Phát triển doanh nghiệp: Cần chất lượng hay số lượng? Bài cuối: Đông nhưng không mạnh

10/07/2019 09:24

Nhiều doanh nghiệp (DN) mới thành lập chưa thể tiếp cận những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như của tỉnh để phát triển.

>> Phát triển doanh nghiệp: Cần chất lượng hay số lượng? Bài 1: Bùng nổ thành lập doanh nghiệp

Công ty TNHH Xuân Trường đăng ký hoạt động tại địa chỉ số 9, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Thanh Bình (TP Hải Dương), nhưng khi kiểm tra thực tế, công ty này đã bỏ trụ sở, không còn hoạt động

Từ khi thành lập, hầu hết các DN, nhất là DN nhỏ và vừa đều phát triển theo kiểu “tự sinh, tự lớn”.

Rất ít được hỗ trợ

Công ty đã thành lập được gần 4 năm, hoạt động sản xuất tương đối ổn định, tổng vốn đầu tư tăng gấp 5 lần nhưng anh Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và In NSP (TP Hải Dương) vẫn chưa quên những khó khăn, vất vả những ngày đầu mới bước chân vào thương trường. Thời điểm đó, vốn ít, mặt bằng nhỏ hẹp, thị trường chưa nhiều nên vợ chồng anh phải tất tả ngược xuôi chèo lái để DN hoạt động ổn định. Khi mới thành lập, cái DN cần nhất là vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Huy động của gia đình không đủ, vay của các ngân hàng thương mại không được nhiều vì không có tài sản bảo đảm, lãi cũng không hề thấp. Muốn tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm lại không đủ lực. "Nếu bản thân chúng tôi không cố gắng có lẽ công ty đã không tồn tại đến bây giờ. Nhiều lúc tôi nghĩ nếu chính quyền và các cơ quan chuyên môn có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho những DN khởi nghiệp, có lẽ chúng tôi đỡ vất vả hơn”, anh Trung nói.

Sau một thời gian nỗ lực với hướng đi đúng đắn, công ty của anh Trung đã trở thành đối tác tin cậy của gần 100 DN có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực in tem nhãn. “Chính vì không được hỗ trợ nên chúng tôi luôn phải cố gắng giữ và tìm kiếm khách hàng mới bằng uy tín, chất lượng sản phẩm. Nhưng không phải DN nào cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn sau khi thành lập”, anh Trung cho biết thêm.

Từ khi thành lập DN đến nay, anh Nguyễn Văn Th., Giám đốc một công ty kinh doanh hóa mỹ phẩm ở TP Hải Dương chưa bao giờ nhận được sự hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương. Đất xây nhà xưởng phải tự tìm, vốn đi vay theo giá thị trường, lao động tự đào tạo, các kiến thức quản trị DN cũng tự tìm tòi, học hỏi. “Vẫn biết thành lập DN thì tự bản thân phải nỗ lực nhưng nếu có sự hỗ trợ, động viên từ chính quyền và các cơ quan chuyên môn thì DN mới thành lập sẽ nhanh chóng trưởng thành, vững vàng hơn. Chính vì không vượt qua được những khó khăn ban đầu, nhiều DN đã phá sản, giải thể chỉ sau một thời gian ngắn thành lập”, anh Th. cho biết.

Lãnh đạo một DN mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực may mặc thẳng thắn: “Trong khi những DN Nhà nước, DN khối FDI nhận được rất nhiều ưu đãi về thuế, phí, đất đai, hành lang pháp lý thì khối DN tư nhân, nhất là những DN siêu nhỏ có cảm giác như bị bỏ rơi. Chúng tôi chưa thể tiếp cận hoặc tiếp cận một cách rất hạn chế các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh”.

Theo anh Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Đào tạo DN Việt Nam (TP Hải Dương), thời gian qua, rất ít chính sách và công cụ hỗ trợ DN của Chính phủ cũng như của tỉnh tới được các DN, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Hầu hết DN sau khi thành lập đều tự thân vận động để tồn tại. DN mới thành lập rất cần tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, lao động được đào tạo bài bản, tham gia quảng bá sản phẩm, kết nối sản xuất... Nhiều DN thành lập trên cơ sở các hộ kinh doanh cá thể nên khả năng quản trị yếu. Đây là những vấn đề quan trọng nhất, quyết định đến khả năng tồn tại, phát triển ổn định của DN nên rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn.

Non nửa không hoạt động

Mục tiêu đến năm 2020, Hải Dương sẽ có 20.000 DN. Đây là một con số lớn, thể hiện khát vọng khởi nghiệp của nhiều DN và các cấp chính quyền trong tỉnh. Câu hỏi đặt ra là: Số lượng DN nhiều liệu có tốt nếu DN hoạt động không hiệu quả? Tỉnh ta nên có bao nhiêu DN thì đủ?

Theo Cục Thuế tỉnh, toàn tỉnh hiện có 17.829 DN, HTX đã được cấp mã số thuế, nhưng chỉ có 9.848 đơn vị đang hoạt động, chiếm 55,2%. Trong số những DN, HTX còn lại có 5.526 DN, HTX bỏ địa chỉ kinh doanh; 1.707 DN, HTX đã đóng mã số thuế; 454 DN, HTX tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 288 DN không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký; 6 DN, HTX chuyển địa điểm kinh doanh. Kết quả khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy quy mô vốn, lao động của các DN trên địa bàn tỉnh tương đối nhỏ. Số DN sử dụng 10 lao động trở xuống chiếm tới 61,4%, quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng chiếm hơn 70% tổng số DN. Nhiều DN được xếp loại nhỏ, siêu nhỏ. 

Cũng theo cơ quan thuế, trong số các DN, HTX đang hoạt động, chưa đầy 30% phát sinh thuế. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 935 DN thành lập nhưng cũng có tới 784 DN đóng mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh hoặc tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn. Chính sự khốc liệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường đã làm cho hàng loạt DN phá sản, tạm ngừng kinh doanh. Tính đến hết tháng 5.2019, tổng số thuế nợ của các DN trên địa bàn tỉnh là 841 tỷ đồng gồm 355,5 tỷ đồng có khả năng thu, còn lại là nợ khó đòi kéo dài. Những con số này chứng tỏ số lượng DN không phải là yếu tố quyết định đến sự phát triển của nền kinh tế. DN hoạt động như thế nào, tạo công ăn việc làm cho bao nhiêu lao động, đóng góp được gì cho sự phát triển của địa phương mới là vấn đề đáng quan tâm. 

Để DN sau khi thành lập hoạt động hiệu quả, vấn đề cốt lõi là tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực để DN dễ dàng tiếp cận với các cơ chế, chính sách, công cụ hỗ trợ của Trung ương và tỉnh. Những khó khăn, vướng mắc về vốn, kiến thức quản trị, tuyển dụng nhân sự, đất đai xây dựng nhà xưởng… cần được các cơ quan chuyên môn tháo gỡ kịp thời nhằm tạo niềm tin và động lực cho DN, giúp DN vượt qua những khó khăn ban đầu để phát triển ổn định. Các cơ quan chuyên môn cần tham mưu để UBND tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách thực chất, xuất phát từ thực tế, đi thẳng vào những vấn đề DN quan tâm, tránh tình trạng hô hào suông, thành lập DN theo phong trào. 

NGUYỄN LAN - VỊ THỦY

(0) Bình luận
Phát triển doanh nghiệp: Cần chất lượng hay số lượng? Bài cuối: Đông nhưng không mạnh