Thời gian qua, Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội tỉnh Hải Dương đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm đổi mới công tác cai nghiện.
Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội tỉnh Hải Dương có nhiều biện pháp
hiệu quả giúp học viên cai nghiện ma túy
Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội tỉnh Hải Dương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) có chức năng chữa bệnh, giáo dục cho các đối tượng nghiện ma túy. Thời gian qua, trung tâm đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm đổi mới công tác cai nghiện.
Khuôn viên trung tâm ở trên một ngọn đồi rộng 17 ha thuộc khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh). Những dãy nhà làm việc, khu nhà ở, điều trị bệnh nhân, khu thể thao của học viên... được xây dựng rộng rãi. Ông Vũ Thành Phương, Giám đốc trung tâm cho biết: Trung tâm được thành lập với chức năng chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội cho những người nghiện ma túy bị xử lý hành chính, phải cai nghiện bắt buộc và cả những người tự nguyện vào trung tâm cai nghiện. Trước đây, có thời điểm trung tâm tiếp nhận tới 400 học viên nghiện ma túy, hầu hết là cai nghiện bắt buộc. Ở địa điểm cũ, trung tâm chỉ phân lớp để giáo dục, quản lý, trong đó có 6 lớp cai nghiện bắt buộc, 1 lớp cai nghiện tự nguyện. Từ khi Chính phủ ban hành đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy (cuối năm 2013) theo hướng đa dạng hóa hình thức cai nghiện, giảm tỷ lệ cai nghiện bắt buộc, tăng tỷ lệ cai nghiện tự nguyện, trung tâm đã chú trọng xây dựng môi trường an toàn cho người nghiện vào cai nghiện tại đây. Từ tháng 1-2014, trung tâm không tiếp nhận cai nghiện bắt buộc, chỉ tiếp nhận các trường hợp cai nghiện tự nguyện.
Từ khi ra địa điểm mới, trung tâm phân chia việc quản lý học viên theo mô hình đội, lớp để nâng cao hiệu quả cai nghiện. Trung tâm đã thành lập 3 đội, mỗi đội quản lý từ 100-150 học viên và tiếp nhận hồ sơ người tự nguyện vào cai nghiện 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần. Thời gian điều trị cai nghiện linh hoạt từ 6 tháng đến 1 năm. Khi vào trung tâm, các học viên sẽ được cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Ngoài thực hiện nghiêm túc phác đồ điều trị theo quy định, trung tâm đã ứng dụng phương pháp châm cứu làm giảm các triệu chứng đau mỏi, vật vã, giúp học viên có sức khỏe, ý chí vượt qua cơn nghiện. Trong quá trình cai nghiện, học viên được lập sổ theo dõi, khám chữa bệnh 3 tháng một lần. Trung tâm thường xuyên phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Dương xét nghiệm sàng lọc HIV, khám lao và điều trị cho người nghiện nhiễm HIV/AIDS.
Sau các bước này, học viên sẽ được giáo dục, tư vấn phục hồi nhân cách từ tác phong ăn mặc, nói năng, sinh hoạt thông qua việc giao ban 30 phút trên lớp về các chủ đề đạo đức, trách nhiệm với gia đình, xã hội, tác hại của nghiện ma túy... Hằng tuần, trung tâm tổ chức chào cờ vào sáng thứ hai, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của các tổ, lớp, tuyên dương những học viên chấp hành tốt, nhắc nhở, kiểm điểm những học viên mắc lỗi. Trung tâm lắp hệ thống loa truyền thanh giáo dục, tuyên truyền các văn bản pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng chống ma túy, quyền và trách nhiệm của người nghiện ma túy trong phòng chống lây nhiễm các bệnh xã hội.
Trung tâm còn phối hợp với một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tạo điều kiện cho người nghiện tham gia các công việc nhẹ nhàng hợp với sức khỏe của từng người như làm hương, đan lưới, làm mi mắt giả, làm thiệp, trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm đậu phụ… Qua lao động trị liệu, học nghề, người cai nghiện phục hồi về thể chất, kỷ luật lao động, nhận thức giá trị của lao động. Học viên Nguyễn Văn T. cho biết: "Em đã vào trung tâm được mấy tháng nay. Lúc đầu sức khỏe em rất yếu, thường xuyên sốt cao. Sau quá trình điều trị, sức khỏe đã ổn định. Từ khi chuyển sang lao động trị liệu, em thấy rất hữu ích vì giúp mình quên đi ma túy, hiểu hơn về giá trị lao động".
Ngoài giờ học tập, lao động, các học viên được đọc sách báo, nghe đài, xem ti vi, tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần. Trung tâm còn phối hợp với Thư viện tỉnh mở phòng đọc với trên 300 đầu sách phục vụ học viên. Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động nhằm trang bị cho học viên, người thân có kiến thức, kỹ năng phòng chống tái nghiện thông qua các hội nghị, các hoạt động giao lưu, trò chuyện với các chuyên gia tâm lý… giúp người nghiện đoạn tuyệt với ma túy sau khi hòa nhập cộng đồng.
Với những đổi mới đó, ngày càng có nhiều người nghiện ma túy tìm đến trung tâm xin cai nghiện tự nguyện. Năm 2014, có 50 trường hợp đến xin cai nghiện tự nguyện, năm 2015 tăng lên 109 người. Từ đầu năm 2016 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 65 trường hợp đến cai nghiện tự nguyện, nâng tổng số lên 165 học viên. Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội đã trở thành một địa chỉ giúp những người một thời lầm lỗi có cơ hội đứng dậy, làm lại cuộc đời.
NGỌC HÙNG