Độc đáo tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Tuyên truyền, hướng dẫn bảo tồn di sản

27/03/2017 16:28

Có nhiều việc cần làm để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá đích thực của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và hạn chế những tiêu cực xảy ra.





Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về vấn đề này.

- Xin bà cho biết Sở VHTTDL đã quản lý hoạt động diễn xướng hầu Thánh trên địa bàn tỉnh như thế nào để hạn chế những biến tướng tiêu cực?

- Từ năm 2013, Sở VHTTDL đã điều tra diễn xướng liên quan tín ngưỡng đạo Mẫu trên địa bàn tỉnh để nhận diện, xác định giá trị, khả năng tồn tại, thống kê các địa điểm thực hành, kỹ năng thực hành của các nghệ nhân, nhóm nghệ nhân hát văn, hầu đồng… trong đời sống cộng đồng làng xã. Cuộc điều tra được thực hiện theo Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đối với các di tích có hoạt động diễn xướng liên quan đến tín ngưỡng đạo Mẫu, Sở VHTTDL đã chỉ đạo phòng văn hoá thông tin cấp huyện tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VHTTDL và quảng cáo. Vận động các cá nhân, tổ chức khi thực hành diễn xướng chỉ sử dụng tiền mệnh giá nhỏ; hạn chế đốt vàng mã, sử dụng hương nến gây tốn kém, lãng phí.

Vào dịp lễ hội đầu xuân hằng năm, Sở VHTTDL đều phối hợp với Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83-Công an tỉnh) thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm về thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích, lễ hội, đặc biệt là các di tích thường xuyên có hoạt động diễn xướng thu hút nhiều nghệ nhân, đoàn diễn xướng và đông đảo nhân dân tham gia hầu Thánh như đền Kiếp Bạc, đền Tranh, đền Cao An Phụ…



Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát khu di tích lịch sử đền Sinh - đền Hóa và làng An Mô,
 xã Lê Lợi (Chí Linh) nhằm xây dựng điểm du lịch gắn với tín ngưỡng đạo Mẫu tại đây


Sở yêu cầu các phòng văn hóa, thể thao, UBND các xã, ban quản lý di tích có hoạt động diễn xướng hầu Thánh phải ban hành quy chế để thực hiện nghiêm khi trình diễn như: các đoàn diễn xướng phải trình diễn theo tín ngưỡng dân gian truyền thống; đối tượng tham gia diễn xướng phải có đủ khả năng, trình độ và các trang thiết bị như cung văn, dụng cụ, y phục… để biểu diễn các giá đồng theo đúng lối thức truyền thống và đăng ký cụ thể các nội dung diễn xướng với ban tổ chức...

Trước khi thực hành diễn xướng hầu Thánh, các đoàn, các đối tượng tham gia diễn xướng phải ký cam kết với ban tổ chức không được có lời phán truyền giả danh lời Thánh, có hành động thái quá (xiên lình, thắt cổ, xẻ lưỡi...) không đúng với các lối thức diễn xướng dân gian. Ngoài ra, không được tranh giành thời gian diễn xướng và có những hành vi, lời nói, việc làm tuyên truyền mang tính mê tín, dị đoan; không được tung tiền phát lộc, làm mất trật tự tại khu vực diễn xướng...   

- Để phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Sở VHTTDL đã và đang có giải pháp gì?

- Có một thời gian dài do bị hiểu sai và bị quy là mê tín dị đoan, diễn xướng hầu Thánh bị cấm và dần mai một. Tuy nhiên từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 trở lại đây, diễn xướng hầu Thánh được trả lại sự trong sạch và có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, theo thời gian, các bậc nghệ nhân (cung văn) mẫu mực còn lại rất ít. Phần lớn trong số họ đã "qua thế giới bên kia" mà chưa kịp truyền lại hết những vốn liếng vô giá cho thế hệ tiếp nối. Trong số những nghệ nhân còn lại hiện nay thì nhiều người không muốn xuất hiện vì thiếu lòng tin bởi sự ám ảnh của quá khứ. Vậy nên, phần lớn các cung văn lớp kế cận đang hành nghề hiện nay đều chỉ nắm giữ được một phần những giá trị truyền thống.

Vì vậy trong những năm qua, Sở VHTTDL đã tập trung vào công tác bảo tồn, phát huy loại hình di sản văn hóa này. Sở đã thực hiện các biện pháp như tuyên truyền sâu rộng về giá trị của nghệ thuật diễn xướng hầu Thánh để mọi người dân nhận thức, đánh giá đúng giá trị văn hoá của nghệ thuật diễn xướng và những vấn đề đặt ra trong đời sống văn hoá hiện nay liên quan đến tín ngưỡng đạo Mẫu. Sở cũng thẩm định, gạn lọc, hạn chế mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực. Di sản là của toàn dân nên phương hướng khả thi trong huy động nguồn lực để bảo tồn, phát triển là Nhà nước và nhân dân cùng quan tâm bảo tồn di sản theo nguyên tắc cộng đồng nhân dân tự nguyện góp sức để bảo tồn, Nhà nước hỗ trợ yếu tố pháp lý và phương tiện, cơ sở vật chất.

Vừa qua, Sở VHTTDL đã khảo sát khu di tích lịch sử đền Sinh - đền Hóa và làng An Mô tại xã Lê Lợi (Chí Linh) nhằm xây dựng điểm du lịch gắn với tín ngưỡng đạo Mẫu tại đây. Điểm du lịch này có tiềm năng song cần đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch. Đây là một hướng đi nhằm phát huy các giá trị tích cực của loại hình di sản phi vật thể này.

- Xin cảm ơn bà!

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Tuyên truyền, hướng dẫn bảo tồn di sản