Ngày càng có nhiều doanh nhân Việt được vinh danh và thể hiện được tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm với dân tộc.
Doanh nhân Việt ngày càng thể hiện được tầm vóc
Đến nay là tròn 15 năm ngày Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định lấy ngày 13.10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam" và cách đây 74 năm (13.10.1945), Bác Hồ viết thư gửi giới công thương Việt Nam. Sau 15 năm, lịch sử đất nước trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi, tầng lớp doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển đất nước.
Nhiều doanh nhân Việt Nam đã khẳng định được mình, đưa tên tuổi hàng hóa Việt Nam, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới và được thế giới ghi nhận. Họ cũng là những người đã đóng góp tạo dựng nên hình ảnh con người Việt Nam thời kỳ mới, tự chủ, năng động, khát vọng và bản lĩnh.
Năm 2013, lần đầu tiên một cái tên Việt Nam được vinh danh trong danh sách tỷ phú thế giới, là ông Phạm Nhật Vượng. Ông được Forbes lần đầu công nhận tỷ phú với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Kể từ đó, bảy năm liên tiếp ông Vượng có mặt trong danh sách của Forbes và luôn dẫn đầu trong danh sách tỷ phú của Việt Nam. Thương hiệu “Vingroup” do ông tạo dựng nên ngày càng trở nên thịnh vượng, từ bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng đến lĩnh vực công nghiệp với ô tô Vinfast và mới đây là lĩnh vực công nghệ (Vintech), hàng không (Vinair). Trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Vượng đã chia sẻ khát vọng của mình “là làm đẹp cho đời, không quan trọng mình có bao nhiêu tài sản, mà quan trọng là góp phần thay đổi bộ mặt đất nước mình một chút...”.
Những năm tiếp theo, The Forbes tiếp tục xướng danh những người Việt Nam, những doanh nhân khác như bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO của Vietjet Air (năm 2017) với lời giới thiệu bà Thảo là người phụ nữ duy nhất khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không lớn hàng đầu Việt Nam. “Người phụ nữ ấy đã làm lên lịch sử”; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco liên tục được xướng danh 2 lần và mới đây ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group...
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Hơn 30 năm qua, hàng triệu doanh nhân đã đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước. Bây giờ đội ngũ doanh nhân bước vào đổi mới, đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập, đưa đất nước trở nên hùng cường, doanh nhân là động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế. Doanh nhân đang cùng dân tộc đưa đất nước trở nên hùng cường.
Ông Vũ Tiến Lộc dẫn lời Bác Hồ nói về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân: Xây dựng nền kinh tế là trách nhiệm của doanh nhân. Nền kinh tế quốc doanh thịnh vượng đến từ doanh nghiệp thịnh vượng. “Giữa Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có sự tương đồng, vị khách đầu tiên của Bác ở Phủ Chủ tịch là doanh nhân, còn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trước lúc ra đi, bức thư cuối để lại là cho giới doanh nhân. Đại tướng đã căn dặn doanh nhân: 'Doanh nhân là nhạc trưởng tiên phong trong quá trình phát triển dân tộc, đất nước. Doanh nhân là lực lượng chủ lực của nền kinh tế'”, Ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Tạo động lực cho khối kinh tế tư nhân
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, với trên 715.000 doanh nghiệp hoạt động, trên 5 triệu hộ kinh doanh, Việt Nam đang có số lượng doanh nhân khoảng 5 - 7 triệu người. Khu vực doanh nghiệp dưới các loại hình khác nhau đang đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động. Trong đó, khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế.
“Chúng ta phải kể đến những doanh nghiệp mang tầm vóc quốc gia cả ở lĩnh vực nhà nước lẫn tư nhân. Những doanh nghiệp nhà nước là: Viettel, Petro Việt Nam, Vinamilk… Đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân phát triển rất nhanh, nắm bắt tốt thị phần, đóng vai trò không thể thiếu. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành thương hiệu quốc gia, niềm tự hào của dân tộc”, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định.\\
Dẫu vậy, để các doanh nhân thực sự lớn mạnh hơn nữa, theo ông Nguyễn Trần Nam, nhiệm vụ quan trọng là cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường; Bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá: Có thể nói thế hệ doanh nhân thứ nhất là thế hệ dũng cảm, ngoài những thách thức thương trường thì còn là thách thức ở thể chế. Đến nay, lớp doanh nhân đầu tiên đã trụ được, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Định hướng một mục tiêu rõ ràng là doanh nhân phải kinh doanh nhân văn, sáng tạo, là chính là mệnh lệnh trái tim. Hai nhiệm vụ chính cho doanh nhân trong thời gian tới: Phát triển bền vững; chuyển đổi số là nền tảng đổi mới sáng tạo.
Ông Lộc nhấn mạnh, phát triển bền vững là giấy thông hành cho Việt Nam tồn tại trên thương trường thế giới. Thế hệ doanh nhân dũng cảm, nhân văn nhưng phải rất sáng tạo. Để tạo điều kiện cần thể chế, hệ sinh thái để đội ngũ doanh nhân phát triển. Để thúc đẩy hệ sinh thái cho đội ngũ doanh nhân, cần có làn sóng đổi mới. Một làn sóng đổi mới xây dựng nhà nước kiến tạo.
“Doanh nghiệp Việt đã trải qua 30 năm đổi mới, giai đoạn của Chính phủ tập trung giải phóng khó khăn, tạo điều kiện. Giờ là giai đoạn dẫn dắt, thúc đẩy, yểm trợ cho sự phát triển cho doanh nhân doanh nghiệp, cải cách thể chế và nâng cấp phát triển doanh nghiệp. Đó cũng là yêu cầu thúc đẩy sự sáng tạo của doanh nghiệp, là hành trình cải cách thể chế và phát triển mô hình doanh nghiệp ở Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Ở góc độ doanh nhân, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng, nhiều người nghĩ đồng hành đóng góp cho đất nước là những gì cao sang, lớn lao và phải có tiềm lực. Nhưng tôi cho rằng cần nằm ở ngay lúc bắt đầu. Điều quan trọng là ngay lúc ấy nghĩ đến việc khởi nghiệp để làm gì, không phải chỉ để kiếm tiền cho bản thân mà còn cho cộng đồng, cho bạn bè…
“Làm doanh nhân cần nhìn thấy 3 lợi ích: Lợi ích cho xã hội, cho đất nước; lợi ích cho những người đồng hành: Nhân viên; Lợi ích cho bản thân. Đặt lợi ích của bản thân sau hai lợi ích trên thì sự đồng hành mới vững được. Sự đóng góp ở đây không hẳn là đóng bao nhiêu thuế, làm từ thiện bao nhiêu mà là khi bắt đầu làm gì, mình luôn nghĩ rằng làm điều đó thì xã hội được gì, đất nước được gì. Doanh nhân là một nghề và đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, ông Lê Khắc Hiệp khẳng định.
Theo báo Tin tức