Giá trị thương vụ AVG cao hơn nhiều so với vốn điều lệ

14/03/2018 08:52

Trong thương vụ MobiFone mua lại cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu (AVG), các cá nhân nhận đa số (khoảng 8.051 tỉ đồng) trong tổng giá trị của thương vụ là 8.889,8 tỉ đồng.

Giá trị thương vụ AVG cao hơn nhiều so với vốn điều lệ - Ảnh 1.

AVG đăng ký trụ sở chính cùng địa điểm với Bưu điện tỉnh Bình Dương nhưng chủ yếu chỉ dùng địa chỉ này để liên lạc, nhận thư từ còn bộ máy không có - ẢNH: BÁ SƠN

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, có 8 trường hợp chuyển nhượng cổ phần của Công ty AVG cho MobiFone, trong đó có 2 doanh nghiệp và 6 cá nhân.

Đáng lưu ý, giá trị chuyển nhượng của các cá nhân chiếm đa số trong thương vụ, chiếm tới hơn 8.051 tỉ đồng, trong tổng số 8.889,8 tỉ đồng chuyển nhượng.

Hiện nay các cá nhân này đã kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân tổng cộng hơn 8 tỉ đồng. Còn đối với các doanh nghiệp sẽ hạch toán trong thuế thu nhập hằng năm của doanh nghiệp.

Theo thông tin đăng ký kinh doanh của AVG, tại lần thay đổi gần nhất trước thương vụ chuyển nhượng (lần thứ 11, ngày 23.1.2015), vốn điều lệ của công ty này là 3.628 tỉ đồng, tương đương 362,8 triệu cổ phần. 

Như vậy, giá trị thương vụ chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG trị giá 8.889,8 tỉ đồng, cao hơn khá nhiều so với vốn điều lệ của doanh nghiệp này khi chuyển nhượng.

Ông Phạm Nhật Vũ, sinh năm 1973, thường trú tại Hà Nội, là một trong những cổ đông sáng lập của AVG giữ vai trò khá quan trọng tại công ty này. 

Trước thời điểm MobiFone mua cổ phần, giấy đăng ký kinh doanh ngày 23.1.2015 ghi nhận ông Phạm Nhật Vũ sở hữu tới 55,49% cổ phần của AVG, tương đương 2.013 tỉ đồng. 

Sau khi MobiFone mua lại cổ phần của AVG, ông Vũ vẫn là cổ đông của công ty này, nhưng chỉ còn sở hữu 0,12% cổ phần, tương đương 4,3 tỉ đồng.

Ông Phạm Nhật Vũ cũng là người đại diện cho Công ty CP viễn thông và truyền thông An Viên, là cổ đông sáng lập và cũng là một trong hai cổ đông doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần AVG cho MobiFone.

Ai lập ra AVG? 

Công ty AVG được thành lập từ năm 2008, đăng ký trụ sở chính tại 324 đại lộ Bình Dương, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. 

Ngoài ra, công ty có hai chi nhánh tại TP.HCM và Hà Nội.

Hiện có 5 tổ chức, cá nhân được ghi nhận là cổ đông sáng lập của AVG gồm: ông Phạm Nhật Vũ, Công ty CP viễn thông và truyền thông An Viên (trụ sở chính tại Nha Trang), Công ty Dịch vụ truyền thanh truyền hình Hà Nội (trụ sở chính Hà Nội), Công ty TNHH sản xuất chương trình Nhân văn (trụ sở chính TP.HCM) và Công ty cổ phần tổ chức biểu diễn Venus (trụ sở chính Hà Nội).

Các cổ đông sở hữu cổ phần của AVG thì phong phú hơn, và chỉ công ty mới nắm rõ ai sở hữu cổ phần, vì nếu cổ đông không giữ các vị trí pháp lý (người đại diện pháp luật, kế toán...) thì công ty không nhất thiết phải khai báo với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Dù có trụ sở chính tại Bình Dương nhưng bộ máy của Công ty AVG không hoạt động thường xuyên tại đây. 

Khi PV tìm tới địa chỉ 324 đại lộ Bình Dương thì thấy đây là trụ sở của Bưu điện tỉnh Bình Dương. Phía ngoài đường không thấy bảng hiệu nào của Công ty AVG. 

Đại diện Bưu điện tỉnh Bình Dương cho biết Công ty AVG chỉ dùng địa điểm này để đăng ký, nhận thư từ liên lạc... Khi có phản ánh của khách hàng hay thư từ thì nhân viên bưu điện tiếp nhận giúp và chuyển lại cho AVG.

Được biết, Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bình Dương (BTV) có hợp tác với AVG, nhưng chỉ hợp tác về nội dung, BTV không góp vốn tại AVG. 

Theo quy định hiện hành thì AVG là doanh nghiệp nên không có quyền tự phát sóng, nên đã hợp tác với BTV là đài truyền hình có quyền biên tập và chịu trách nhiệm về nội dung phát sóng.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Giá trị thương vụ AVG cao hơn nhiều so với vốn điều lệ