Độc đáo nhà xưa, phố cũ

26/10/2014 23:51

Ðối với mỗi đô thị, kiến trúc cổ là nơi lưu dấu sự hình thành và phát triển gắn với các thế hệ tiền nhân đã dựng xây. May sao TP Hải Dương cũng còn những công trình như thế.



Công trình dinh Tổng đốc được xây dựng năm 1924 nay vẫn được dùng làm nơi tiếp khách
của HĐND, UBND tỉnh. Ảnh: Thành Chung


Những công trình hàng trăm năm tuổi

Các công trình kiến trúc cổ của TP Hải Dương bao gồm hai dạng: các công trình tôn giáo, tâm linh và các công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng. Công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng bao gồm các nhà thờ, chùa, đình, đền, miếu. Mang dấu ấn đậm nét với người dân thành phố là nhà thờ Thiên chúa giáo ở đường Trần Hưng Đạo, được xây dựng cách đây trên 200 năm theo kiến trúc gô-tích. Thành phố có 10 ngôi đình tiêu biểu, rất có giá trị về kiến trúc gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa. Đình Đồng Niên là ngôi đình cổ nhất. Đình có nhiều mảng phù điêu độc đáo và còn lưu giữ 11 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến. Đình Đông Kiều ở phường Trần Hưng Đạo được xây dựng từ năm 1890, đến nay gần như còn nguyên vẹn…TP Hải Dương có 4 ngôi chùa lớn là chùa Vũ Thượng, chùa Đông Thuần, chùa Đống Cao (chùa Sếu) và chùa Bảo Sài. Chùa Đống Cao là ngôi chùa đẹp được hình thành từ thế kỷ 18, hiện có thể chứa được gần 10 nghìn phật tử đến làm lễ... Trên địa bàn thành phố còn nhiều chùa nhỏ, đền, miếu khác. Hầu hết các công trình kiến trúc tôn giáo, tâm linh đã được tôn tạo. Duy có khu vực Đền Thánh đã bị bom Mỹ phá hoại, đến nay chỉ còn là phế tích.

"Chúng tôi rất tiếc vì nếu tỉnh, thành phố không có biện pháp gìn giữ tôn tạo thì chẳng bao lâu nữa TP Hải Dương sẽ cạn kiệt kiến trúc cổ"
Năm 1892, thực dân Pháp cho xây dựng dinh Công sứ và các công trình nhà ở của công sứ Pháp tại khu vực làm việc của Văn phòng Tỉnh ủy ngày nay. Các công trình này được xây dựng theo phong cách châu Âu. Nay các công trình phía đường Bạch Đằng vẫn được lưu giữ. Năm 1920, người Pháp tiếp tục xây dựng dinh Phó Sứ 2 tầng, nay thuộc trụ sở của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Năm 1923, Toàn quyền Đông Dương đã quyết định thành lập TP Hải Dương. Các công trình được xây dựng chủ yếu ở khu vực 2 phường Trần Phú, Trần Hưng Đạo và một phần phường Quang Trung hiện nay. Từ năm 1923 đến năm 1927, các công trình, dinh thự của quan chức người Pháp được xây dựng ở ven sông Sặt. Giai đoạn này có tới 34 công trình được xây dựng, tiêu biểu như: dinh Tổng đốc được xây dựng năm 1924, nay vẫn được dùng làm nơi tiếp khách của HĐND, UBND tỉnh. Đây là công trình kết hợp giữa kiến trúc Pháp với những nét kiến trúc Việt, tạo nên vẻ uy nghi, sang trọng cho tòa nhà. Công trình kiến trúc ấn tượng vẫn còn lưu giữ được là Sở Lục lộ ở 79 Bạch Đằng, có kiến trúc Ả rập 2 tầng rất đẹp, nay là nơi làm việc của Sở Giao thông vận tải. Các công trình Sở Dây thép (Bưu điện) ở 73 đường Bạch Đằng, Kho bạc (nay là Ngân hàng Chính sách xã hội), Tòa án Tây ở phố Minh Khai, nhà Séc Tây, chợ Lớn… Ngoài ra, còn nhiều ngôi nhà của công chức, người dân xây dựng thời kỳ này nằm rải rác ở một số phố. Mỗi công trình mỗi vẻ, mang phong cách kiến trúc châu Âu tạo hình dáng ấn tượng trên mỗi con phố, mỗi khu vực.

Tăng cường quản lý


Theo ông Bùi Dương Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Hải Dương, qua chiến tranh, thời gian, nhiều công trình kiến trúc cổ đã bị tàn phá hoặc cải tạo lại. Đến nay, trên địa bàn thành phố chỉ còn 24 công trình nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Công tác bảo tồn công trình kiến trúc cổ rất cần thiết. Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố đã khảo sát, lập danh sách đề nghị tỉnh bảo vệ, trùng tu tôn tạo. Công tác tuyên truyền bảo tồn các công trình kiến trúc cổ được đẩy mạnh trong các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố, các phường, xã và toàn thể nhân dân. Trong thực tế, việc bảo tồn các công trình như nhà thờ, đình, chùa, đền tương đối thuận lợi, nhưng các công trình nhà dân rất khó bảo tồn, tôn tạo. Nhiều công trình xây dựng từ thời Pháp thuộc, khi sửa chữa người dân không báo cho cơ quan văn hóa.

Là một người đã chứng kiến nhiều thời kỳ phát triển của TP Hải Dương, ông Lưu Đức Ý ở phố Bắc Kinh cho biết, nhiều công trình xây dựng rất ấn tượng như Vọng Cung xưa kia có tòa Hành Cung rất lớn, cột trụ gạch rộng hơn 1 m, là nơi vua quan triều đình về làm việc. Các công trình công sở, nhà làm việc, nhà ở của người Pháp, các nhà cổ của người Hoa ở phố Bắc Kinh tạo ấn tượng sâu sắc. Tuy nhiên, đến nay nhiều công trình công cộng xưa đã bị phá hủy, xuống cấp. Khu phố Bắc Kinh với hàng chục nhà dân là những nếp nhà cổ hai tầng, buôn bán sầm uất, ấn tượng một thời của dân phố cổ Hải Dương nay cũng chẳng còn được mấy nhà. "Chúng tôi rất tiếc vì nếu tỉnh, thành phố không có biện pháp gìn giữ tôn tạo thì chẳng bao lâu nữa TP Hải Dương sẽ cạn kiệt kiến trúc cổ", ông Ý ngậm ngùi.
Ông Trần Hồ Đăng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Các công trình kiến trúc cổ có ý nghĩa đặc biệt với TP Hải Dương. Để bảo tồn các công trình này, thành phố đang từng bước siết chặt quản lý, thực hiện trùng tu tôn tạo, nâng giá trị của các công trình có ý nghĩa đặc biệt với Thành Đông xưa và Hải Dương nay.

 TRẦN TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo nhà xưa, phố cũ