Đội ngũ luật sư bác bỏ cáo buộc đối với CFO Huawei Mạnh Vãn Châu

09/05/2019 07:44

Cả Huawei và bà Mạnh đều bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ cho rằng nữ CFO và Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran.


Bà Mạnh Vãn Châu đối mặt với việc bị dẫn độ sang Mỹ

Trong phiên xét xử Giám đốc Tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu của Tập đoàn viễn thông Huawei ngày 8.5 ở Tòa án Tối cao tỉnh Vancouver, đội ngũ bảo vệ pháp lý cho bà Mạnh biện luận rằng việc cảnh sát Canada bắt giữ thân chủ của họ là trái pháp luật và không có cơ sở cho việc dẫn độ bà sang Mỹ. 

Cũng tại phiên tòa, cả Huawei và bà Mạnh đều bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ cho rằng nữ CFO và Tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran. Theo luật sư Scott Fenton, những bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy vụ việc liên quan đến bà Mạnh mang động cơ chính trị và phá hủy tinh thần thượng tôn pháp luật. Trước đó, Tổng thống Trump từng nói ông có thể cân nhắc can thiệp vào vụ việc này nếu điều đó giúp tiến tới một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Canada tháng 12 năm ngoái theo yêu cầu của phia Mỹ và sau đó đã nộp khoản tiền bảo lãnh 10 triệu đôla Canada (CAD) để được tại ngoại. Tại tòa ngày 8.5, luật sư của bà Mạnh đề nghị cho thân chủ của mình được chuyển từ ngôi nhà ở Dunbar tới ngôi nhà ở Shaughnessy để thuận tiện hơn cho việc thiết lập các biện pháp an ninh.

Trước phiên tòa này, bà Mạnh đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia kiện Chính phủ Canada, Cơ quan Dịch vụ biên giới và Cảnh sát Hoàng gia Canada với cáo buộc các cơ quan này vi phạm nghiêm trọng quyền theo hiến pháp của bà khi tiến hành bắt giữ bà tại sân bay quốc tế  Vancouver hôm 1.12.2018. 

Theo kết quả khảo sát do Innovative Research Group thực hiện, 54% người Canada gốc Trung Quốc đang sinh sống tại tỉnh British Columbia cho rằng Canada không nên can thiệp vào việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Mỹ. Khảo sát cũng cho thấy phần lớn người tham gia khảo sát cho rằng Canada nên tuân thủ triệt để nguyên tắc thượng tôn pháp luật và không nên từ bỏ nguyên tắc này chỉ vì những lợi ích kinh tế liên quan.

Việc bà Mạnh bị bắt giữ đã khiến mối quan hệ  giữa Ottawa và Bắc Kinh rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1970, thời điểm hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Trung Quốc mới đây đã đóng cửa thị trường đối với hai nhà xuất khẩu hạt cải dầu lớn nhất của Canada, động thái mà giới quan sát cho rằng nhằm gây sức ép với Ottawa trong vụ việc liên quan đến CFO của Huawei. Đáng chú ý, ngay sau khi bà Mạnh bị bắt giữ, Bắc Kinh cũng tiến hành bắt giữ hai công dân Canada với cáo buộc làm gián điệp.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đội ngũ luật sư bác bỏ cáo buộc đối với CFO Huawei Mạnh Vãn Châu