Việc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy đã dầntrở thành thói quen của mỗi người dân. Tuy nhiên, việc đội MBH cho trẻem khi ngồi trên xe máy vẫn còn là một thao tác "khó khăn" đối vớinhiều bậc phụ huynh.
|
Ảnh minh họa: internet
|
Vào giờ tan học, ở bất kỳ cổng trường tiểu học nào cũng dễ dàng nhận thấy số trẻ em được đội MBH khi ngồi sau xe máy chỉ là số ít. Có người ít khi đội MBH cho con, chỉ khi nào đi đâu xa thì mới đội, hoặc không cho con đội MBH vì nghĩ con còn nhỏ, "không sợ bị phạt". Việc đội MBH cho trẻ em ở vùng nông thôn càng là "chuyện xa lạ", bởi lẽ, chính người lớn nhiều khi cũng không đội MBH khi điều khiển xe máy. Trong khi đó, nguy cơ trẻ bị tai nạn giao thông luôn rình rập. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông đường bộ, trong số đó không ít nạn nhân là trẻ em. Bé Trần Mai Trang, 7 tuổi (Thanh Hà) đã bị tử vong do chấn thương mạnh ở đầu trong một vụ tai nạn. Bé Phùng Ngọc Giang, 9 tuổi (Bình Giang) không thể cắp sách tới trường bởi di chứng chấn thương sọ não sau một vụ tai nạn giao thông...
Đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị chấn thương sọ não do tai nạn xe máy gây ra. Các bậc phụ huynh cần phải thay đổi quan điểm và chấp hành nghiêm chỉnh việc đội MBH để bảo vệ trẻ. Ngoài ra, việc đội mũ cho trẻ cũng là cách giáo dục ý thức chấp hành giao thông hiệu quả. Các cơ quan chức năng và nhà trường cần có các biện pháp cụ thể như: tăng cường tuyên truyền cho các bậc phụ huynh hiểu được lợi ích của việc đội MBH cho trẻ em. Lực lượng cảnh sát giao thông cần kiên quyết xử lý các trường hợp không đội MBH cho trẻ khi ngồi sau xe máy.
THANH HOA