Chưa mua xe đẹp, chưa xây nhà to mà vẫn ở tạm ngoài bãi, những ông chủ “vựa” rươi, cáy ở An Thanh (Tứ Kỳ) làm giàu từ vùng đất trước đây chỉ cấy một vụ lúa...
Anh Hời là người đầu tiên ở An Thanh “nuôi rươi”. Ảnh: MAI ANH
MÙA THU TIỀN TỶ"1 kg rươi giá trị bằng 1 tạ thóc. Bình quân mỗi năm, nhân dân trong xã thu hơn 10 tỷ đồng từ khai thác rươi và cáy. |
|
Cả năm mong chờ, rồi con nước “rươi mùa” đầu tháng 9 cũng đến trong sự đợi chờ của người dân An Thanh. Trong khi mọi người đổ cả ra vùng bãi An Lao (An Thanh) vớt rươi, thì 3 anh em được mệnh danh là vua “nuôi” rươi Vũ Xuân Hời, Vũ Huy Du và Vũ Thị Duyên lại bình tĩnh phóng xe máy đi khắp vùng để ngắm nghía. Thấy bà con thu hoạch rươi ào ào, anh Hời bảo: “Mình mà đổ mấy tấn rươi ra bây giờ là giá sẽ xuống ngay". Vì vậy, họ quyết định “hãm” thu hoạch rươi trên toàn bộ gần 30 mẫu đấu thầu chậm lại 5-7 ngày. Rồi cái đêm “tháng chín đôi mươi” cũng đến khi 3 anh em nhà họ Vũ quyết định tháo nước lấy rươi. Từ chiều, anh Hời tỉ mẩn kiểm tra lại từng cửa cống, từng chiếc xăm lấy rươi, vừa tranh thủ ăn cơm chiều sớm, vừa “canh” nước. Đã hẹn sẵn, trời vừa sẩm tối, cả vùng bãi đã sáng trưng, xe máy, ô-tô của thương lái tấp nập ra vào. Nhà có 3 cống để lấy rươi, anh Hời chỉ tháo 2 cống để lấy cho nhanh. Ban đầu, trên mặt nước chỉ loáng thoáng vài con rươi bơi nhoáng nhoàng. Đợi đến khi rươi lên đặc sánh trên mặt nước, anh Hời mới hạ lệnh mở cánh cống để tháo nước. Lúc này, trên mặt ruộng hàng tỷ con rươi nổi lên từ lòng đất nhao nhao theo con nước rút đổ vào xăm.
Ngay cạnh nhà anh Hời, sân nhà chị Vũ Thị Duyên (em gái anh Hời) cũng nhộn nhịp như mở hội. Cứ 5-10 phút, các thanh niên trong nhà lại xúm vào nhấc xăm đổ rươi một lần. Có mẻ xăm cân được gần 10 kg rươi. Rươi được đổ vào các túi lưới, treo lên cho ráo nước. Chị Duyên và các thương lái thoăn thoắt cân từng mẻ cho vào khay xốp, đưa lên xe chuyển đi tiêu thụ. Chỉ trong vòng hơn 1 giờ, hơn 20 anh em, con cháu trong nhà đã được huy động thao tác sao cho nhanh và phải lấy cho hết rươi trước khi cạn nước. Hơn 7 giờ tối, khu ruộng gần 30 ha đã được tháo hết nước, gần 4 tấn rươi đã được cân bán. 3 anh em anh Hời ung dung thu về hơn 1 tỷ đồng.
Gần 1 tháng sau, con nước rươi “tháng mười mùng năm", 3 anh em nhà họ Vũ lại thu thêm hơn 1 tấn rươi từ vùng đất bãi.
”NUÔI” LỘC TRỜINăm 2007, anh Hời liều ra ngoài bãi sông thuê hơn chục mẫu đất để “nuôi” rươi và cáy. Trong họ, ngoài làng ai cũng bảo anh dở hơi vì từ xưa đến giờ làm gì có ai “nuôi” được mấy thứ lộc giời đó. Anh Hời vẫn kéo cả gia đình ra bãi sông, dựng lều tạm, khoanh vùng khai thác rươi và làm hệ thống thuỷ lợi. Kinh phí ít nên mọi việc từ đắp đê bao, làm đường xuống bãi, quây vùng, xây cống... anh Hời và các anh em đều tự làm. Không có kinh nghiệm, anh Hời cứ vừa làm vừa mày mò, rút kinh nghiệm. Hơn 1 tỷ đồng đổ xuống vùng bãi mênh mông cùng bao mồ hôi công sức đã tạo thành một vùng trù phú với đường đi xuống bãi, đê bao, kênh mương và cống điều tiết nước, bảo đảm chủ động cho nước thuỷ triều vào bãi và thoát ra sông một cách tự nhiên. Những ngày mới ra vùng bãi, suốt ngày anh ở dưới ruộng, quan sát kỹ chu kỳ con nước thủy triều ra, vào; nắm chắc quá trình phát triển của rươi từ lúc ấu trùng rươi theo con nước vào “định cư” trong ruộng. Anh biết rằng không ai có thể nuôi được những loại thủy sản đặc biệt này, nhưng nếu nắm được quy luật sinh trưởng của chúng có thể tạo môi trường thuận lợi cho chúng trú ngụ, sinh sôi, phát triển.
Thuận lợi không nhiều, khó khăn chồng chất, nhưng không ngờ, năm đầu tiên anh Hời thu hoạch, rươi lại “trở lại” An Thanh nhiều đến thế. 1 - 2 năm đầu, anh Hời thu từ 2,5 tạ rồi đến 8 tạ rươi/năm. Những năm sau, anh thu 1,5 tấn rồi xấp xỉ 3 tấn/năm. Toàn bộ số vốn đầu tư được thu hồi nhanh chóng. “Thừa thắng xông lên”, anh Hời rủ các em cùng xuống bãi làm giàu. Từ hơn chục mẫu ban đầu, anh em anh thuê thêm đất bãi của nông trường, mua thêm ruộng của nhân dân để mở rộng vùng khai thác rươi và cáy. Đến nay, 3 anh em đang làm chủ một vùng bãi mênh mông hơn 30 mẫu chỉ dành để khai thác rươi và cáy.
Mô hình khai thác rươi, cáy tự phát của 3 anh em họ Vũ đang trở thành “mô hình điểm” cho nông dân An Thanh học tập. Hộ nhiều, hộ ít, cả xã hiện đang có khoảng gần 20 hộ có từ 2-3 mẫu trở lên dành riêng để khai thác rươi, cáy.
Vào dịp tháng 2, tháng 3 dương lịch, các chủ “vựa” rươi lại dùng máy cày cày lật đất trên ruộng bãi, sau đó bón phân chuồng, trấu, rơm rạ... rồi bừa nhuyễn, đánh phẳng mặt ruộng. Vụ cấy đến, toàn vùng bãi chỉ cấy một loại lúa hom cổ truyền, chủ yếu lấy rạ để làm chỗ cho cáy ẩn nấp, sinh trưởng. Chẳng ai bảo ai, nhưng cả làng đều biết không được dùng phân hoá học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu... trong vùng đất bãi. Cáy được khai thác quanh năm, bằng phương pháp vừa nuôi, vừa bảo vệ, chỉ bắt cáy to, thả cáy nhỏ để tiếp tục phát triển. Nông dân bắt cáy bằng cách thả lờ, tra mồi để cáy tự tìm đến ăn. Người đi thu cáy chỉ việc sáng sáng đi đổ cáy và tra mồi. Thương lái cáy tìm đến tận nơi để thu mua. Mỗi năm, chỉ riêng 3 anh em nhà họ Vũ cũng thu nhập từ 150-300 triệu đồng từ cáy. Sau khi gặt lúa hom, rơm rạ được để lại trên ruộng, dùng máy cày vùi xuống, bón thêm phân hữu cơ rồi bừa kỹ nhiều lượt để vùi sâu rơm rạ và phân xuống dưới mặt đất. Vào khoảng tháng 6, tháng 7, người “nuôi” rươi phải bỏ cáy để tạo môi trường cho rươi sinh sống.
Ông Đặng Văn Bích, Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết: “1 kg rươi giá trị bằng 1 tạ thóc. Bình quân mỗi năm, nhân dân trong xã thu hơn 10 tỷ đồng từ khai thác rươi và cáy. Đời sống của nhân dân được nâng lên và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương".
TRUNG THU