Độc đáo vườn cây Sala tạo dáng thế theo triết lý nhà Phật

14/12/2021 10:16

Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vườn cây Sala của ông Phạm Văn Đúng trồng tại thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) có số lượng cây nhiều nhất được tạo với các dáng thế theo triết lý nhà Phật.

Năm 2010, với ý tưởng trồng một vườn cây Sala (còn có tên gọi khác là: cây Ngọc Kỳ Lân, cây Đầu Lân, hay cây Ưu Đam có nguồn gốc từ Nam Mỹ) với số lượng nhiều nhất cả nước để tạo cảnh quan thanh bình theo sở thích người thấm nhuần triết lý nhà Phật, ông Phạm Văn Đúng, cư ngụ tại phường Đài Sơn, TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đến thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước mua đất lập vườn.

Sau đó, ông Đúng đặt mua 200 cây Sala giống từ Campuchia đem về tặng 100 cây cho các chùa Phật giáo tại TP Phan Rang-Tháp Chàm trồng. Số còn lại, ông đem về trồng trên khu vườn của gia đình.

Du khách tham quan, chụp hình lưu niệm tại khu vực trồng cây Sala có tạo dáng với tên gọi “Thiền đường”.

Ông Đúng đã dồn hết tâm huyết của mình để thổi ý tưởng theo triết lý nhà Phật vào vườn cây. Bởi, đặc tính của cây Sala là nở hoa liên tục quanh năm, nên người Việt Nam quen gọi với cái tên trìu mến là “vô ưu”, với ý nghĩa thể hiện sự vui vẻ, không phiền muộn.

Ông Đúng chia sẻ: “Cây Sala gắn liền với triết lý nhà Phật và thường được trồng nhiều ở các chùa Phật giáo theo phái Nam tông. Hoa mọc ra ở dọc thân cây, tạo cho mọi người liên tưởng đến câu chuyện Phật được sinh ra từ cạnh sườn của hoàng hậu Maya”.

Ông Phạm Văn Đúng chụp ảnh bên cây Sala được tạo dáng có tên gọi “Bất nhị”

Hoa có hương thơm đặc trưng, khi quả chín thì tỏa mùi hương hơi khó ngửi; quả phải chín nẫu và tỏa mùi hương như vậy thì hạt bên trong mới đủ già để nảy mầm thành cây con. Sinh trưởng của cây Sala tựa như quy luật “Sinh-Lão-Bệnh-Tử” của triết lý nhà Phật, ông Đúng cho biết.

Điều đáng nói là việc ông Đúng cần mẫn mỗi ngày để tạo các dáng thế theo triết lý nhà Phật ngay từ khi cây Sala còn non cho đến khi cây mọc nhánh, sinh trưởng cao to bằng những dụng cụ tự chế làm bằng sắt trở thành những cái khung tạo hình ảnh, dáng thế theo ý tưởng rồi đặt cố định vào thân cây. Qua thời gian sinh trưởng, cây Sala vươn cành phát triển thân, nhánh theo các khung tạo dáng đã định hình.

Ông Phạm Văn Đúng vừa làm hướng dẫn viên vừa giải thích triết lý đạo Phật cho du khách bên những cây Sala được tạo dáng có tên gọi “ Tứ Diệu Đế”.

Hiện, vườn phát triển hơn 500 cây lớn, nhỏ. Chủ nhân đã dành nhiều thời gian chăm sóc và dồn hết tâm trí, công sức để uốn nắn, tạo cho mỗi cây có kiểu dáng lạ, như: 150 cây có dáng người ngồi thiền ở “Thiền đường Vipassana” với hình ảnh các Thiền sinh đang ngồi thiền; 80 cây được tạo dáng “Niết bàn bên trong” được tạo hình uốn cong ngọn cây ngược về phần gốc, thể hiện sự quay đầu vào trong và cây có dáng “Bốn tâm thức cao thượng” có hình 4 trái tim thể hiện tính “Từ-Bi-Hỷ-Xả” của Đức Phật hoặc chùm cây với dáng “Trái tim Bồ tát” được tạo thành hình trái tim thoát ra khỏi vòng luân hồi, thể hiện sự thương yêu vô bờ bến…

Cùng với đó, ông Đúng cũng tạo nhiều hình dáng cây thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người và thiên nhiên như: dáng cây “Hoàng sa-Trường Sa được tạo dáng cho cây có hình chữ S và hai trái tim đại diện cho hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; dáng cây “Lạc Long Quân-Âu Cơ” có hình chữ S và hai trái tim trải dài ôm lấy dãi đất hình cong chữ S; dáng cây “Từ tâm cho hành tinh xanh” được tạo hình trái tim gieo vào quả đất như nhắc nhở mọi người hãy chung tay bảo vệ môi trường và nhiều dáng cây khác thể hiện thâm sâu lời dạy của triết lý nhà Phật.

Cây Sala được tạo dáng có tên gọi “ Từ tâm cho hành tinh xanh”. Chủ nhân nhắn gửi thông điệp đến người xem về nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Ông Đúng cho biết thêm, bên cạnh những cây Sala mà ông từng uốn nắn để tạo dáng, có nhiều cây ngẫu nhiên hình thành các thế dáng khác và ông coi đó như một “phép màu” của Đức Phật ban cho vườn cây và tấm lòng kính cẩn của ông.

Đơn cử như cây Sala có dáng “Mười hai nhân duyên” tượng trưng cho: “Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục căn, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh” được hình thành dáng thế hoàn toàn tự nhiên.

Cùng đi tham quan vườn cây Sala độc đáo, ông Đúng cho biết, trước đây có khá nhiều người tìm đến tham quan, ông đón tiếp niềm nở và kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên miễn phí vừa dẫn đường và giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật được tạo bởi tâm huyết của mình theo tinh thần và triết lý nhà Phật đến với mọi người.

Du khách tham quan vườn cây Sala và chụp ảnh lưu niệm bên cây được tạo dáng hình có tên gọi “Trái tim Bồ Tát”.

Gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, ông đã thông báo tạm ngưng tiếp đón khách, vừa để bảo vệ sức khỏe cộng đồng vừa có thời gian chăm sóc và làm đẹp thêm cho vườn cây.

Tình cờ, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Chương, cư ngụ phường Mỹ Bình, TP Phan Rang-Tháp Chàm đang tham quan vườn cây Sala, anh bộc bạch: “Có dịp chiêm ngưỡng và cảm nhận không khí trong lành, dịu mát của thiên nhiên hòa quyện với vườn cây cành, lá xanh mượt được tạo dáng có những hình ảnh độc đáo với ý tưởng lan tỏa ý nghĩa sâu sắc về triết lý nhà Phật, tôi thấy lòng thanh tịnh, bao nhiêu phiến muộn bỗng trở nên nhẹ nhàng và cuốn trôi đi”.

Cây Sala được tạo dáng có tên gọi “Niết bàn bên trong” tại vườn.

Trước lúc chia tay, ông Phạm Văn Đúng tâm sự: “Khi tạo lập nên khu vườn cây Sala tôi mong muốn mỗi người khi vào đây, sẽ như đang đi vào khu vườn thấm đẫm Phật pháp. Để từ đó, giúp mọi người gột bỏ mọi ưu phiền, lòng trở nên thư thái, tâm hướng thiện nhiều hơn, để cuộc sống mỗi ngày của mỗi người càng tốt đẹp hơn”.

Theo Nhân dân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo vườn cây Sala tạo dáng thế theo triết lý nhà Phật