Ấm áp những gia đình Việt - Lào

11/11/2018 16:12

Bằng tình cảm chân thành, các hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh nhận những du học sinh Lào đang học tập ở Hải Dương là con nuôi. Việc làm ý nghĩa này càng thắt chặt hơn mối quan hệ anh em keo sơn Việt Nam - Lào...

Vợ chồng bà Phiếm cùng các con nuôi là du học sinh Lào chuyện trò vui vẻ bên bàn ăn

Vẹn tình anh em

Cách đây khoảng 1 năm, tỉnh ta đón nhận 12 du học sinh tỉnh Viêng Chăn (Lào) sang học tập theo diện hỗ trợ toàn phần. Thời gian đầu, các em tập trung học tiếng Việt ở Trường Cao đẳng Hải Dương. Sau khi tham khảo ý kiến của một số thành viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, nhà trường đặt cho các em tên gọi bằng tiếng Việt đầy trìu mến, thắm đượm quan hệ hữu nghị 2 nước anh em là: Hồng, Hà, Cửu, Long, Đoàn, Kết, Hữu, Nghị, Phát, Triển, Bền, Vững.

Ngay sau đó, thực hiện chủ trương "Đón học sinh, sinh viên Lào về gia đình" của Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh đã phổ biến đến các hội viên. Mục đích của việc làm này nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất để các du học sinh Lào tìm hiểu văn hóa, con người Việt Nam; đồng thời giúp các em có điều kiện giao tiếp thực tế rèn luyện tiếng Việt, hỗ trợ tinh thần để các em yên tâm học tập. Ông Đào Hạng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh cho biết rất bất ngờ là gia đình hội viên nào cũng tích cực hưởng ứng, đăng ký đón nhận các em làm con nuôi. Để các em không bị bỡ ngỡ, hội đã quyết định phân 2 hoặc 3 em về một gia đình.

Gia đình bà Đoàn Thị Phiếm (phường Bình Hàn, TP Hải Dương), hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh đón nhận 3 du học sinh Lào làm con nuôi. Bà Phiếm bộc bạch: "Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, tôi là bộ đội Trường Sơn. Thời kỳ đạn bom khói lửa ấy, ranh giới giữa 2 nước không phân biệt. Có những lúc đồng bào dân tộc Lào đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều về cả vật chất lẫn tinh thần. Ơn nghĩa ấy không bao giờ những người lính bộ đội Cụ Hồ chúng tôi có thể quên. Bởi vậy, dù các cháu sang đây học tập chỉ đáng tuổi cháu thôi nhưng tôi vẫn coi là con để thêm tình cảm gần gũi, thân thiết".

Vơi nỗi nhớ nhà

Tất cả du học sinh người Lào đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của các bố mẹ nuôi. Các gia đình đều dành cho các em tình cảm đặc biệt. Khi các con về chơi, tuỳ vào từng mùa, các bố mẹ mua các loại đặc sản của Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng cho các con ăn. Các bố mẹ cũng luôn dạy bảo các con những điều hay lẽ phải như con đẻ trong nhà. Vì vậy, những ngày có các con về chơi, gia đình nào cũng đầy ắp niềm vui. Tình cảm ấy đã giúp các em du học sinh Lào lần đầu tiên xa nhà vơi nỗi nhớ người thân, quê hương, bản quán.

Chiều thứ bảy, nhà ông Đào Hạng ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) nhộn nhịp hẳn lên. Hai người con nuôi người Lào xăm xắn cùng mẹ nuôi là bà Lê Thị Hoa (vợ ông Hạng) làm việc nhà. Bà Hoa ân cần bảo ban các con cách nhặt rau, làm các món ăn truyền thống của người Việt. Thấy mẹ mang cây rau giống ra vườn trồng, em Teka Inthavong (tên tiếng Việt là Cửu) vội bưng thau nước đi cùng. Khi trở về, trên gương mặt cả 2 mẹ con đều rạng rỡ nụ cười dù chân tay lấm bẩn. Bà Hoa chia sẻ: "Việc nhận các cháu làm con nuôi thật ý nghĩa. Tôi thấy chồng vui hơn bởi suốt 11 năm trời chiến đấu và công tác ở Lào ông ấy có biết bao kỷ niệm. Giờ có thêm những đứa con người Lào giúp ông ấy sống lại nhiều tình cảm với đồng chí, đồng đội, nhân dân nước bạn. Đặc biệt những đứa trẻ cũng giúp vợ chồng tôi thêm vui cửa vui nhà lúc tuổi già. Tuy nhận là con nhưng chúng tôi cũng chỉ giúp được các cháu về mặt tinh thần thôi".

"Giúp các cháu về mặt tinh thần" như bà Hoa nói là thường vào những ngày cuối tuần, khi các em được nghỉ, ông bà gọi các em về chơi. Cả gia đình quần tụ nấu nướng, tâm sự, sẻ chia những chuyện diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Lâu dần tình cảm của mọi người đã trở nên gần gũi. Tay nhặt rau giúp mẹ nuôi, em Sayfon Phetlavanh (tên tiếng Việt là Hữu) chia sẻ: "Thời gian đầu khi chưa được bố mẹ nhận làm con, vào những ngày cuối tuần chúng em buồn lắm, chẳng biết đi đâu cả và chỉ ở ký túc xá thôi. Giờ có bố mẹ như ngôi nhà thứ 2 vậy. Nói chuyện với bố mẹ em cũng hiểu nhiều hơn về ngôn ngữ, văn hóa người Việt. Mỗi khi có việc gì em đều hỏi ý kiến bố mẹ. Nhờ có bố mẹ nên em không còn khóc vì nhớ nhà như lúc đầu nữa".

Ở nhà bà Phiếm niềm vui cũng rộn ràng hơn khi những người con nuôi về chơi. Hễ khi nhà có việc hoặc những đứa con đẻ ở xa về thăm nhà là bà Phiếm lại gọi các con nuôi về để anh chị em đoàn tụ. Biết các con là người ngoại quốc, còn nhiều bỡ ngỡ nên mỗi khi các con về bà đều nhờ người quen đưa đón để bảo đảm an toàn. Lần nào các con về, bà Phiếm cũng dành rất nhiều thời gian để trò chuyện. Bà kể cho các con nghe những kỷ niệm chiến đấu ở chiến trường trên đất Lào. Rồi bà chỉ cho các con lễ nghĩa của người Việt như phong tục đoàn viên ngày Tết, con cái cần xin phép bố mẹ khi ra khỏi nhà... Bà cũng dạy các con làm các món ăn truyền thống của người Việt. Chủ nhật vừa rồi bà dạy các con làm món chả rươi, đặc sản của Hải Dương. Em Mainitsone Sysavang (tên tiếng Việt là Hồng) tỏ ra khá thích thú nên hăng hái phụ giúp mẹ nuôi làm món ăn. Em Hồng vui vẻ bảo: "Mẹ dạy chúng em rất nhiều thứ. Nhờ công của mẹ, giờ chúng em đã biết làm món bánh đa nem giòn và ngon lắm. Về thăm đền thờ nhà giáo Chu Văn An, mẹ dạy chúng em về đạo học của người Việt. Em rất tự hào vì có mẹ. Mẹ luôn động viên chúng em học tập tốt để có kiến thức sau này xây dựng quê hương, đất nước và gắn chặt thêm mối quan hệ 2 nước Việt - Lào. Nhờ sự động viên của mẹ nên chúng em cũng bớt nhớ nhà, nhớ người thân".

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấm áp những gia đình Việt - Lào