Bài học lớn cho doanh nghiệp

20/12/2017 09:00

Mới đây thương hiệu khăn lụa Khaisilk bị “bóc phốt” khi gắn mác “made in Việt Nam” lên hàng sản xuất của Trung Quốc.

Việc Khaisilk núp bóng thương hiệu Việt để bán giá cao đã dội một gáo nước lạnh vào niềm tin của người tiêu dùng Việt, làm họ tổn thương. Câu chuyện của Khaisilk cũng đã cho các doanh nghiệp Việt một bài học lớn trong xây dựng thương hiệu và uy tín kinh doanh.

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, đại diện Tổng cục Hải quan đã cảnh báo về tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập hàng Trung Quốc rồi làm giả các thương hiệu nổi tiếng trong nước để tuồn ra thị trường bán hoặc xuất khẩu sang các nước cùng khu vực để hưởng lợi thuế quan. Ngay ở Hải Dương, chuyện núp bóng thương hiệu cũng không phải hiếm. Người tiêu dùng dễ dàng có thể tìm thấy những chiếc quần bò, áo phông được dân buôn chuyên nghiệp lấy từ Quảng Châu (Trung Quốc) về bán nhưng được gắn thương hiệu Hanosimex, GenViet hoặc May 10. Đây vốn là những thương hiệu thời trang nổi tiếng trong nước. Không chỉ ngành may mặc, người dân làng nghề bánh đa Lộ Cương (TP Hải Dương) cũng đã từng "mượn" thương hiệu mỳ Chũ của Bắc Giang để dễ tiêu thụ.  

Vì lợi nhuận mà bỏ qua chữ tín và lừa dối người tiêu dùng là việc doanh nghiệp không nên làm. Thương hiệu sản phẩm hay thương hiệu của doanh nghiệp phải được xây dựng trên nền tảng của một sản phẩm, dịch vụ tốt chứ không phải trên cơ sở thiếu minh bạch, lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để trục lợi. Tại Ngày hội Văn hóa doanh nghiệp năm trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: “Văn hóa doanh nghiệp là hình ảnh quốc gia. Việt Nam cần các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc gia”. Điều này cho thấy các doanh nghiệp cần nỗ lực để hàng hóa thương hiệu Việt vươn xa. Dòng chữ “made in Việt Nam” gắn lên mỗi sản phẩm phải được khẳng định ở toàn cầu chứ không chỉ ở trong nước.

Thương hiệu của sản phẩm không phải có được trong ngày một, ngày hai mà đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng trong một thời gian dài. Ngay cả khi đã có thương hiệu, các doanh nghiệp phải thường xuyên chăm chút và gìn giữ. Thương hiệu cũng góp phần làm nên giá trị sản phẩm. Làm thương hiệu kiểu chụp giật sẽ không có giá trị lâu bền, thậm chí phải trả giá đắt. Vì vậy, doanh nghiệp ngoài quan tâm đến lợi nhuận, mở rộng thị trường cũng cần làm thương hiệu bài bản, coi trọng văn hóa kinh doanh.
Bản thân người tiêu dùng Việt cũng cần thông thái, dũng cảm, sẵn sàng tố cáo những đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng nhưng lại núp bóng các thương hiệu nổi tiếng để trục lợi. Nếu người dùng còn chấp nhận im lặng, nương nhẹ thì hành vi làm ăn gian dối của doanh nghiệp vẫn tiếp diễn. Đáng ngại hơn là về lâu dài hàng giả sẽ giết chết hàng thật và doanh nghiệp trong nước sẽ khó phát triển.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc Khaisilk sang cơ quan công an để điều tra làm rõ các hành vi vi phạm liên quan. Đây là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp cố tình làm ăn phi pháp. Vì vậy, doanh nghiệp đừng để người tiêu dùng mất niềm tin vào thương hiệu Việt. Phải dẹp nạn núp bóng hàng Việt. Có như vậy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới thực sự có ý nghĩa và hàng Việt được tin dùng.


HOÀNG ANH

(0) Bình luận
Bài học lớn cho doanh nghiệp