Nặng lòng với đất Tổ

09/04/2022 21:50

Sinh sống tại Hải Dương nhưng nhiều người con đất Tổ Phú Thọ vẫn hướng về quê hương theo cách riêng của mình.

Kính lễ nhớ nguồn

Đến nay, anh Đoàn Thủy Long đã sinh sống ở thôn Minh Tân, xã Quang Minh (Gia Lộc) được 14 năm. Học chuyên ngành thiết kế đồ họa và làm việc tại Hà Nội, nhưng duyên nợ với người Hải Dương đã giữ chân anh ở vùng đất này. Năm 2008, khi đang làm việc tại Hà Nội thì anh về Hải Dương làm giúp một người thân mở cửa hàng ảnh cưới. Sau đó anh quen với người vợ hiện tại và quyết định ở lại Hải Dương sinh sống, làm việc.

Anh Long quê ở xã Bằng Gia, huyện Hạ Hòa, cách Đền Hùng khoảng 60 km. Hầu như năm nào gia đình anh cũng sắp xếp thời gian để về Đền Hùng dịp Giỗ Tổ. Đây cũng là truyền thống của nhiều hộ tại xã Bằng Gia. Gia đình nào có điều kiện thì sắp mâm lễ mặn, còn không thì đều chuẩn bị hương, hoa, trà, quả đến Đền Hùng vào dịp này để tỏ lòng thành kính. Dù sinh sống ở địa phương khác nhưng nhiều năm nay anh vẫn cố gắng duy trì truyền thống tốt đẹp này.

“Về Đền Hùng dịp lễ hội, các con tôi rất hào hứng khi được tận mắt chứng kiến những nghi lễ, phong tục truyền thống như đâm đuống, rước kiệu, dâng hương, hát xoan; hòa vào không khí sôi động khi cổ vũ các trò chơi dân gian như vật, kéo co, bơi chải…”, anh Long chia sẻ. Theo anh Long, trong khi những phong tục, truyền thống văn hóa, trò chơi dân gian dần ít thấy trong cuộc sống thường nhật, trẻ em quen với trò chơi điện tử, mạng xã hội, những chuyến đi về nguồn như thế có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần vun đắp, giáo dục truyền thống cho trẻ em. Đây cũng là dịp để những người trưởng thành tìm về tuổi thơ, yêu thêm nguồn cội. Anh Long cũng thường xuyên tổ chức các chuyến đi về nguồn, đưa bạn bè, đồng nghiệp về thăm Đền Hùng, tham gia Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc.

Những năm trước, anh Lê Nam đều đặn đưa gia đình đến kính lễ Đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ

Cũng như gia đình anh Long, những năm trước gia đình anh Lê Nam, sinh năm 1987, quê ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) thường đến kính lễ Đền Hùng dịp Giỗ Tổ. Nhà anh Nam chỉ cách Đền Hùng khoảng 6 km nên tương đối thuận tiện cho việc tham quan, chiêm bái. Anh Nam lấy vợ quê ở huyện Gia Lộc. Trước đây, vợ chồng anh sinh sống ở tỉnh Phú Thọ. 2 năm gần đây, vợ chồng anh chuyển về Hải Dương sinh sống. Gặp dịch bệnh, không thể về Đền Hùng dịp Giỗ Tổ năm nay nhưng vợ chồng anh đã chuẩn bị mâm lễ mặn đơn giản để tưởng nhớ tổ tiên, nguồn cội.

“Theo tôi được biết, tại Phú Thọ nhiều hộ dâng cúng bánh chưng, bánh dầy, hoặc nhiều nơi dâng cúng cầu kỳ như lợn cả con, cá chép, xôi ngũ sắc, thịt trâu đen… Nhưng tại quê tôi thường chỉ dâng hoa, xôi, gà, rượu... Tôi nghĩ dâng cúng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy, mà quan trọng nhất là tâm thành kính với tổ tiên, nguồn cội”, anh Nam chia sẻ.

Giúp đồng hương vượt khó

Bên cạnh việc quan tâm kính lễ, nhiều người Phú Thọ đã chọn cách làm thiết thực là đóng góp cho quê hương hoặc hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà. Như chị Đỗ Thị Hương Ly, sinh năm 1984, hiện ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương). Quê chị Ly ở xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Chị Ly sống tại Hải Dương 9 năm nay. Từ khi về Hải Dương sinh sống và làm việc, chị thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn tại Hải Dương và các tỉnh khác, trong đó có cả những địa chỉ kém may mắn tại quê hương Phú Thọ. Có lần chị đã kêu gọi, ủng hộ gần 10 triệu đồng tiền mặt và 100 đôi dép cho nhóm “Nụ cười Hải Dương” trao tặng các hộ khó khăn tại tỉnh Điện Biên...

Với các hộ khó khăn nơi quê nhà, chị Ly thường nhờ bạn là giáo viên tại xã Xuân Áng gửi thông tin để hỗ trợ. Đến nay chị đã hỗ trợ khoảng 30 trường hợp như vậy, có trẻ mất bố, mất mẹ, có hoàn cảnh thì cháy nhà… “Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, mỗi trường hợp như vậy tôi hỗ trợ từ 500.000-2 triệu đồng. Dù không sinh sống tại địa phương nhưng tôi vẫn muốn đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình để đóng góp cho quê nhà”, chị Ly chia sẻ.

Cũng như chị Ly, nhiều người Phú Thọ tại Hải Dương đã đóng góp cho quê hương bằng những việc làm thiết thực như hỗ trợ hộ khó khăn, đóng góp cho các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng các công trình phúc lợi…

Nặng lòng với quê cha đất Tổ, những người con quê hương Phú Thọ tại Hải Dương không chỉ tô đậm truyền thống “Ăn quả nhớ người trồng cây” mà còn lan tỏa lối sống đẹp, xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần giữ gìn và bồi đắp tinh hoa văn hóa dân tộc.

VIỆT QUỲNH 



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nặng lòng với đất Tổ