Nhiều địa phương trong tỉnh ồ ạt xây dựng các công trình với vốn đầu tư lớn nhưng để lại khoản nợ khó đòi cho các doanh nghiệp xây dựng...
Dù trụ sở làm việc đã hoàn thành từ năm 2010 nhưng xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) vẫn nợ Công ty
Xây dựng Hùng Sơn gần 1 tỷ đồng
Tình trạng các công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành, nhưng chủ đầu tư còn nợ tiền đơn vị thi công vẫn diễn ra khá phổ biến. Việc nợ đọng kéo dài đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng lâm vào cảnh hết sức khó khăn.
Nợ kéo dàiNhững năm qua, mặc dù cấp huyện, cấp xã chưa bố trí được vốn nhưng ở một số nơi vẫn khởi công xây dựng các công trình. Cùng với đó, một số nơi chỉ trông chờ vào nguồn đấu giá quyền sử dụng đất để lấy vốn chi trả xây dựng cơ bản (XDCB) khiến việc nợ đọng càng kéo dài hơn.
Là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm thi công các công trình XDCB trong và ngoài tỉnh, thời gian qua, Công ty CP Xây lắp 3 Hải Dương (Chí Linh) luôn phải sống chung với cảnh bị các địa phương nợ đọng tiền xây dựng công trình. Đến nay vẫn còn gần 40 công trình XDCB ở các xã, thị trấn còn nợ chưa thanh toán cho doanh nghiệp này tổng số hơn 11 tỷ đồng. Đáng chú ý như công trình xây dựng nghĩa trang liệt sĩ xã Cẩm La (Kim Thành) đã hoàn thành từ năm 2005, nhưng đến nay địa phương mới thanh toán được 530 triệu đồng, còn nợ 123 triệu đồng. Nhà lớp học 2 tầng của Trường Tiểu học Tân Dân (Chí Linh) đã hoàn thành từ tháng 8 - 2007 nhưng địa phương mới thanh toán được 782 triệu đồng, còn nợ 151 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng khác cũng bị nợ tiền xây dựng các công trình. Công ty CP Xây dựng số 4 Hải Dương còn bị nợ 30 tỷ đồng, Công ty CP Xây dựng số 1 Hải Dương bị nợ 40 tỷ đồng, Công ty Xây dựng Hùng Sơn cũng bị nợ tới 25 tỷ đồng. Đại diện lãnh đạo Công ty CP Xây dựng số 1 Hải Dương bức xúc nói: Năm 2013, chúng tôi đạt doanh thu, sản lượng 70 tỷ đồng, nhưng hiện nay số tiền các địa phương còn nợ đến 40 tỷ đồng. Khoản nợ lớn nhất là công trình khu đô thị thương mại Lai Cách (Cẩm Giàng). Đây là công trình doanh nghiệp đã nhận hợp đồng thi công san lấp mặt bằng và một số hạng mục khác với huyện Cẩm Giàng từ năm 2005. Từ năm 2011, huyện đã chuyển khoản nợ cho chủ đầu tư tiếp nhận dự án, nhưng đến nay, chủ đầu tư mới chỉ thanh toán được 2,5 tỷ đồng, số tiền nợ vẫn còn tới hơn 13,5 tỷ đồng.
Khó khăn chồng chấtViệc nợ đọng XDCB đã khiến các doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Bôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty CP Xây lắp 3 Hải Dương cho biết: Để có tiền hoạt động, duy trì sản xuất, doanh nghiệp phải vay ngân hàng, gia đình, bạn bè, người thân. Trong khi đó, giá các loại nguyên vật liệu phục vụ xây dựng liên tục tăng lên càng khiến chúng tôi khó khăn hơn. Các địa phương nợ tiền cũng khiến doanh nghiệp rất khó nộp thuế. Không ít lần doanh nghiệp đã phải nộp phạt tiền nợ đọng thuế hoặc bị tính lãi do nợ đọng thuế. Chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp khi các địa phương nợ đọng tiền XDCB. Chỉ có như vậy mới giảm bớt khó khăn và giúp doanh nghiệp đứng vững trong bối cảnh hết sức khó khăn như hiện nay.
Cho dù Nhà nước đã yêu cầu các địa phương chỉ khởi công xây dựng công trình khi đã bố trí được nguồn vốn, nhưng trên thực tế ở nhiều địa phương do sức ép về đích, thậm chí là bệnh thành tích trong xây dựng nông thôn mới nên không ít công trình vẫn được khởi công. Do đó, tình trạng các xã, phường, thị trấn nợ đọng XDCB sau khi xây dựng trụ sở làm việc, trường học, hội trường, đường giao thông... đang tăng lên. Điều này càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng. Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Xây dựng Hùng Sơn cho biết: Các công trình nợ đọng phổ biến vẫn là trụ sở làm việc, trường học và đường giao thông. Do hầu hết các địa phương không tính lãi nợ đọng XDCB cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp phải trả lãi suất tiền vay từ ngân hàng đã khiến không ít doanh nghiệp xây dựng phá sản. Chúng tôi đề nghị các cơ quan, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới sớm trả các khoản nợ XDCB. Ngoài ra, đối với các địa phương có nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, các sở, ban, ngành liên quan cũng cần đơn giản các thủ tục hành chính để việc đấu giá thuận tiện hơn, tránh kéo dài để địa phương có tiền thanh toán cho doanh nghiệp. Cứ để tình trạng nợ đọng XDCB kéo dài như hiện nay thì các doanh nghiệp sẽ phá sản hết.
Việc thắt chặt đầu tư công đã và đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, các cấp, ngành của tỉnh cũng cần thực hiện quyết liệt hơn nữa để tránh việc nợ đọng ngày càng phát sinh. Bên cạnh đó, các địa phương đã xây dựng công trình cần sớm bố trí các nguồn vốn để trả nợ cho doanh nghiệp. Các huyện, thành phố, thị xã cần kiên quyết yêu cầu các xã, phường, thị trấn đang nợ đọng XDCB không được khởi công xây dựng các công trình mới. Qua đó, dần khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB kéo dài như hiện nay.
VŨ ÚY