Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương Hành trình vươn xa

17/11/2017 07:56

Suốt 25 năm qua, Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương (Công ty Đê kè Hải Dương) không ngừng đổi mới, đến nay đã đủ sức thi công các công trình thủy lợi lớn, đòi hỏi kỹ thuật phức tạp.

Công ty Đê kè Hải Dương triển khai thi công kè sông Cổ Chiên (Vĩnh Long)


Khởi đầu gian nan

Ngày 17.11.1992, Xí nghiệp Gia cố đê và Xí nghiệp Xây dựng kè và công trình thủy lợi sáp nhập thành Công ty Xây dựng đê kè Hải Hưng, tiền thân của Công ty Đê kè Hải Dương hôm nay. Khi ấy trong 150 cán bộ, công nhân viên chỉ có 10 người có trình độ đại học, tổ chức thành 3 phòng nghiệp vụ, cùng 3 đội xây dựng. Thiết bị thi công đáng kể nhất là 6 máy khoan phụt vữa cũ. Vốn hoạt động hạn hẹp, hầu hết bị nợ đọng. Trụ sở có 9 gian nhà cấp4, vừa làm văn phòng, vừa làm kho... Cán bộ kỹ thuật thiếu, công nhân hầu hết chưa qua đào tạo. Công việc được giao ít, thu nhập người lao động thấp. Sau tái lập tỉnh (năm1997), đơn vị cũng chia tách, khó khăn vì thế càng tăng.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa, tháng 9.2004, doanh nghiệp chuyển đổi thành Công ty Đê kè Hải Dương. Hoạt động theo mô hình mới nên công ty gặp thêm nhiều khó khăn. Thị trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong khi nếp nghĩ bao cấp còn tồn tại, lề lối làm việc trì trệ. Lãnh đạo còn lúng túng trong điều hành, tư tưởng người lao động dao động, chưa nhận thức đầy đủ quyền và trách nhiệm của cổ đông. Tiềm lực tài chính hạn hẹp. Vốn hình thành khi chuyển đổi doanh nghiệp là 2,4 tỷ đồng, nhưng chỉ có hơn 400 triệu đồng vốn lưu động. Để khắc phục khó khăn, công ty đã tích cực tìm việc ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… nhưng vẫn chưa đủ việc làm, ổn định tinh thần cán bộ, công nhân.

Đổi mới và vươn xa

Đứng trước những khó khăn, lãnh đạo Công ty Đê kè Hải Dương đã quyết định huy động mọi nguồn lực để đa dạng hóa ngành nghề và chuyển hướng hoạt động ra thị trường xa, nhất là ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Ngoài xây dựng kè, gia cố đê, doanh nghiệp mở rộng thi công các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, gia cố nền móng, san lấp mặt bằng, nạo vét thủy lợi, xây dựng các công trình ngầm dưới nước, sản xuất các sản phẩm bê tông đúc sẵn... Các đội sản xuất trước đây chỉ chuyên thi công được từ 1-2loại công trình và thụ động chờ phân việc, sau kiện toàn và nâng cấp, các xí nghiệp thành viên chủ động hơn, thi công đa dạng các loại công trình. Các chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... được thành lập, tập trung tìm kiếm công việc ở các địa bàn thường xuất hiện thiên tai nặng nề.

Công ty đã xây dựng kế hoạch huy động nguồn vốn, bổ sung nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Đến nay, công ty có 250 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 1thạc sĩ, 145 kỹ sư. Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm các thiết bị hiện đại phục vụ thi công đóng cọc móng, thả thảm đá định vị; cừ larsen thi công hố móng... Lực lượng kỹ thuật thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến các thiết bị phục vụ thi công các công trình.

Công ty mở đường "Nam tiến" bằng dự án chống sạt lở sông Tiền tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Công trình này được chủ đầu tư đánh giá cao về tiến độ, chất lượng thi công. Tiếng lành đồn xa, đơn vị tiếp tục trúng thầu dự án kè Mương Chuối (TP Hồ Chí Minh). Công ty luôn bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình ngay cả ở nơi có điều kiện thi công khó khăn.

Mở rộng địa bàn hoạt động, Công ty Đê kè Hải Dương tiếp tục ghi dấu ấn với hàng loạt công trình lớn. Nhiều công trình chống sạt lở đã đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị như các tuyến kè tại thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), thị xã Tân Châu (An Giang), sông Cổ Chiên (TP Vĩnh Long)... Các cống Lô 21, Cả Kiến, Lò Gạch, Hóc Môn thuộc dự án Hệ thống thủy lợi tiểu vùng XVIII - nam Cà Mau; các hồ chứa nước Ô Tà Sóc, Thanh Long và Ô Thum (An Giang)…

Thi công nhiều công trình đã kéo doanh thu, lợi nhuận của công ty ngày càng tăng lên qua các năm. Năm1993, doanh thu mới đạt 4tỷ đồng, giai đoạn 2000-2003 đạt quanh mốc 20 tỷ đồng, từ năm 2013 - 2016 tăng lên khoảng 500 tỷ đồng/năm... Những năm gần đây, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước bình quân hơn 12tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động ổn định ở mức 9 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ trả cổ tức bình quân đạt 15%/năm. Từ đầu năm đến nay, ngoài giá trị các công trình 908tỷ đồng chuyển sang từ năm 2016, đơn vị đã ký thêm hơn 200 tỷ đồng ở các hợp đồng thi công mới và giá trị thực hiện đạt khoảng 400 tỷ đồng.

Trong 25 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty Đê kè Hải Dương đã được tặng Huy chương vàng "Chất lượng cao" cho cống Cầu Guột (Cẩm Giàng), kè chống xói lở Sa Đéc (Đồng Tháp); giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu ASEAN (năm 2011), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm2012)... Ngoài ra còn nhiều Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Hải Dương, các địa phương đơn vị thi công... Đặc biệt, trong dịp này, công ty được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

Phát huy tuyền thống, trong thời gian tới Công ty Đê kè Hải Dương tiếp tục đoàn kết, quyết tâm xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh, tạo bước ngoặt vươn tới những công trình lớn, tới các thị trường trong khu vực ASEAN. Với phương châm "khó khăn tìm đến, hoàn thiện sạch đẹp rời đi", công ty sẽ tiếp tục đổi mới, đủ sức chinh phục những công trình ở vùng ngập úng, sạt lở, góp phần "thay da đổi thịt" các đô thị, làng quê.

TRẦN VĂN LÃNG
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương

(0) Bình luận
Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương Hành trình vươn xa