Từ chối mặt trái xã hội, làm sao có phim kinh điển?

29/10/2021 12:08

Sau khi tiếp nhận 240 ý kiến thảo luận tại tổ và 23 ý kiến phát biểu tại Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã có một số nội dung trả lời.

Phim "Bẫy ngọt ngào" nói về mặt trái xã hội là bạo lực gia đình

Phát biểu tại Quốc hội chiều 28.10, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã kêu gọi cởi mở về kiểm duyệt để không kìm kẹp sáng tạo. Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng điện ảnh Việt Nam đang bị kiểm duyệt quá cảm tính và khắt khe.

Có nơi nào trên thế giới không có mặt trái xã hội?

Ông Nhân cho rằng điều khó khăn nhất khi chấp bút Luật điện ảnh (sửa đổi) là phải đưa hoạt động sáng tạo vào đường biên, trong khi bản chất sáng tạo là không giới hạn. Do đó, cần hài hòa giữa quản lý nhà nước về điện ảnh mà không gây ức chế sáng tạo để nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc.

Tuy nhiên, những chế định mơ hồ của dự luật có thể trở thành "vòng cương tỏa" áp lên tư duy sáng tạo. Dự thảo có 17 điểm về nội dung và hành vi bị nghiêm cấm khá mơ hồ và rộng, nếu áp dụng sẽ bó buộc sáng tạo.

Ông Nhân đề cập đến hiện tượng "phim đổi quốc tịch" gần đây: "Phim Việt Nam nhận giải thưởng nước ngoài nhưng bị cấm chiếu ngay tại sân nhà vì không đáp ứng được thuần phong mỹ tục hay phản ánh hiện thực quá đen tối.

Nhưng có nơi nào trên thế giới này chỉ có những điều tốt đẹp mà không có mặt trái xã hội? Ngay tại New York, trung tâm kinh tế tài chính thế giới, cũng có những người vô gia cư co ro dưới ánh đèn sáng choang. Điện ảnh Mỹ chưa bao giờ chối từ hình ảnh này".

Lấy ví dụ trong chính nền văn hóa Việt Nam, ông Nhân dẫn văn học dòng hiện thực phê phán thời 1930-1945.

Đại biểu Bình Dương chất vấn: "Chí Phèo, Lão Hạc, Tắt đèn khắc họa tận cùng sự khắc nghiệt của hiện thực, có bi quan, bạo lực, nhưng có làm tổn hại đến các giá trị văn hóa hay không? Các tác phẩm này vẫn nằm trang trọng trên kệ sách văn học Việt Nam kinh điển thì cách đánh giá các tác phẩm điện ảnh thời gian qua có cảm tính và khắt khe hay không?".

Cũng theo vị đại biểu này, "việc căn ke tác phẩm nghệ thuật vào đường biên pháp luật cần tâm thế và cách tiếp cận mới. Đừng để cái bóng quá lớn của những nguyên tắc, lề luật đè nặng lên nền điện ảnh Việt Nam".

Việc cấp phép chưa được giao cho tư nhân

Sau khi tiếp nhận 240 ý kiến thảo luận tại tổ và 23 ý kiến phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết bộ sẽ tiếp thu có chọn lọc các góp ý. Trong quá trình soạn thảo, bộ đã xem xét 20 nước có nền điện ảnh phát triển để tiếp thu, học hỏi cho bộ luật của Việt Nam, đặc biệt là Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Pháp và Mỹ.

Về góp ý bỏ thẩm định kịch bản phim nước ngoài quay tại Việt Nam nhằm thu hút các nhà sản xuất và tiền đầu tư quốc tế, ông Hùng cho rằng khó vì có nhiều phim nước ngoài vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.

Ông lấy ví dụ một bộ phim định làm tại hang Sơn Đoòng, Quảng Bình nhưng câu chuyện là về một gia đình nước ngoài phát hiện ra và đến sinh sống tại đó. Câu chuyện bị cho là "không phù hợp với thực tế Việt Nam". Hoặc một phim khác làm về cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 khác với ghi nhận trong lịch sử Việt Nam.

"Nếu không thẩm định thì không kiểm soát được những vấn đề như vậy", bộ trưởng nói.

Trước đề xuất dừng chiếu phim của diễn viên vi phạm đạo đức, trong văn bản báo cáo về dự thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định: "Đây là vấn đề cần nghiên cứu một cách thấu đáo vì việc dừng và thu hồi giấy phép làm ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà sản xuất và đời sống của tác phẩm nghệ thuật".

Góp ý "dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức" được khá đông công chúng ủng hộ nhưng giới làm phim lo ngại vì điều này bắt tập thể chịu trách nhiệm cho vấn đề của cá nhân, có thể gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng mỗi phim.

Về chức năng cấp phép phân loại phim, một số ý kiến đề nghị cho phép nhiều đơn vị tham gia, trong đó có cả khối tư nhân. Nhưng bộ trưởng lý giải trong văn bản: "Thẩm định, phân loại phim đòi hỏi năng lực chuyên môn gắn với những nội dung mang tính tư tưởng, định hướng. Kết quả cấp phép có giá trị toàn quốc. Do đó, việc cấp phép nên tập trung, thống nhất và được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Do đó, về thẩm quyền cấp phép phân loại phim, theo dự thảo, việc thẩm định do cơ quan nhà nước là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và UBND các tỉnh thực hiện. Luật sửa đổi sẽ kế thừa quy định này của luật hiện hành, không có ý định cho phép các doanh nghiệp tư nhân làm dịch vụ này.

Bộ cam kết Luật điện ảnh (sửa đổi) sẽ giải quyết 4 nhóm vấn đề cho điện ảnh Việt Nam: đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp cho doanh nghiệp điện ảnh; phát triển thị trường điện ảnh trong nước gắn với dịch vụ và du lịch; những biện pháp pháp lý khuyến khích đầu tư mạo hiểm, bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Từ chối mặt trái xã hội, làm sao có phim kinh điển?