Doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi từ RCEP

04/09/2022 06:00

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, từng bước phục hồi sản xuất và tăng trưởng sau những tác động từ đại dịch Covid-19.


Từ khi RCEP có hiệu lực, hàng hóa của Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam (Thanh Hà) được hưởng nhiều ưu đãi và có nhiều cơ hội cạnh tranh

Cơ hội rộng mở 

Việc thực thi RCEP mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp dệt may, công nghiệp nhẹ và chế biến rau, củ, quả của tỉnh. Theo số liệu từ Sở Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đạt hơn 5,1 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường RCEP như Hàn Quốc đạt 496 triệu USD, Nhật Bản 417 triệu USD và Trung Quốc 339 triệu USD. Dự báo giá trị xuất khẩu vào thị trường RCEP sẽ có đà tăng trưởng và nhiều dư địa để phát triển. 

Theo đại diện Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam (Thanh Hà), RCEP có chung một quy tắc xuất xứ nên đỡ phức tạp cho doanh nghiệp. Trước đây, thị trường chủ yếu của doanh nghiệp là xuất khẩu đi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), hiện nay đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì nguyên phụ liệu may mặc chủ yếu vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc và một phần Việt Nam nên hàng hóa xuất khẩu vào các nước thuộc RCEP sẽ dễ đáp ứng các điều kiện ưu đãi hơn trước kia. Thủ tục xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) RCEP cơ bản thuận lợi. Công ty đã xuất khẩu tổng các đơn hàng xin cấp C/O vào thị trường RCEP hơn 2,7 triệu USD.  

Hiện tại, Công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam (khu công nghiệp Đại An mở rộng) đang có sản phẩm xuất khẩu tới các thị trường trong RCEP gồm các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia. Trước đây, khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có một số sản phẩm không thỏa mãn tiêu chí xuất xứ để xin cấp C/O theo Hiệp định ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) thì giờ đây RCEP đã giúp xin cấp C/O cho 100% sản phẩm xuất khẩu đi thị trường này. Điều đó đã giúp hàng hóa của doanh nghiệp thêm sức cạnh tranh tại thị trường tiềm năng này. Trước đây, khi xuất khẩu vào các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á, hàng hóa của công ty sẽ hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu theo từng hiệp định thương mại tự do (FTA) riêng lẻ như Hiệp định ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN- Hàn Quốc (AKFTA), Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA). Tuy nhiên, khi RCEP có hiệu lực, doanh nghiệp chỉ sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 3 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Hàng hóa của doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi hơn, có cơ hội cạnh tranh với hàng hóa của các nhà sản xuất ở nước sở tại.

Khai thác hiệu quả

Đại diện Công ty TNHH May Tinh Lợi (khu công nghiệp Lai Vu, Kim Thành) cho biết hiện nay trung bình 1 tháng, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt hơn 40 triệu USD, xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia, trong đó thị trường RCEP chiếm thị phần lớn nhất với khoảng 25 triệu USD. Chỉ riêng thị trường Nhật Bản khoảng 15 triệu USD, tăng từ 2-3 triệu USD/tháng so với thời điểm trước khi có RCEP. 

Nhưng bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng có những sức ép cạnh tranh. Đối với thị trường xuất khẩu trong RCEP, sự cạnh tranh được dự báo phức tạp hơn khi các quốc gia đều có lợi thế tương tự. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động thay đổi, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để biến thách thức thành cơ hội.

Theo anh Nguyễn Thế Hoàng, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu (Công ty TNHH May Tinh Lợi), để nâng cao năng lực cạnh tranh, Công ty TNHH May Tinh Lợi luôn chủ động chuỗi cung ứng nguyên liệu. Không chỉ bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào mà còn quan tâm đến chất lượng đầu ra của sản phẩm. Đồng thời phải có nhiều cải tiến để tạo sự cạnh tranh về chi phí sản xuất. 

Theo ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công thương, để giúp doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh nắm bắt thông tin và tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ RCEP, sở đã chủ động phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức tập huấn chuyên sâu giới thiệu nội dung Thông tư 05/TT-BCT của Bộ Công thương về xuất xứ hàng hóa trong hiệp định trên cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nắm bắt và hiểu rõ được chính sách, quy định, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định; quy định cộng gộp xuất xứ RCEP và chứng từ thể hiện nguyên liệu theo chuỗi cung ứng khu vực...

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc. RCEP tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới; tổng GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. 

RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong 15 tới 20 năm sau khi hiệp định có hiệu lực tùy thuộc vào cam kết cụ thể của các bên. Đặc biệt, hầu hết các bên sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi RCEP có hiệu lực đối với lượng lớn số dòng thuế (từ 64-82% số dòng thuế). 

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi từ RCEP