Chung sống

16/12/2018 09:05

Tôi bỗng nhiên phát hiện chồng có một tài khoản Facebook khác, vẫn công khai để ảnh bản thân và tên tuổi của mình.



Trái lại với Facebook vẫn thường dùng, ở tài khoản này chồng không hề đăng ảnh các con mà chỉ để ảnh mình bảnh bao cùng những dòng status cô đơn, buồn chán chẳng khác nào những kẻ độc thân vẫn chăm “thả thính” để vài người vào à ơi thăm hỏi. Danh sách bạn bè không có ai quen, toàn là những người ở công ty mới. Trong phần giới thiệu bản thân chồng để mối quan hệ là “độc thân”. Còn ở nick có đầy đủ người thân, bạn bè chung của cả hai vợ chồng, mối quan hệ được sửa từ “kết hôn” sang “chung sống”. Chung sống, đó là một trạng thái rất tạm bợ trong hoàn cảnh vợ chồng tôi bây giờ. Nó cho thấy chồng không coi trọng cuộc hôn nhân này. Trong sâu thẳm chồng vẫn muốn tìm một hạnh phúc khác. Trong thời gian chờ đợi bến đỗ mới anh chỉ coi nhà này như một chốn trú chân tạm bợ. 

Có vài người nói đến tai tôi chuyện bồ bịch của chồng, tôi vờ bênh vực. Vì không muốn vạch áo cho người xem lưng tôi cố tỏ ra rằng mình đang ổn. Dù mọi người chẳng lạ gì chuyện vợ chồng tôi từng nhiều lần cơm không lành, canh không ngọt. Khi còn đang mang thai đứa con thứ hai, tôi từng nộp đơn ra tòa vì không thể chịu đựng nổi một người chồng chỉ biết nghe lời mẹ và em gái mà vô trách nhiệm đối với vợ con. 

Sáu năm trước tôi phải thanh lý sạp hàng nằm trong chợ trung tâm thành phố, bị thua lỗ mấy trăm triệu. Cộng thêm tiền vay mượn bù lỗ cho các chuyến hàng tôi không ngờ mình ôm nợ cả nửa tỷ đồng. Không có tiền nộp học cho con, mẹ chồng cũng tuyên bố không trông cháu nội, tôi đành gửi con về bên ngoại, cố gắng xoay xở đủ cách kiếm ít tiền tính tìm đường làm ăn khác. Lúc khó khăn như thế tôi cần chồng bên cạnh biết bao nhưng anh đã quay lưng lại với mẹ con tôi một cách phũ phàng. Chồng dọn hết đồ đạc cá nhân của mình sang nhà em gái ở mà không thèm nói với tôi một tiếng. Ngay cả khi biết tôi đã có thai chồng vẫn buông một câu: “Mặc kệ cô. Muốn làm gì thì làm”.

Tiền không có một xu trong túi, bị đuổi khỏi phòng trọ, tôi không còn nơi bấu víu nên về nhà mẹ ở và nộp đơn ly hôn lên tòa, định sinh con xong sẽ vay tiền đi nước ngoài cật lực làm ăn trả nợ, nuôi con. Thấy tôi làm căng, chồng đành về ngoại xin, rồi vào làm trong khu công nghiệp lương chỉ đủ sữa bỉm và chi tiêu ăn uống hằng ngày. Tôi thai yếu phải ở nhà đến tận lúc sinh. Nợ nần chồng chất, lúc đi đẻ cũng không có đồng nào trong túi, mẹ tôi phải đi vay cho con gái.

Rồi thì giai đoạn khó khăn nhất cũng qua. Tôi đi xuất khẩu lao động ba năm, đã trả hết nợ và có ít vốn giắt lưng. Tôi về quê buôn bán, nhờ trời thương mà xây được một căn nhà trên mảnh đất bố mẹ đẻ chia cho. Tôi biết chồng không muốn ở gần nhà ngoại lâu dài. Anh muốn lôi tôi về quê nội để tiện chăm sóc bố mẹ anh lúc về già. Nhưng thật lòng tôi rất giận nhà nội vì những chuyện đã xảy ra. Nếu gia đình bên ấy không xúi giục thì chồng tôi đã không đổ đốn. Lúc mới lấy nhau chồng tôi rất thương vợ, cầu tiến, chăm chỉ làm việc. Chỉ vì những xích mích nhỏ mà mẹ chồng xúi con trai đối đầu với vợ. Chồng tôi bắt đầu lười làm, chỉ ở nhà chơi điện tử hoặc đi phượt với bạn bè. Tôi đi làm cả ngày đến đêm muộn mới về cơm không có ăn, bát đĩa, quần áo bẩn vứt ngổn ngang khắp phòng. Con có khi nhịn đói mà đi ngủ. Nhà em gái chồng ngay bên cạnh. Mẹ chồng lên thành phố chăm ba đứa cháu ngoại nhưng lại nặng nhọc trông nom cháu nội. Mâu thuẫn cứ dâng lên, chồng nghe theo mẹ nên suốt ba năm dài không chịu làm bất cứ việc gì. Tôi xoay vốn làm ăn kiếm tiền nuôi cả gia đình. Tiền thuê sạp hàng chợ lớn một năm mấy trăm triệu chứ đâu có ít. Chồng không đi lấy hàng, cũng không chịu ra chợ bán hàng, tôi phải mất tiền thuê thêm nhân viên. Những lúc tôi đi vắng nhân viên tự nâng giá lấy tiền chênh lệch đút túi làm sạp hàng mất khách. Chồng tôi chẳng hề thấy áy náy hay ân hận vì đã đẩy gia đình vào cơn túng quẫn. 

Chồng tôi bắt vợ chấp nhận cảnh bồ bịch bên ngoài. “Anh sống chung với em là vì con. Còn tình cảm giữa chúng ta đã không còn nữa”. Nhưng tôi không muốn duy trì một vỏ bọc hạnh phúc. Các con rồi cũng lớn lên, chúng sẽ hiểu được bi kịch gia đình. Đến khi đó chúng càng tổn thương hơn. Tôi không muốn “chung sống” một cách tạm bợ. Đã cùng ngồi ăn với nhau bữa cơm, nằm cùng trên một chiếc giường, chui ra chui vào dưới một mái nhà thì phải có trách nhiệm yêu thương và chăm sóc lẫn nhau...

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung sống