Những năm gần đây, câu chuyện biến đổi khí hậu luôn được nhắc đến bởi nó đang tác động tiêu cực đến sản xuất cũng như đời sống của con người.
Đợt rét cực hại đầu năm 2016 khiến nhiều hộ nuôi cá lao đao
Là người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, có lẽ bà Phan Thị Ngớt ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang (Thanh Miện) chưa thể hiểu hết được nghĩa của cụm từ "biến đổi khí hậu". Bà cũng chưa thể hiểu hết được những tác động tiêu cực của nó đối với sự tồn vong của trái đất. Bà chỉ biết rằng, thời tiết những năm gần đây không tuân theo lẽ thông thường như từ thời bà sinh ra. Sự thay đổi của thời tiết khiến những người nông dân như bà gặp quá nhiều khó khăn. Chưa có năm nào nắng nóng lại khủng khiếp như năm 2015 vừa qua. Nắng khiến cây lúa không thể phát triển bình thường, sâu bệnh sinh sôi nảy nở. Mặc dù tốn công, tốn thêm lân, đạm nhưng năng suất mỗi sào lúa chỉ đạt gần 1,8 tạ, giảm 60 kg/sào so với mọi năm. Ngay như vụ chiêm xuân vừa rồi, mấy đợt rét hại cũng khiến bà phải khổ sở. Lúa cấy xuống rồi cũng bị táp lá, nhiều diện tích phải cấy lại. "So với trước, thời tiết bây giờ chẳng theo quy luật nào cả. Ngay giữa mùa đông mà nắng chói chang. Lập xuân rồi mà vẫn còn rét buốt. Thời tiết không theo quy luật khiến sâu bệnh phát triển. Người nông dân như chúng tôi phải xoay như chong chóng mới không bị mất mùa", bà Ngớt than thở.
Là người quanh năm gắn bó với sông nước, ông Chu Đức Sự ở xã Hưng Đạo (Chí Linh) cũng nhận thấy sự bất thường của sông nước, tôm cá giảm nhiều trên dòng sông Lục Đầu. Đối với ông, biến đổi khí hậu cũng là khái niệm tương đối xa vời, khó có thể cắt nghĩa rõ ràng. Nhưng nói tới sự ảnh hưởng của thay đổi thời tiết, khí hậu đến cuộc sống mưu sinh thì ông có thể cảm nhận rõ ràng. Theo ông Sự, vài năm nay, lũ của dòng sông Lục Đầu về muộn hơn, thời gian lũ ngắn hơn, lượng nước lũ cũng ít hơn. Mọi năm, cứ đầu tháng 5 là lũ về. Lũ về mạnh mẽ, ào ạt và kéo dài. Lũ mang theo phù sa và nhiều tôm cá. Vài năm gần đây, lũ đến muộn hơn và cũng rút nhanh hơn. Nước ngày càng cạn nên việc đánh bắt cũng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, nước dòng Lục Đầu Giang hình như ngày càng ô nhiễm hơn nên lượng cá tôm cũng giảm. "Cả năm chúng tôi chỉ dựa vào mấy tháng mùa lũ để kiếm sống. Nhưng lũ về muộn và đi nhanh thế này, cá tôm thì ngày càng ít đi, cuộc sống đã khó càng thêm khó", ông Sự thở dài.
Quả thực, sự bất thường của thời tiết khiến người nông dân vô cùng vất vả trong sản xuất và sinh hoạt. Những hiện tượng thời tiết cực đoan đã diễn ra từ lâu, tác động xấu của nó đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Trên địa bàn tỉnh ta, sự thay đổi theo hướng tiêu cực của thời tiết thể hiện ở tất cả các thông số. Theo số liệu thống kê, nhiệt độ trung bình năm tăng lên rõ rệt. Nếu như nhiệt độ trung bình của thập kỷ 80 của thế kỷ XX (từ năm 1980 - 1989) chỉ là 23,2 độ C thì nhiệt độ trung bình của thập kỷ 90 (từ năm 1990 - 1999) đã tăng thêm 0,3 độ C, lên 23,5 độ C. Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014, nhiệt độ trung bình đã là 23,7 độ C, tăng 0,2 độ C.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết những năm El Nino hoạt động cũng làm thay đổi rõ rệt nhiệt độ trung bình hằng năm. Có những năm nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm tới 1 độ C. Số ngày nắng nóng từ 35 độ C trở lên cũng nhiều hơn. Điển hình như năm 2015, do ảnh hưởng của El Nino, nắng nóng xuất hiện sớm và kết thúc muộn, số ngày nắng nóng kéo dài và có tới 48 ngày nắng nóng, nhiều nhất trong chuỗi số liệu nhiều năm. Cũng do ảnh hưởng của El Nino, nhiệt độ mùa đông vừa qua khá bất thường. Mùa đông đến muộn và ấm hơn trung bình nhiều năm, nhưng đợt rét đậm đầu tiên lại xuất hiện sớm. Các đợt rét đậm, rét hại tập trung chủ yếu vào tháng 1, 2 - 2016. Tính đến ngày 10 - 3, đã có 7 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường có cường độ mạnh gây ra 24 ngày rét đậm, rét hại, trong đó 18 ngày rét đậm, 2 ngày rét hại và 4 ngày rét cực hại. Đợt rét đậm, rét hại dài nhất là 6 ngày.
Mùa đông xuân 2015 - 2016, bên cạnh những ngày có nhiệt độ lên tới gần 34 độ C (như ngày 17 - 11 - 2015) lại có những ngày nhiệt độ xuống thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Ngày 24 - 1 - 2016, nhiệt độ ở TP Hải Dương là 5,4 độ C và thị xã Chí Linh là 4,6 độ C. Chính đợt rét dị thường này đã khiến anh Vũ Văn Núi ở thôn An Cư 2, xã Đức Xương (Gia Lộc) thiệt hại hàng trăm triệu đồng do cá chết. Chỉ trong vài ngày, nhiệt độ lại giảm sâu khiến tất cả khoảng 7.000 con cá rô phi trong ao của gia đình anh Núi chết. Hơn chục năm nuôi cá, chưa bao giờ anh Núi thiệt hại nặng vì rét như vậy. Anh Núi cho biết: "Mặc dù nghe dự báo thời tiết tôi đã chống rét cho cá, nhưng nhiệt độ xuống quá thấp và kéo dài khiến đàn cá không thể chịu được. Hơn chục năm nuôi cá, kinh nghiệm cũng nhiều nhưng trước sự bất thường của thời tiết, chúng tôi trở tay không kịp".
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người. Do những hoạt động phát thải trong quá khứ và hiện tại, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với xu thế gia tăng nắng nóng trong tương lai. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng nguy cơ mưa lớn và lũ lụt. Khẩu hiệu của Ngày Khí tượng thế giới 23-3 năm nay là "Đối mặt với tương lai: nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn" chính là để nhấn mạnh đến một tương lai với nhiều hình thái thời tiết khí hậu cực đoan đan xen sẽ chờ đón chúng ta. Điều này buộc mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng phải là hạt nhân tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với những việc làm cụ thể, thiết thực.
VỊ THỦY