Tháp cửu phẩm liên hoa chùa Khánh Quang là công trình kiến trúc độc đáo của chùa và của tỉnh Hải Dương cũng như của cả nước.
Tháp cửu phẩm liên hoa là công trình kiến trúc nghệ thuật nằm trong khuôn viên chùa Khánh Quang, tên nôm được gọi là chùa Gạo thuộc thôn Thiên Đông, xã Kim Tân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Khánh Quang là tên tự của chùa, tương truyền chữ “Khánh” được bắt nguồn từ chốn tổ chùa Muống (Quang Khánh tự) là nơi sinh và tu hành của Thánh tổ Non Đông (hiện nay thuộc địa phận xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành) là môn đệ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Chùa Khánh Quang là một ngôi chùa lớn, thời kỳ thịnh hành có tới 144 gian lớn nhỏ và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của cả vùng. Vì vậy, các ngôi chùa xung quanh chịu ảnh hưởng lớn của thiền phái này, đều lấy chữ “Khánh” ghép vào tên tự của chùa. Tương truyền: Từ thời Lê Sơ có nhà sư quê ở huyện An Hải - Hải Phòng tu tại chùa, do nhớ quê hương, ông đem một cây gạo mang về trồng. Dần dần cây gạo lớn lên, dân gọi là chùa Gạo và làng có chùa Gạo gọi là làng Gạo.
Chùa Khánh Quang được khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII) do Già Lam Đặng Tiên Công, xuất gia sa di tại Hải Thành người ở thôn Đằng Lâm, nay thuộc huyện An Hải, thành phố Hải Phòng xây dựng. Lúc đầu, nhà sư chỉ là một người dân di cư sang mảnh đất Thiên Đông sinh sống, sau đó xuất gia đi tu, hiến toàn bộ đất đai, tài sản của mình để xây dựng nên ngôi chùa. Chùa Khánh Quang đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn. Cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, chùa còn khá nhiều công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, đó là: Chùa chính có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) bao gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, 5 gian nhà thờ tổ, 7 gian nhà khách. Trong chùa còn đầy đủ hệ thống tượng pháp và khá nhiều cổ vật có giá trị. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa có tới 3 mẫu nội ngoại tự và 27 mẫu ruộng để canh tác.
Qua nhiều thế hệ, chùa có 12 vị sư tổ trụ trì, có nhà sư trụ trì trên 40 năm. Hiện nay, tại khu di tích còn hệ thống tháp đá, có giá trị về niên đại và nghệ thuật kiến trúc. Năm 1978, chùa bị tháo dỡ lấy vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Năm 1997, nhân dân địa phương xây dựng lại chùa chính gồm 3 gian tiền đường, 2 gian hậu cung, nhà tổ khá khang trang. Hai công trình này kiến trúc đơn giản, chất liệu bằng gạch, ngói và bê tông cốt thép, hệ thống tượng pháp và đồ thờ tự đều mới. Tuy nhiên, đây là sự cố gắng rất lớn của nhân dân địa phương. Trong những năm tới khu di tích tiếp tục được trùng tu, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Hàng năm, hội chùa Khánh Quang được tổ chức vào 2 ngày 26 và 27 tháng Giêng. Trong lễ hội, ngoài việc tế lễ, còn có các trò chơi dân gian như: Chọi gà, vật, đu quay...Đặc biệt, tại di tích còn diễn ra lễ mục dục (lễ tắm tượng) rất trang nghiêm vào tối 27. Đây là lễ hội truyền thống của các ngôi chùa theo thiền phái Trúc Lâm ở khu vực này.
Tháp cửu phẩm liên hoa là công trình kiến trúc độc đáo của chùa và của tỉnh Hải Dương cũng như của cả nước. Tương truyền: Tháp được dựng từ thời Lê cuối thế XVIII, mô hình của tháp lúc đầu dựng bằng chất liệu tre, nứa. Trải qua mưa nắng, cửu phẩm bị mục nát, không thể tồn tại được.
Sang thế kỷ XIX, cùng với việc xây dựng chùa có qui mô lớn, tháp cửu phẩm liên hoa chất liệu đá đã được dựng lên và tồn tại đến ngày nay. Điều đặc biệt, tháp cửu phẩm, một công trình kiến trúc độc đáo do các nghệ nhân xưa tạo ra không hề ghi lại niên đại và lịch sử của nó? Căn cứ vào các nét chạm khắc, hoa văn trang trí và mô tuýp kiến trúc, chúng tôi xác định rằng: Tháp có niên đại xây dựng vào thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX).
Tháp cửu phẩm liên hoa chùa Khánh Quang là công trình kiến trúc, điêu khắc “độc nhất vô nhị” của tỉnh Hải Dương và là một trong những công trình kiến trúc tháp hiếm có của cả nước. Tháp được kiến tạo dựa trên cơ sở toán học và nghệ thuật kiến trúc dân tộc. Công trình gồm 3 phần chính: Bệ, thân và chóp.
Phần bệ được tạo dáng tam cấp, được tạo ra từ những phiến đá khối màu xám, ghép lại, mỗi bậc được ghép thành hình lục giác đều, các mối ghép khít với nhau, tạo thành các bậc chắc chắn, thoạt nhìn không rõ mối ghép.
- Bậc 1 cao 40cm, mỗi cạnh dài 161cm ghép bằng 8 phiến đá.
- Bậc 2 cao 38cm, mỗi cạnh dài 140cm ghép bằng 6 phiến đá.
- Bậc 3 cao 36 cm, mỗi cạnh dài 120cm ghép bằng 6 phiến đá.
Thân tháp gồm 9 tầng được tạo dựng theo phương thẳng đứng với lối “thượng thu, hạ thách”.
Tầng thứ nhất: Các phiến đá được ghép dọc theo hình lục giác đều, tầng này cao 125cm, mỗi cạnh của lục giác rộng 100cm, phía trên tạo mái cong có 6 góc đao điêu khắc theo kiểu đao dĩ . Mái ghép bằng 6 phiến đá nằm ngang, tại đây có nhiều đường gờ chỉ kép nghệ thuật. ở tầng 1, 6 cạnh đều được chạm khắc các hoa văn theo một phong cách là những lọ cắm những cành hoa cúc đang nở, hoa văn cúc dây và hoa văn chữ triện, phía dưới và trên có hoa văn sóng nước thủy ba chạy đường diềm. Các nét chạm khắc mềm mại và hết sức sống động. Đặc biệt, ở sáu mặt đều có bia, kích thước mỗi bia là 45 x 42 (cm) chạm theo kiểu bài vị thờ, khắc dòng chữ Hán “Nam mô thập phương thường trụ tam bảo” (Nam mô thập phương thường dừng lại ở tam bảo). Đây là một câu trong kinh phật với các nét chữ sắc nét, khá đẹp và rõ ràng.
Tầng thứ 2: Gồm 6 phiến đá được lắp ghép theo hình lục giác đều, các phiến đá này đều có kiến trúc nhỏ hơn các phiến đá của tầng 1, mỗi cạnh dài 83cm. Sáu phiến đá được ghép dọc có chiều cao 120cm. Phần mái đao cong được tạo dáng như tầng 1. Việc trang trí hoa văn của tầng 2 giống như tầng 1, nhưng những đường chạm khắc sắc nét và mềm mại hơn.
Tầng thứ 3: Gồm 6 phiến đá ghép dọc, tạo hình lục giác đều, mỗi cạnh dài 80cm và chiều cao của tầng này là 120cm. Cũng giống như tầng 1 và tầng 2, phần mái của tầng này tạo 6 góc đao ở chính giữa mối ghép của lục giác. Nhờ có kết cấu theo phương pháp này tạo cho thế của cửu phẩm luôn chắc chắn không thể bị xô lệch dưới tác động của thiên nhiên.
Tầng 4, 5, 6 có kích thước nhỏ dần nhưng chỉ chênh lệch 5cm (tầng 4 mỗi cạnh dài 75cm, chiều cao 115cm; tầng 5 mỗi cạnh dài 70cm, chiều cao 110cm; tầng 6 mỗi cạnh dài 65cm và chiều cao 105cm). Ở các tầng này các phiến đá đều được lắp ghép theo kiểu dọc và ngang. Mô tuýt trang trí giống hệt nhau, chỉ khác một chi tiết là trên các bia bài vị không phải là các hoa văn trang trí mà thay vào đó là 6 chim phượng được chạm khắc ở 6 mặt. Đây là nét độc đáo của cửu phẩm.
Tầng thứ 7: Vẫn theo phong cách của các tầng dưới, nhưng chỉ khác là nội dung của dòng chữ Hán đã thay đổi, mỗi mặt có 1 chữ ghép lại thành các chữ “Nam - Mô - A - Di - Đà - Phật”. Tầng thứ 7 cao 105 cm, mỗi cạnh dài 60cm.
Tầng thứ 8: Kết cấu của tầng này cũng theo phong cách các tầng dưới, nhưng đặc biệt ở tầng 8 kích thước cao hơn tầng 7 là 10cm (tầng 8 cao 110cm) nhưng các cạnh lại nhỏ dần (mỗi cạnh 58cm). Hoa văn trang trí vẫn theo phong cách của các tầng dưới.
Tầng thứ 9: Tầng này cao 120cm, mỗi cạnh lục giác dài 55cm. Đây là tầng trên cùng của cửu phẩm liên hoa, các bức chạm khắc đều được trang trí khá đẹp nhưng thưa hơn các tầng dưới. Đặc biêt, tại 6 cạnh được bố trí 4 chữ Hán lớn: Dấu - Ấn - Của - Phật, nét chạm khắc sắc nét và rõ ràng. Các góc đao của tầng 9 dầy hơn các tầng dưới, tạo dáng mui luyện.
Phần chóp: Được tạo hình nậm rượu, cao 70cm, đế chóp có ngõng khóa và gắn chặt với mái của tầng 9, nên ở trên cao không bị lay chuyển, giữ cho các tầng dưới không bị xô lệch.
Cửu phẩm liên hoa chùa Khánh Quang là một công trình tôn giáo độc đáo, cao 11m (không kể bệ). Qua nghiên cứu kết cấu của tháp, chúng ta càng khâm phục kỹ thuật đục, ghép và nghệ thuật chạm khắc đá tài hoa của các nghệ nhân xưa. Tháp có hình khối gọn, chắc, thanh thoát, hợp lý. Các bức chạm khắc trên tháp không đơn điệu, nhàm chán mà ngược lại bố cục lại hết sức mềm mại, rõ ràng, các nét chạm trên đá cứng nhưng có hồn và mang đậm nét văn hóa tính nhân bản trong nghệ thuật. Tháp cửu phẩm liên hoa tồn tại đến nay là niềm tự hào của nền điêu khắc cổ Việt Nam. Di tích đã được nhà nước xếp hạng theo Quyết định số 39/QĐ- BVHTT ngày 30 tháng 12 năm 2002 của Bộ Văn hóa- Thông tin.
Ngoài tháp cửu phẩm, tại chùa còn có 9 tháp mộ của các nhà sư trụ trì, điều đó thể hiện lịch sử phát triển của ngôi chùa này, trong đó có 4 tháp có chất liệu đá và 5 tháp có chất liệu vôi gạch. Trên các tháp có nhiều tấm bia bằng chữ Hán ghi tên tuổi, sự nghiệp và công lao đóng góp của các sư trụ trì.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân, tháp cửu phẩm liên hoa được bảo vệ và phát huy tác dụng. Ban quản lý di tích do UBND xã thành lập cùng nhân dân tích cực tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục công trình, từng bước trả lại các công trình vốn có của di tích. Tiếp tục qui hoạch và bảo tồn phát triển di tích trong tương lai.
(Nguồn:Hải Dương di tích và danh thắng)