Đổi mã vùng điện thoại cố định: Cần sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp

14/04/2017 06:37

Từ ngày 15.4, Hải Dương cùng với 22 tỉnh, thành phố đổi mã vùng điện thoại cố định (ÐTCÐ).



VNPT Hải Dương gấp rút hoàn thiện các khâu kỹ thuật bảo đảm việc chuyển đổi
mã vùng điện thoại cố định diễn ra thông suốt


Gấp rút chuẩn bị

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã quyết định đổi mã vùng ÐTCÐ trên phạm vi cả nước thành 3 đợt. Hải Dương thuộc đợt 2 sẽ cùng 22 tỉnh, thành phố khác đồng loạt đổi mã vùng cũ  320 sang mã vùng mới 220 từ 0 giờ ngày 15.4. Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có VNPT Hải Dương và chi nhánh Viettel Hải Dương cung cấp các dịch vụ ÐTCÐ với tổng số hơn 57.000 thuê bao, trong đó hơn 98% là của VNPT Hải Dương. Hiện cả 2 nhà mạng đang gấp rút hoàn thiện các công đoạn chuẩn bị để việc chuyển đổi này diễn ra thông suốt.

Có số thuê bao ÐTCÐ nhiều nhất tỉnh nên VNPT Hải Dương đã mời đoàn công tác của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, trong đó có chuyên gia người nước ngoài về hỗ trợ đơn vị chuẩn bị cơ sở dữ liệu. Trong khoảng thời gian chuyển giao, từ khoảng 22 giờ ngày 14.4 đến 0 giờ ngày 15.4, VNPT Hải Dương bố trí hơn 10 nhân viên có chuyên môn kỹ thuật cao tác động vào hệ thống để thực hiện chuyển đổi mã vùng ÐTCÐ. “Có nhiều kinh nghiệm trong các lần chuyển đổi mã vùng ÐTCÐ trước đó nên chúng tôi tin lần này sẽ diễn ra suôn sẻ”, ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương nói.

Ngoài chuẩn bị về kỹ thuật, Sở TTTT và các nhà mạng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Không chỉ nhắn tin thông báo đến tất cả các thuê bao di động, 2 nhà mạng đã thực hiện âm thông báo tại một số tổng đài chăm sóc khách hàng (ghi sẵn bản tin cố định thông báo cho khách hàng); in thông báo thời gian và kế hoạch chuyển đổi mã vùng trên các hóa đơn cước hằng tháng cho nhóm khách hàng cá nhân. Riêng VNPT Hải Dương đã gửi thư ngỏ và tờ rơi thông báo đến các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh; đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp sửa mã vùng ÐTCÐ trong các giấy phép kinh doanh và các tờ khai liên quan của doanh nghiệp…

Doanh nghiệp chấp nhận thiệt hại

Khi chuyển đổi mã vùng ÐTCÐ, số thuê bao của khách hàng vẫn được giữ nguyên như cũ. Do đó, các cuộc gọi nội hạt (giữa các máy cố định trong tỉnh) sẽ không có gì thay đổi. Tuy nhiên, các cuộc gọi liên tỉnh, quốc tế gọi từ điện thoại di động vào số cố định (các cuộc gọi có sử dụng mã vùng) sẽ phải quay mã vùng mới.

Ðể giúp người dân có thêm thời gian làm quen với mã vùng mới, Hải Dương và tất cả các tỉnh, thành phố chuyển đổi trong đợt 2 đều thực hiện quay số song song cả mã vùng mới và cũ trong 30 ngày (từ 0 giờ ngày 15.4 đến 23 giờ 59 ngày 14.5), sau đó sẽ duy trì âm thông báo trong 30 ngày tiếp theo, đến ngày 16.6 sẽ hoàn toàn sử dụng mã vùng mới.

Dù đã dành 2 tháng để giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm quen với mã vùng mới nhưng thiệt hại trước mắt là không thể tránh khỏi, nhất là các doanh nghiệp. “Không chỉ in lại toàn bộ card visit, biển quảng cáo, nhiều loại giấy tờ liên quan, hãng taxi Rạng Ðông sẽ phải thay mới toàn bộ đồng phục cho nhân viên. Tất cả các chi phí này cũng khá lớn, đó là chưa kể cũng sẽ bị mất một lượng lớn khách hàng trong thời gian đầu khi chưa quen gọi mã vùng mới. Tuy nhiên, nếu sự thay đổi này thực sự cần thiết cho việc quản lý của Nhà nước thì chúng tôi ủng hộ và chấp nhận thiệt hại”, ông Nguyễn Hữu Nam, Giám đốc Công ty CP Vận tải Rạng Ðông cho biết.

Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát (khu công nghiệp Hưng Thịnh, Bình Giang) phải in lại toàn bộ bao bì sản phẩm. Mỗi năm công ty tiêu thụ khoảng 40.000 sản phẩm các loại. Chi phí in bao bì cho mỗi sản phẩm khoảng 10.000 đồng. Thông thường, các loại bao bì sản phẩm đều đã in theo năm, có sản phẩm, mẫu bao bì in và sử dụng trong nhiều năm nên việc in lại sẽ rất tốn kém.

Thiệt hại trước mắt đều thấy rõ, tuy nhiên việc chuyển đổi mã vùng ÐTCÐ là cần thiết. Bởi hiện tại, sự bùng nổ của thông tin di động khiến kho số không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển. Trong khi đó, mã ÐTCÐ dùng ít nhưng chiếm tỷ lệ tài nguyên số tới 90% (từ đầu 2 đến đầu 8), trong khi di động chỉ có đầu 9 và đầu 1. Hơn nữa, độ dài mã vùng của cả nước không nhất quán, có tỉnh mã vùng 3 chữ số, nhiều tỉnh khác lại chỉ có 1 hoặc 2 chữ số. Vì thế, việc Bộ TTTT quy hoạch lại kho số, chuyển tất cả các thuê bao ÐTCÐ dồn về đầu 2 sẽ bảo đảm kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Các đầu số ÐTCÐ dôi dư sẽ được đưa một phần sang đầu số di động để "khai tử" dần những thuê bao di động 11 chữ số.

Mặc dù là một chủ trương đúng nhưng để thực hiện tốt việc đổi mã vùng ĐTCĐ rất cần sự đồng hành của tất cả các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp bị thiệt hại do sự chuyển đổi này.

MAI LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mã vùng điện thoại cố định: Cần sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp