thấm vào đâu và không biết họ ủng hộ đến bao giờ. Thời điểm bố các cháu mất, nhà trường miễn học phí cho 1 năm nhưng bây giờ phải đóng góp như bình thường.

"Chị tôi ngày càng già đi, sức lao động sẽ hết. Nhỡ có bệnh tật gì đột xuất thì không biết cơ cảnh bần hàn này sẽ còn đi đến đâu. Chỉ lo mấy đứa nhỏ sau này không biết tương lai sẽ thế nào. Giá như mẹ chúng sống có trách nhiệm thì cũng còn đỡ lo", ông Quyên thở dài nói.

Mấy đứa trẻ thơ ngây vẫn vô tư nô đùa khi bà nội chúng cùng tôi trò chuyện. Bà Mơ bảo bé Quỳnh năm nay vào lớp mẫu giáo 5 tuổi. "Mấy hôm vừa rồi cháu lại đòi mẹ, tôi phải nói dối bố mẹ đi làm xa sắp về rồi. Về sẽ đưa con đi chơi, đi mua quần áo", bà Mơ kể. Nói đến đây, bà Mơ lại ngước lên bàn thờ 3 con với đôi mắt ngấn lệ.

Thật xót xa khi qua tìm hiểu không chỉ có 3 người con dâu của bà Mơ mà ngoài xã hội cũng có không ít phụ nữ đã vô tâm bỏ đi, trốn tránh trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ con khi chồng mất. Sự thờ ơ, sống thiếu trách nhiệm của những phụ nữ này khiến cho nhiều trẻ chịu cảnh thiếu thốn, thiệt thòi về tình cảm, lớn lên với tương lai mờ mịt. Truyền thống đạo lý gia đình, tình mẫu tử thiêng liêng bị nhiều phụ nữ xem thường, dứt bỏ khiến mỗi chúng ta day dứt.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dứt tình mẫu tử