Nhà máy điện tỷ đô trước giờ G

02/01/2020 15:49

Sau gần 10 năm xây dựng, đến nay, Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương ở xã Quang Thành (thị xã Kinh Môn) đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đi vào hoạt động.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương đã cơ bản hoàn thành

Dự kiến mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp 7,5 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia. 

Giữa năm sẽ vận hành thương mại

Từ phà Mây, xuôi theo đường 389 về xã Quang Thành sẽ thấy giữa mênh mông cánh đồng xanh tốt, Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương đã hiện hữu. Càng đi sâu vào bên trong, không khí càng nhộn nhịp, khẩn trương. Ô tô chở nguyên vật liệu nối tiếp nhau ra vào.

Trong khu nhà máy chính, cán bộ, công nhân đang miệt mài lắp đặt thiết bị. Anh Vũ Anh Quý, kỹ sư Phòng Công trình cho biết: "Anh em công nhân cũng như cán bộ làm việc không kể ngày đêm để bảo đảm tiến độ. Ý thức được tầm quan trọng của công trình nên ai cũng quyết tâm". 

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh nhà máy, ông Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Quan hệ Chính phủ và Phát triển kinh doanh của Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương, đơn vị chủ đầu tư, phấn khởi cho biết: "Đến nay, công trình đã hoàn thành 90% tổng khối lượng công việc.

Dự kiến trong khoảng từ ngày 7 - 15.3.2020, tổ máy số 1 sẽ hòa lưới điện lần đầu; từ ngày 1-15.4.2020 sẽ thử nghiệm độ tin cậy và trong khoảng thời gian từ ngày 15.5 - 15.6.2020 sẽ vận hành thương mại. Khi đó dòng điện của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương sẽ chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Tổ máy số 2 sẽ vận hành sau tổ máy số 1 khoảng 6 tháng".

Ngoài 2 tổ máy, công ty cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục, công trình phụ trợ. Đến nay, khu vực lò hơi khởi động đã hoàn thành, bể dầu và nhà bơm nhiên liệu gần xong, đường ống dẫn trên giá ống tổng hợp cũng đạt 88% khối lượng, cầu cảng đã sẵn sàng... 

Công ty CP Kinh doanh than miền Bắc đã khảo sát và dự kiến sẽ cung cấp cho nhà máy 80.000 tấn than trong thời gian tới. Khu vực chứa và các băng tải chuyền than cơ bản xong. Một trong những vấn đề được người dân và các cấp, các ngành quan tâm khi nhà máy đi vào hoạt động là vấn đề môi trường. Chủ đầu tư đã lắp đặt hệ thống hút bụi tĩnh điện, bụi được lọc và kiểm soát. Hệ thống xử lý nước thải cũng cơ bản hoàn thành. 

Để có thể hòa vào lưới điện quốc gia, Công ty TNHH Điện lực Jack Hải Dương đã xây dựng khu vực sân phân phối điện 110 kV, 220 kV và sẽ bàn giao cho Truyền tải điện Đông Bắc 2 (Tổng công ty Điện miền Bắc) quản lý, vận hành.

Ông Phạm Văn Huynh, Phó Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 2 cho biết: "Chúng tôi đã tiếp nhận các tài liệu liên quan đến hệ thống phân phối điện 110kV và 220 kV của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương và đang đào tạo nhân lực để có thể vận hành ngay khi nhà máy hoạt động chính thức". 

Vất vả tìm nguồn đầu tư

Từ năm 2009, Công ty Jaks Pacific Power Ltd của Malaysia bắt đầu tìm hiểu việc xây dựng nhà máy nhiệt điện tại Hải Dương. Tháng 6.2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp này thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương. Chủ đầu tư đã thành lập Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương để thực hiện dự án. Nhà máy được thiết kế 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 600 MW, dự kiến sản lượng điện hằng năm đạt 7,5 tỷ kWh. Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, xây dựng trên diện tích gần 200 ha tại xã Quang Thành. 

Do có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nên dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Vì thế, khi chủ đầu tư bắt tay vào thực hiện, các cấp, các ngành của tỉnh đã tạo mọi điều kiện để triển khai dự án. Tuy nhiên, dự án vẫn bị chậm so với kế hoạch đề ra do khó khăn chủ yếu về tài chính. Tiềm lực kinh tế có hạn nên để thực hiện được dự án, Công ty Jaks Pacific Power Ltd đã nhiều lần tìm đối tác nhưng đều không thành công. Cuối cùng công ty đã tìm được đơn vị hợp tác là Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc (CPECC). 

Ngoài tài chính, công ty còn gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi quá trình đầu tư chưa nộp được tiền sử dụng đất, phải gia hạn và sửa đổi hợp đồng thuê đất, người dân chưa đồng thuận phương án bồi thường... "Với sự cố gắng của công ty và sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành của Trung ương và Hải Dương, những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án đã được khắc phục. Chúng tôi đã huy động toàn bộ nhân lực, vật lực chạy đua với thời gian hoàn thành công trình trong điều kiện nhanh nhất có thể để sớm hòa lưới điện quốc gia", ông Hùng cho biết thêm.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nhà máy điện tỷ đô trước giờ G