Đổi mới phương pháp dạy học thực chất là phát huy ưu điểm của phương pháp dạy học truyền thống chứ không phải hoàn toàn loại bỏ nó...
Có thể nhận thấy trong giáo dục hiện nay vẫn có sự áp đặt từ phía người dạy, họ muốn truyền đạt, trang bị cho người học thật nhiều những tri thức, kiến thức lý luận và mong muốn người học tiếp thu được hầu hết các nội dung của bài giảng trong giáo trình; giáo viên luôn cố gắng giải thích, phân tích cặn kẽ những vấn đề để người học hiểu thông qua cách thuyết giảng.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì con người chỉ có thể ghi nhớ được thông tin qua nghe là 20%, qua đọc là 30% nhưng nếu kết hợp giữa nghe và trực quan hóa thì khả năng ghi nhớ của họ là 50%. Điều đó cho thấy nếu chỉ sử dụng phương pháp thuyết trình thì hiệu quả, chất lượng bài giảng không cao. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu cần thiết đối với tất cả các cơ sở đào tạo nói chung và đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của Trường Chính trị tỉnh Hải Dương nói riêng.
Không ít người quan niệm sai lầm rằng đổi mới phương pháp dạy học là sự thay đổi từ bảng đen, phấn trắng theo cách dạy “cũ’ sang sử dụng máy chiếu hắt (overhead), Projector và phần mềm Power point... Không thể phủ nhận rằng khi khoa học công nghệ phát triển những phần mềm và phương tiện này hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên khi soạn giáo án và giảng dạy.
Tuy nhiên, đây không phải là sự đổi mới phương pháp dạy học, nó chỉ là những phương tiện hiện đại hỗ trợ cho quá trình dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học thực chất là phát huy ưu điểm của phương pháp dạy học truyền thống chứ không phải hoàn toàn loại bỏ nó, đồng thời vận dụng linh hoạt và kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực: phương pháp hỏi – đáp, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp bể cá vàng, phương pháp hỏi chuyên gia, phương pháp sàng lọc… nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Đổi mới phương pháp dạy học không chỉ làm thay đổi cách dạy của người thầy mà qua đó thay đổi cả cách học của người trò.
Đối với chương trình, giáo trình trung cấp LLCT-HC của Trường Chính trị, học viên không chỉ được trang bị kiến thức lý luận mà cả kỹ năng, nghiệp vụ trên các lĩnh vực. Và có những nội dung trong chương trình học viên đã học trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trước. Vì vậy, nếu giảng viên quá chú trọng chuyển tải những kiến thức lý luận cũng như cách dạy mang tính một chiều theo hướng “độc thoại” (thuyết trình) sẽ dẫn đến cách học thụ động của học viên.
Phương pháp dạy học tích cực sẽ làm cho học viên từ thế “thụ động” chuyển sang “chủ động” trong quá trình dạy và học; hướng tới sự tư duy sáng tạo của người học, giúp họ học tốt hơn. Lúc này giảng viên không còn đóng vai trò “trung tâm”, vai trò “trung tâm” được chuyển giao cho người học; giảng viên sẽ hướng dẫn, gợi mở và kết luận vấn đề trên những tri thức mà học viên khám phá, trao đổi và giải quyết.
Chính sự tương tác giữa học viên và giảng viên khi sử dụng phương pháp dạy học tích cực đã làm cho việc dạy và học dân chủ hơn; mọi tri thức của người thầy không chỉ là sự áp đặt một chiều, qua đó giáo viên có thể thu nhận những thông tin ngược được cung cấp từ phía người học cũng như tìm ra nhiều cách tiếp cận và giải quyết vấn đề khác nhau.
Có thể thấy hiệu quả và tính cần thiết khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực đối với môi trường đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của trường. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực đối với đội ngũ giảng viên còn gặp rất nhiều những khó khăn, hạn chế như sau:
Một là, số lượng học viên trong một lớp thường rất đông – trung bình 70 học viên, thậm chí có những lớp số lượng học viên lên tới hơn 100 người (các lớp bồi dưỡng). Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, không gian của phòng học đã được xây dựng theo kiến trúc cách học và dạy truyền thống. Trong khi đó khi dạy học theo phương pháp tích cực cần một không gian lớp học đảm bảo riêng về tiêu chuẩn. Vì vậy, việc áp dụng một số phương pháp dạy học tích cực: phương pháp bể cá vàng, phương pháp làm việc nhóm… là rất khó.
Hai là, khó khăn từ chính sự thiếu hợp tác của người học. Khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực đòi hỏi có sự tham gia giải quyết vấn đề từ phía học viên, sự tương tác của người học và người dạy. Tuy nhiên, phần lớn học viên của trường là những cán bộ, công chức rất ngại tham gia vào các hoạt động khi giảng viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực; một số học viên là lãnh đạo, quản lý có sự e ngại trong quá trình thảo luận giữa các học viên với nhau cũng như sự tương tác với giảng viên vì họ sợ những ý kiến của mình đưa ra là sai. Khi tham gia học tập không ít học viên có tâm lý học để lấy bằng, lấy chứng chỉ. Và khi đó việc dạy và học như thế nào không phải là điều quan trọng đối với họ.
Ba là, khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực giảng viên không chỉ nắm chắc về kiến thức cần truyền đạt mà cả về kỹ năng áp dụng phương pháp. Khi sử dụng phương pháp dạy học tích cực giảng viên phải chuẩn bị một số phương tiện hỗ trợ thay vì chỉ cần giáo án như khi sử dụng phương pháp thuyết trình. Tuy nhiên, một số phương tiện cần thiết để đảm bảo dạy học theo phương pháp tích cực không có sẵn, bản thân giảng viên nếu muốn thực hiện phải tự mình bỏ kinh phí ra mua sắm.
Từ chính những khó khăn, hạn chế như trên để giảng viên của Trường có thể áp dụng tốt các phương pháp dạy học tích cực cần có các giải pháp sau:
Thứ nhất, giảng viên phải thực sự là người tâm huyết với nghề nghiệp và có kiến thức sâu rộng. Giảng viên phải tự nhìn lại mình về kiến thức chuyên ngành, liên ngành và phương pháp giảng dạy, rút kinh nghiệm đồng thời phải bổ sung những phần còn yếu, còn thiếu. Mỗi giảng viên phải tự mình ý thức việc tự học để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ;
Thứ hai, để áp dụng tốt phương pháp dạy học tích cực giảng viên phải nắm vững và làm chủ kiến thức lý luận và thực tiễn, cũng như không được ngại khó và khổ.
Về sự liên hệ này tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi giảng viên, có thể giảng viên tự liên hệ trong bài giảng và chỉ cho học viên thấy rõ điều đó được thể hiện trong thực tế cuộc sống và công tác. Về thực tiễn thì các học viên Trường Chính trị vô cùng phong phú, vì thế giảng viên có thể gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước hay cá nhân và từ đó khái quát làm sáng tỏ về mặt lý luận. Theo tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả đào tạo chưa cao là do phương pháp giảng dạy của chúng ta chưa chú trọng liên hệ với thực tiễn. Vì thế, sau khi học viên tốt nghiệp ra trường phần lớn chưa biết vận dụng lý luận đã học vào trong thực tiễn công tác của địa phương, cũng như của bản thân mình
Thứ ba, không có một phương pháp dạy học nào tối ưu cho tất cả mọi người, vì dạy học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Khoa học ở chỗ giảng viên phải bảo đảm nội dung, chương trình, mục tiêu đào tạo… nghệ thuật là giảng viên phải tuỳ theo đối tượng, tình hình cụ thể của lớp học mà có cách thức giảng dạy đáp ứng yêu cầu, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Vì thế, đổi mới phương pháp giảng dạy phụ thuộc vào bản thân mỗi giảng viên chứ không ngồi chờ cấp trên nghĩ ra. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, mỗi giảng viên phải chủ động suy nghĩ tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nếu giảng viên không quan tâm chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy là tự đào thải mình.
Thứ tư, đổi mới phương pháp giảng dạy cần gắn liền với nghiên cứu khoa học. Người giảng viên Trường Chính trị cần chú trọng nghiên cứu khoa học và xem đây là một nhiệm vụ không thể thiếu trong đổi mới phương pháp. Theo tôi, một trong những nguyên nhân của việc đổi mới phương pháp dạy học theo lối cũ là do giảng viên chưa thực sự chịu khó nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là động lực thúc đẩy say mê nghề nghiệp, giúp cho giảng viên làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, biết vận dụng tri thức vào bài giảng cũng như thực tiễn cuộc sống. Mỗi bài viết, mỗi vấn đề nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải vạch ra đề cương, đọc những tài liệu liên quan… vì thế, giảng viên có quá trình tích luỹ về lượng để biến đổi về chất; tri thức ngày càng được mở rộng và chuyên sâu. Giảng viên sẽ thực sự chủ động trước mọi vấn đề đặt ra và sẽ kết hợp tốt, sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp trong mỗi giờ giảng để nâng cao kết quả đào tạo.
Thứ năm, xêmina, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm thực hiện “Biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo”. Vì thế giảng viên cần coi trọng và tăng cường thực hiện xêmina của học viên. Đây là một vấn đề quan trọng, thiết thực cho đổi mới phương pháp của giảng viên, vì thông qua xêmina học viên có điều kiện trực tiếp trao đổi, thảo luận đưa ra những chính kiến của mình cả về lý luận và thực tiễn; cả những vấn đề đúng và chưa đúng… Thông qua xêmina, giảng viên kiểm nghiệm được học viên đã nắm được bài giảng đến mức độ nào; phương pháp giảng dạy của giảng viên đã đạt được hiệu quả hay không? Kiến thức của giảng viên còn có chỗ nào chưa thật vững để tự mình điều chỉnh bổ sung. Thực hiện xêmina, giảng viên nên chọn một học viên học lực khá, có khả năng điều hành giao cho họ tự thảo luận, giảng viên là người trọng tài, nghe các ý kiến phát biểu, tổng hợp và giải đáp khi học viên thảo luận đưa ra các ý kiến không phân thắng bại. Thực hiện tốt xêmina buộc học viên phải đọc tài liệu, nghiên cứu, chuẩn bị, từ đó sẽ tạo nên động lực và hứng thú của người học, giúp cho họ nắm vững được lý luận vận dụng vào thực tiễn được tốt và có hiệu quả.
Thứ sáu, phải bảo đảm tính Đảng, tính khoa học trong giảng dạy các môn lý luận. Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị mang tính đặc thù, đổi mới song phải luôn luôn bảo đảm tính Đảng. Tính Đảng là một nguyên tắc trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy các môn lý luận đòi hỏi người giảng dạy phải tuân theo, vì nó là vũ khí để đấu tranh tư tưởng và đấu tranh chính trị. Nói đến tính chính trị là nói đến là nói đến tư tưởng, nói đến sự lãnh đạo của Đảng là quan điểm, lập trường. Giảng viên phải đứng trên lập trường, quan điểm giai cấp công nhân để nghiên cứu, giảng dạy lý luận; đứng trên lập trường lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin; phục tùng tổ chức và giữ vững nguyên tắc phát ngôn của Đảng.
Như vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận là trên cơ sở phương pháp truyền thống, chúng ta kế thừa, phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế bắng cách kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp hiện đại, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại vào bài giảng, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học viên, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhà trường. Vấn đề đổi mới luôn đặt ra cho mỗi cấp, mỗi ngành song điều quan trọng nhất, giữ vai trò quyết định thành công vẫn là người giảng viên. Giảng viên là người trang bị, phương pháp, phương hướng cho người học, nói cách khác là giảng viên trang bị cho học viên cái cần để họ tự câu lấy cá.
ThS. LƯƠNG THỊ QUYÊN - Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật