​"Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ"

07/05/2023 06:00

Dốc Pha Đin đã đi vào lịch sử, gắn với những đóng góp của lực lượng thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ.


Một khúc cua trên quốc lộ 6A hôm nay (địa phận huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên)

Nằm về phía đông của tỉnh Điện Biên, đèo Pha Đin không chỉ nổi tiếng trong chiến dịch Điện Biên Phủ qua câu thơ: “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ” (Tố Hữu), mà đây còn là con đèo với vai trò “cửa ngõ” của một huyện “cửa ngõ” trong tỉnh, làm say lòng du khách trước khi thực hiện chuyến thưởng ngoạn và khám phá Điện Biên...


Chuyện kể rằng đầu năm 1954, lúc các đơn vị bộ đội hối hả hành quân lên Tây Bắc thì 14.000 thanh niên xung phong theo lệnh điều động của Hội đồng Cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ, cũng có mặt để sẵn sàng làm công tác phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, xuất phát từ yêu cầu của chiến trường, hơn 6.000 thanh niên xung phong chuyển sang trực tiếp cầm súng (bộ đội) đối mặt với quân thù, còn lại hơn 8.000 người rải dọc đường 41 (nay là quốc lộ 6A) từ Chợ Bờ - Suối Rút (Hoà Bình), qua ngã ba Cò Nòi (Sơn La), vượt đèo Pha Đin lên lòng chảo Mường Thanh (huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu cũ, nay là tỉnh Điện Biên).

Công bằng mà nói, trước khi nổ ra trận huyết chiến 56 ngày đêm, cái tên Điện Biên Phủ còn chưa được nhiều người biết đến. Nhìn chung mọi con đường lên Tây Bắc và lên Điện Biên Phủ đều phải vượt qua vô vàn những đèo cao, vực thẳm, suối dữ, sông sâu. Để bảo đảm giao thông cho cơ động xe pháo và hậu cần chiến dịch, cùng với bộ đội và dân công, lực lượng thanh niên xung phong giữ vai trò chủ chốt trong việc mở mới và sửa chữa một số trục đường từ chiến khu Việt Bắc lên chiến trường Tây Bắc.


Nơi đây, nhiều thanh niên xung phong đã ngã xuống trước và trong chiến dịch Điện Biên Phủ 

Ngày 3.12.1953, Nava - Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương ra chỉ thị: “Về việc điều hành những cuộc hành quân ở vùng Tây Bắc - Bắc Kỳ”. Trong đó, yêu cầu không quân: “Những điểm cần đánh phá với sức mạnh tối đa, là: Trên trục đường quốc lộ 13, đặc biệt là điểm nút giao thông Yên Bái và bến phà Tạ Khoa. Trên đường 41, là vùng Cò Nòi và Hát Lót”.

Vinh quang thay thanh niên xung phong Việt Nam! Vinh quang thay quốc lộ 13, quốc lộ 15 và quốc lộ 41! Những con đường được làm ra và được bảo vệ bởi bàn tay và khối óc, bởi sức lực và máu xương của hàng chục nghìn cán bộ, đội viên thanh niên xung phong. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đèo Pha Đin mặc nhiên đi vào thơ ca nhạc họa, đi vào lịch sử và trở thành niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Điện Biên - Lai Châu nói riêng.

Ngày 6.3.2005, Chính phủ quyết định đầu tư 2.600 tỷ đồng cho việc nâng cấp quốc lộ 6A lên Tây Bắc. Sau hơn 4 năm dự án hoàn thành, đèo Pha Đin từ 125 khúc cua đặc biệt nguy hiểm trên chiều dài 32 km, xuống còn 60 cua trên chiều dài 26 km; có cua rộng tới 60 m, độ dốc hạ xuống tối đa 8% thay vì 10% và 12% trước đây. Đặc biệt mặt đường rộng gấp gần 2 lần, giúp cho vận tốc ô tô nhanh gấp 4 lần mà độ an toàn lại lớn hơn ngay cả với xe siêu trường, siêu trọng. Trước đó, đèo Pha Đin dài 32 km (từ km 360 đến km 392), có thuyết cho rằng Pha Đin theo tiếng Thái nghĩa là đèo “Trời đất”, ý nói con đèo đất cao đến tận trời để “ông trời và bà đất gặp nhau” cho thoả niềm thiên - địa trùng phùng. Đèo Pha Đin được dân phượt xếp vào hàng “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Trên thực tế, đây là nơi tiếp giáp giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên, nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phình. Mái đông, Pha Đin thuộc xã Phụng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La; mái tây, Pha Đin bắt đầu từ xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.


Bia ghi danh di tích lịch sử xếp hạng quốc gia đèo Pha Đin 

Ngày nay, dưới chân Pha Đin về sườn núi phía tây, thung lũng Mường Quài (huyện Tuần Giáo) phóng khoáng trải rộng với nhiều làng bản còn lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số. Pha Đin quanh năm lúc nào cũng đẹp, cũng nên thơ khi lòng ta bồng bềnh với mênh mang gió núi, với lãng đãng mây ngàn...

TRƯƠNG HỮU THIÊM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ​"Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ"