Công thức của nỗi buồn

05/07/2020 16:44

Có lần Linh mua thuốc trừ sâu về, muốn “uống cho chết” để khỏi phải chứng kiến cảnh cãi nhau như cơm bữa trong nhà.

Linh từng nhiều lần không muốn sống, muốn "tự giải thoát" khỏi căn nhà u ám, nơi bố mẹ cô luôn mâu thuẫn do nghi ngờ, ghen tuông. Bạn tôi là con út trong gia đình có ba người con. Từ khi cô năm tuổi, cả gia đình năm người đã chia làm hai phe do chính cha mẹ lôi kéo các con vào cuộc chiến. Không ít lần Linh bị "bên này" hoặc "bên kia" dằn hắt, mắng mỏ. "Mày theo mẹ mày đi, để rồi cũng hư đốn", hoặc "mày theo bố mày để trở thành người chỉ biết chửi vợ mắng con". Ai cũng giành phần phải về mình.

Linh biết mẹ ngoại tình. Một lần, cô và chị lớn nhìn thấy ông lái xe hàng xóm cùng đi buôn với mẹ chở nhau vào quán cà phê chòi - nơi hẹn hò kín đáo của tình nhân. Suốt những năm niên thiếu, nhiều lần đi học về, bạn tôi vào thẳng phòng riêng, chốt cửa lại để giam mình giữa bóng tối. "Nước mắt không thể chảy. Mọi thứ cứ bị đè nén ngày qua ngày", cô kể với chúng tôi - một "gia đình" sinh hoạt chung theo một chương trình ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Tôi và Linh đã quen nhau hơn 10 năm từ mối nhân duyên khi cả hai cùng tham gia khóa tu. "Gia đình thiền tập" chúng tôi gồm 18 người, mỗi khi kể về tổn thương dai dẳng của mình, Linh thường khóc. Gần 20 năm từ khi là đứa bé năm tuổi, Linh luôn u sầu về gia đình đầy bất ổn và thất vọng về chính người đã sinh ra mình. Thầy trưởng gia đình của chúng tôi nói: "Ai cũng ít nhiều trải qua nỗi khổ niềm đau, điều quan trọng là chuyển hóa nó thành hạnh phúc". Bản thân thầy cũng thế, bố mẹ không sống với nhau hạnh phúc, họ đã chia tay khi thầy 10 tuổi. Khi đó thầy rất buồn. Nhưng sau này, thầy nhận ra, nếu mẹ còn sống với bố, hẳn là cả hai mẹ con sẽ không được bình yên như bây giờ. Thầy biết ơn nhờ mẹ đã mạnh mẽ, dứt khoát chia tay bố - một người đàn ông thiếu trách nhiệm, gia trưởng, bạo hành vợ con.

"Thôi nhau" tất nhiên là điều không ai mong muốn. Nhưng trong những tình huống không thể cứu vãn, nó cần thiết để trẻ con được giải thoát vì không trở thành "tấm thớt" của bố mẹ. Biến con thành vũ khí để đấu đá giữa bố mẹ thì bên nào thắng cũng là thất bại. Tất cả những gì tiêu cực trẻ phải chứng kiến trong gia đình sẽ đầu độc các em lâu dài. Anh Đặng Hoàng An, một giảng viên tâm lý học chia sẻ với tôi rằng nỗi thống khổ khi bị bạo hành tinh thần, thể xác có thể đeo đẳng suốt đời khiến trẻ hay lo sợ, thiếu tự tin, học hành sút kém, trở nên trì độn. Có em rơi vào tình trạng hoảng loạn, lo sợ bị bỏ rơi, mất niềm tin vào cuộc sống. Bạo hành còn có thể để lại dấu vết trên vỏ não dẫn đến không ít trường hợp hoặc trở thành "bản sao" méo mó về nhân cách của chính cha mẹ mình hoặc ghê sợ, khinh ghét cuộc sống hôn nhân. Nhiều bạn nhỏ dần thu mình vào góc tối, tránh tiếp xúc với mọi người và rơi vào sang chấn tâm lý như trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực và thậm chí tìm đến cái chết.

Bố mẹ bạn tôi đã "thôi nhau" ở tuổi 50, khi các con đã lớn, song đôi khi Linh vẫn cho rằng giá mà những cay đắng được tháo bỏ sớm hơn. Trồng mít thì được mít, trồng cam sẽ được cam. Tôi tin vào quy luật nhân-duyên-quả. Nếu chúng ta muốn có cuộc sống an lành, ta phải gieo nhân và tạo duyên tương ứng trong mọi hành động. Gia đình cũng vậy, chỉ cần một người bất ổn đã tiềm ẩn sự tổn thương cho mọi người. Nếu con trẻ được lớn lên trong sự tôn trọng, chúng sẽ biết tôn trọng bố mẹ, tôn trọng bản thân và không làm những điều tổn hại chính mình và người khác sau này.

Con trẻ là một phần của người lớn, là sự tiếp nối cả mặt sinh học lẫn tinh thần của tổ tiên. Chúng ta là những mắt xích trong chuỗi sự sống của nhau. Những dấu ấn ở tuổi thơ sẽ định hình nên những người lớn sau này. Trước khi buông ra lời tiêu cực, liệu mỗi người lớn có nhớ ra mình đã từng là con trẻ?

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công thức của nỗi buồn