Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trong giai đoạn hiện nay, các cấp công đoàn trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở...
Anh Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Toàn Phát (Bình Giang) được tập thể công nhân lao động tin yêu. Năm 2009, anh được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen và huy hiệu sáng tạo, được LĐLĐ tỉnh tặng danh hiệu “Bàn tay vàng” |
Nhận thức sâu sắc công tác phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở (CĐCS) vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt và cấp bách của tổ chức công đoàn, thời gian qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS.
Về công tác phát triển đoàn viên, LĐLĐ tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài quốc doanh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Tăng cường cán bộ công đoàn chuyên trách cho cơ sở, đầu tư kinh phí, phương tiện phục vụ công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài quốc doanh…; đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn Việt Nam về việc phát triển 1 triệu đoàn viên nhiệm kỳ 2003- 2008. Kết quả, 5 năm qua, các cấp công đoàn đã vận động thành lập được 370 CĐCS, kết nạp 71.061 đoàn viên, Hải Dương đứng thứ 5 toàn quốc, đứng thứ 3 khu vực các tỉnh, thành phố phía Bắc về phát triển đoàn viên công đoàn. Riêng 6 tháng đầu năm 2010, các cấp công đoàn đã tuyên truyền thành lập được 22 CĐCS, kết nạp 6.451 đoàn viên, bằng 92,1% kế hoạch.
Công đoàn các cấp chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS trong tình hình mới, CĐCS tích cực vận động đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ) tham gia các hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn. Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến người lao động (NLĐ), tuyên truyền về tổ chức công đoàn và nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Triển khai đầy đủ các nội dung công tác công đoàn, có quy chế hoạt động, chương trình công tác hằng năm và tổ chức sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Phát triển đoàn viên theo mục tiêu có từ 70% trở lên CNLĐ đủ điều kiện gia nhập công đoàn; 60% trở lên số tổ công đoàn, công đoàn bộ phận vững mạnh. Chú trọng giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú để tổ chức Đảng xem xét kết nạp. Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức, trình độ năng lực, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ công đoàn, ngay sau khi đại hội CĐCS và công đoàn cấp trên cơ sở, các công đoàn ngành, LĐLĐ huyện, thành phố đã thống kê số lượng, chất lượng cán bộ công đoàn để lựa chọn các nội dung bồi dưỡng, tập huấn phù hợp, đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ CĐCS khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. LĐLĐ tỉnh cũng đã xây dựng tài liệu tập huấn cho cán bộ CĐCS. Quan tâm dành một phần kinh phí cho tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS, kết hợp với việc khai thác lợi thế trong công tác bồi dưỡng cán bộ, nhằm cử được nhiều cán bộ tham gia học tập, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu hoạt động của tổ chức công đoàn. Việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ CĐCS là một trong những tiêu chí chấm điểm thi đua hằng năm để các đơn vị phấn đấu thực hiện. Bởi vậy, trong mỗi nhiệm kỳ đại hội đều có 98% số cán bộ công đoàn mới được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động công đoàn và cán bộ công đoàn tái cử được tập huấn theo chuyên đề.
Nhằm bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với đoàn viên, hằng năm, LĐLĐ tỉnh duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Các nhà quản lý kinh tế doanh nghiệp (nay là Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh) với sự tham gia của gần 200 chủ doanh nghiệp, thông qua sinh hoạt hằng quý phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp, xây dựng và cải thiện mối quan hệ chủ doanh nghiệp và NLĐ. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan phổ biến, huấn luyện về pháp luật lao động như chế độ tiền công, tiền lương mới, an toàn, vệ sinh lao động, giải quyết tranh chấp lao động và đình công, hướng dẫn công nhân lao động giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, đại diện cho tập thể lao động xây dựng và ký thoả ước lao động tập thể với người sử dụng lao động... Phối hợp với thủ trưởng cơ quan, chủ doanh nghiệp tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ công chức, đại hội công nhân viên chức, hội nghị người lao động hằng năm để bàn giải pháp thực hiện chương trình nhiệm vụ công tác, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đánh giá việc thực hiện các nội quy, quy chế của cơ quan, doanh nghiệp và những vấn đề khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Động viên đoàn viên, NLĐ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp và cuộc sống; phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho CNVC, LĐ, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Vận động CNVC, LĐ tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện do các cấp phát động; tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ, tích cực tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá, gia đình văn hoá…
Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS trong giai đoạn hiện nay, các cấp công đoàn trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS. Kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ CĐCS, đặc biệt quan tâm đến bồi dưỡng, tập huấn (chú trọng lựa chọn đội ngũ thông qua tổ chức đại hội CĐCS). Xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa CĐCS với chủ doanh nghiệp để nâng cao vị thế của công đoàn; quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động thiết thực như tuyên truyền các chế độ, chính sách, pháp luật, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật BHXH cho NLĐ, thoả ước lao động tập thể…; quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ, giải quyết kịp thời những vướng mắc xảy ra tại cơ sở. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tăng cường các hoạt động xã hội để tạo chất keo gắn bó giữa công đoàn với doanh nghiệp; quan tâm nâng cao chất lượng đoàn viên thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên và tổ chức các hoạt động cho đoàn viên tham gia. Công đoàn cấp trên quan tâm sâu sát CĐCS, trực tiếp hướng dẫn theo các hình thức “bắt tay chỉ việc” bằng các tài liệu mẫu; tăng cường tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động công đoàn giữa các CĐCS nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
VŨ QUỐC BÌNH-
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh