Điểm chuẩn nhiều ngành/trường đại học năm nay cao đột biến một phần bởi việc các trường đại học lấy điểm kỳ thi vốn để xét tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Bất cập cũng nảy sinh với việc xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, yếu tố phụ như điểm ưu tiên giờ đây lại thành yếu tố quyết định đỗ - trượt ở những ngành học top đầu.
Một nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho hay, đề thi tốt nghiệp THPT dễ bởi bản chất phục vụ việc chính là xét tốt nghiệp.
“Kỳ thi mang mục đích xét tốt nghiệp THPT sẽ khác với kỳ thi đại học. Như vậy cũng cần phải nhìn nhận rằng độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT không thể bằng đề của kỳ thi 3 chung trước đây được và 2 kỳ thi có mục đích khác nhau”, vị này nói.
Đồng quan điểm, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng đề thi tốt nghiệp tương đối dễ, không phải đề thi phục vụ 2 mục tiêu cả xét tốt nghiệp cả xét đại học. Các trường lấy làm điểm xét tuyển sinh dẫn đến điểm chuẩn cao vọt lên.
Khi có khá nhiều thí sinh có mức điểm cao thì vai trò của điểm ưu tiên (đối tượng, khu vực) bỗng dưng nổi trội. Khi đề thi dễ, mức điểm cao nhiều thì những thí sinh có nhiều điểm ưu tiên sẽ đứng đầu bảng. Đề khó, kể cả cộng điểm ưu tiên thì chưa chắc. Giờ đây, khi tất cả đều “mon men” ở mức điểm kịch rồi thì cộng ưu tiên vào sẽ là sự khác biệt”, ông Tùng nói.
Vì vậy, việc các trường dùng phương án sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì cách thức sử dụng và cách cộng điểm ưu tiên như hiện nay là không hợp lý.
“Các trường phải có chính sách cho đối tượng ưu tiên để bù đắp thiệt thòi. Song, điểm ưu tiên dùng gì thì dùng, để thủ khoa mà trượt bởi bị những thí sinh có nhiều điểm ưu tiên thì buồn cười”.
Theo ông Tùng, trong trường hợp sử dụng điểm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học thì cần chia ra bao nhiêu chỉ tiêu cụ thể cho diện thí sinh đối tượng ưu tiên.
“Có thể đầu tiên cứ công bố điểm chuẩn tuyển đủ 80% chỉ tiêu không tính điểm ưu tiên, sau đó 20% còn lại dành cho những thí sinh diện ưu tiên. Như vậy, những thí sinh nào điểm cao cũng có thể không cần dùng đến điểm ưu tiên và đi theo đường 80% chỉ tiêu diện bình thường”, ông Tùng nói và cho rằng như vậy mới giúp không còn việc có ngành điểm chuẩn lên đến 30,5 như năm nay và không còn chuyện những em có học lực tốt hơn bị chiếm chỗ oan uổng.
Đây là việc mà các trường đại học hoàn toàn có thể và được quyền tự chủ, chứ không phải do Bộ GD-ĐT.
Dùng điểm thi tốt nghiệp để xét đại học, có lệch đường? Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Cần sự 'cầm trịch' của Bộ GD-ĐT
Theo vị nguyên lãnh đạo Bộ GD-ĐT, sau những vấp váp này thì các trường đại học sẽ tự phải điều chỉnh việc tuyển sinh. Có thể sẽ phải tính toán, điều chỉnh tỷ lệ số chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, bằng điểm thi, hay xét tuyển thẳng,...
“Cho cơ chế tự chủ đương nhiên đi kèm tự chịu trách nhiệm. Các trường đại học phải tự lên phương án tuyển sinh như thế nào cho phù hợp. Mỗi trường một định hướng, tiêu chí, Bộ GD-ĐT cũng chẳng thể đứng ra làm chung được”, vị này nói.
Vị này cũng cho rằng nếu giờ quay lại việc thi riêng như thời kỳ trước kỳ thi 3 chung thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. “Mỗi trường một kiểu đề, mỗi trường một bộ đề thì quá làm khổ thí sinh. Trước đây chúng ta đã nhìn thấy, mỗi kỳ thi đại học là cả xã hội xáo động”.
Bên cạnh đó, việc tự tổ chức kỳ thi riêng với làm ngân hàng đề thi riêng rất tốn kém và dễ sai sót. Việc hình thành các trung tâm khảo thí độc lập có thể là hướng đi nhưng sẽ rất khó làm.
“Khi đó, các trung tâm này sẽ tổ chức thi quanh năm, ai có nhu cầu đều có thể thi và các trường đại học có thể xét tuyển sinh dựa vào kết quả của các trung tâm này”, vị này nói.
Tuy nhiên, các trung tâm khảo thí bảo đảm đủ năng lực, uy tín thì mới làm được. Việc khó giao cho các đơn vị ngoài cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng với bài học nhãn tiền như việc biên soạn sách giáo khoa.
Còn GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, từ thực tế của các phương thức tuyển sinh đại học và kết quả điểm của kỳ thi THPT như hiện nay, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc đổi mới tuyển sinh đại học và vô cùng cấp thiết.
Việc thành lập các trung tâm khảo thí đủ năng lực và kinh nghiệm để tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào đại học là kinh nghiệm nhiều nước đã thực hiện, và Việt Nam cũng đang triển khai (như ở hai Đại học Quốc gia và một số trường đại học khác). Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát chất lượng và cầm trịch của Bộ GD-ĐT, để có sự tương đương chuyển đổi phù hợp giữa các bài thi của các trung tâm khảo thí khác nhau, không chỉ phục vụ tuyển sinh, mà còn để xử lý học vụ khi người học chuyển trường, chuyển ngành một cách khách quan và công bằng.
Mặt khác, nói việc tuyển sinh là của các trường, nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua vai trò hỗ trợ và điều hành, điều tiết của Bộ GD-ĐT.
“Trong khi các trường còn đang lúng túng với các kỳ thi tuyển sinh đại học riêng, thì Bộ GD-ĐT có thể hỗ trợ các trường đại học bằng cách điều chỉnh đề thi THPT hằng năm, để phục vụ tốt mục đích “hai trong một” - giúp các trường có thể yên tâm sử dụng điểm bài thi THPT để tuyển sinh đại học trong bối cảnh như hiện nay. Tôi cho việc này là nhất cử lưỡng tiện, đỡ tốn kém cho các trường và đỡ vất vả cho thí sinh, đồng thời cũng đỡ đi việc thả nổi xét tuyển sinh đại học bằng quá nhiều phương thức khác. Thông qua thi cử nghiêm túc và chất lượng sẽ hiện thực hóa mục tiêu học thật – thi thật như Thủ tướng đã hiệu triệu”, ông Đức nói.
TS Lê Trường Tùng cũng đồng tình, việc hình thành nên các trung tâm khảo thí độc lập có thể giải quyết được những bất cập của việc dùng điểm thi tốt nghiệp xét tuyển vào đại học.
"Xu hướng có thể là các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức thi nhiều lần và các trường đại học có thể dựa vào thước đo chung đó để tuyển sinh, muốn tuyển mức nào là tùy thuộc vào từng trường. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi việc tổ chức thi được chuẩn hóa, đề có thể khác nhau nhưng sự đánh giá công bằng, bảo đảm độ tin cậy. Muốn vậy, cần có thời gian để tích lũy được ngân hàng câu hỏi,...". ông Tùng nói.
Theo Thứ trưởng GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, năm 2021, trong hoàn cảnh dịch bệnh, một số trường dù đã xây dựng những phương án xét tuyển khác nhau bằng kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi kiểm tra tư duy, nhưng cuối cùng vẫn không thể tổ chức được. Trong điều kiện những năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ có những phương án để các trường đại học được tăng quyền tự chủ, có thể phối hợp với nhau để đưa ra những phương thức tuyển sinh bổ sung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. "Điều này nhằm bảo đảm việc tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng nhưng vẫn đánh giá tốt năng lực của thí sinh, giúp các em không phải dự thi nhiều lần mà các trường vẫn có thể vẫn chọn được thí sinh phù hợp với các ngành đào tạo của trường mình”, Thứ trưởng Sơn nói. |
Theo Vietnamnet