Đám tang ở Thanh Giang không theo lệ xấu

08/07/2019 13:20

Không phải là địa phương đầu tiên của huyện Thanh Miện thực hiện mô hình điểm “Nếp sống văn minh trong việc tang” nhưng xã Thanh Giang lại có cách làm hay để trở thành điển hình thực hiện tốt nội dung này.

Ban Chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh việc tang xã Thanh Giang chia buồn với gia đình tại đám tang cụ Nguyễn Đình Hào. Đám tang cụ không có đội kèn trống, các đoàn vào viếng sử dụng 2 đĩa hoa luân chuyển

Không kèn đồng

Đám tang cụ Nguyễn Đình Hào ở thôn Phù Tải 2 không có đội kèn đồng, không có người khóc thuê, các đoàn vào viếng sử dụng 2 đĩa hoa luân chuyển, nghi lễ phúng viếng nhanh gọn, gia đình cũng không làm cỗ linh đình... Con trai trưởng của cụ là ông Nguyễn Mạnh Quyền kể: “Đó là chúng tôi thực hiện theo ý nguyện của ông. Trước khi mất, bố tôi đã viết di chúc dặn con cháu tổ chức tang lễ theo đúng quy định của địa phương, không phúng viếng rườm rà. Và còn dặn, đưa ông đi hỏa táng”. 

Hưởng thọ 94 tuổi, là đảng viên 55 tuổi Đảng, cụ Hào cũng như nhiều đảng viên ở Thanh Giang đều ý thức thực hiện chủ trương của địa phương. Đó là một nguyên nhân lý giải dù thực hiện sau nhưng mô hình lành mạnh việc tang ở Thanh Giang lại nhanh chóng đi vào nền nếp. 

Trước đây, cũng như nhiều miền quê khác, người dân Thanh Giang thường có nếp nghĩ đám hiếu là dịp trả nợ cho người đã khuất, nếu không làm cỗ to, dân làng chê trách. Thành thử có chuyện người thân vừa mất, chưa kịp nhập quan mà gia đình đã phải giết 2-3 con lợn để làm cỗ mời dân làng, có nhà làm đến cả 100 mâm cỗ. Còn những tập tục không thể thiếu như: Khóc thuê, lăn đường, luồn cữu, gọi hồn, mời thuốc lá… gây tốn kém cho gia chủ. 

Từ tháng 3.2017, UBND xã Thanh Giang ban hành quyết định “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang”. 7 nội dung đưa ra khuyến khích người dân thực hiện là: Không sử dụng thuốc lá; Không rải tiền, vàng mã bừa bãi; Không thuê khóc thuê; Không sử dụng kèn đồng; Sử dụng vòng hoa luân chuyển; An táng đúng thời gian quy định và khuyến khích hình thức hỏa táng.

Cán bộ xã tuyên truyền lành mạnh hóa việc tang cho người dân

Đương nhiên, để thay đổi nếp nghĩ đã ăn sâu, bám rễ trong người dân không phải dễ. Trường hợp gia đình ông Vũ Đình Dinh ở thôn Đan Giáp, dù trong gia tộc đã thực hiện lành mạnh việc tang nhưng đến công việc của nhà, ông Dinh vẫn phải vất vả để thuyết phục mọi người đồng thuận. Theo ông Dinh, tránh lãng phí trong đám tang thì người dân có thể tiếp nhận nhưng hình thức hỏa táng sẽ khó thực hiện, bởi truyền thống lâu nay vẫn là địa táng. May thay, cha của ông Dinh từng có thời gian công tác nên cụ hiểu chuyện và đồng ý tổ chức tang lễ của mình theo nghi thức địa phương khuyến khích. Thuyết phục được cha mẹ, ông lại đến từng nhà chị em trong gia đình để vận động, bởi ông Dinh cho rằng đây là việc hệ trọng, phải nhận được sự đồng thuận chứ một ý kiến trái chiều là không thành. Cuối cùng 7 anh em ông Dinh đều đồng ý tổ chức đám tang cho cha tiết kiệm, gọn nhẹ.

Luân chuyển vòng hoa

Theo ông Nguyễn Trác Thăng, Chủ tịch MTTQ xã Thanh Giang, xã hiện có 4 thôn với hơn 2.700 hộ gia đình, khoảng 9.400 nhân khẩu, không phải ngẫu nhiên tạo được đồng thuận từ người dân. Ngay từ khi nhận được chủ trương của UBND huyện, xã đã triển khai tổ chức hội nghị tuyên truyền đến các cấp hội, trưởng thôn, trưởng dòng họ. Mỗi thôn đều có đại diện ban chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh việc tang, có các hình thức vận động, tuyên truyền, giám sát, tổ chức đám tang ở địa phương với phương châm “Đảng viên đi đầu”, địa phương nào có đám tang tổ chức rùm beng, tốn kém, lãnh đạo địa phương hoặc người đứng đầu đoàn thể đó phải chịu trách nhiệm. Với những gia đình khó khăn, xã vận động sử dụng vòng hoa được luân chuyển, tiền vòng hoa gửi vào tiền viếng để giúp đỡ gia đình lo toan công việc. Quyết liệt nhất là quy định giờ đưa tang, phải vào buổi sáng (mùa hè 7 giờ, mùa đông 7 giờ 30), gia đình nào làm trái quy định, đưa tang vào buổi chiều thì Ban tang lễ rút không tổ chức...

Nghĩa trang nhân dân mới của thôn Đan Giáp với những ngôi mộ được xây đúng quy chuẩn kích thước

Đến nay, cả 48 dòng họ của địa phương đều ký cam kết thực hiện lành mạnh việc tang. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, trong 4 thôn có 38 đám tang thì cả 38 đám đều thực hiện tốt nếp sống văn minh. Có 24 đám thực hiện hình thức hỏa táng. Đan Giáp là thôn thực hiện triệt để những mục tiêu đề ra khi 100% số đám chọn hình thức hỏa táng và có mô hình nghĩa trang kiểu mẫu.

Nghĩa trang thôn Đan Giáp có những ngôi mộ kiến cố, được xây với kích thước quy định chuẩn (chiều rộng 0,9 m; chiều dài 1,3 m; chiều cao 1,5 m). Người dân nơi đây sớm thấy cần quy hoạch nghĩa trang thôn, nên từ năm 2013, khi thực hiện dồn ô, đổi thửa đã thống nhất để lại một phần làm quỹ đất cho khu nghĩa trang mới. Đến nay, người dân còn tiếp tục đóng góp tiền của để xây dựng nhà chờ, trồng cây xanh, mua ghế đá...

Trước tình trạng nhiều nơi còn tổ chức đám tang rườm rà, nghi thức tốn kém, xây nghĩa trang nhân dân còn lộ cộ, mạnh ai nấy làm, nảy sinh tranh chấp đất… thì cách làm hay như ở Thanh Giang cần được nhân rộng.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đám tang ở Thanh Giang không theo lệ xấu