Doanh nghiệp vẫn thờ ơ

25/02/2016 08:34

Dù cơ quan chức năng đã công khai thông tin những doanh nghiệp nợ thuế lớn, nợ thuế kéo dài, hầu hết các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục chây ỳ...



Công ty CP Viglacera Hà Nội - Nhà máy Viglacera Hải Dương là một trong số ít doanh nghiệp thực hiện
 nộp thuế còn nợ vào ngân sách sau khi bị công khai thông tin nợ thuế


Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, từ tháng 7 - 2015, Cục Thuế tỉnh công bố công khai thông tin những doanh nghiệp còn nợ thuế lớn, nợ thuế kéo dài. Tuy nhiên, sau một thời gian công khai thông tin, các doanh nghiệp vẫn thờ ơ.

Không hưởng ứng


Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh, tổng số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp đến hết năm 2015 là 880 tỷ đồng, trong đó tiền nợ gốc 538,4 tỷ đồng, tiền phạt và chậm nộp 341,6 tỷ đồng. Đây là số nợ lớn nếu so sánh với tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015. Hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm và nhóm giải pháp đã được cơ quan thuế triển khai, trong đó công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế được chú trọng. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn, Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố phân loại chính xác tình hình nợ thuế, làm rõ nguyên nhân nợ của từng đối tượng để triển khai những giải pháp thu nợ hiệu quả như động viên, thuyết phục người nộp thuế có kế hoạch cụ thể, phân chia nguồn tiền bảo đảm vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa có tiền nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Một trong những biện pháp đã được Cục Thuế tỉnh triển khai là phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn công khai danh sách các đơn vị nợ thuế lớn, nợ kéo dài.

Thực hiện Công văn số 9901/BTC-TCT ngày 20-7-2015 của Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh đã công khai thông tin 5 doanh nghiệp có số nợ thuế lớn là: Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nhật Nguyên (nợ hơn 16,5 tỷ đồng), Công ty Liên danh công trình Hữu Nghị (nợ hơn 13,7 tỷ đồng), Công ty CP Thương mại và đầu tư Vạn Xuân (nợ hơn 12,5 tỷ đồng), Công ty TNHH một thành viên Việt Mỹ Hải Dương (nợ gần 33,8 tỷ đồng) và Công ty CP Viglacera Hà Nội - Nhà máy Viglacera Hải Dương (nợ gần 29 tỷ đồng). Đầu tháng 12 - 2015, Cục Thuế tỉnh tiếp tục công khai đợt 1 thông tin nợ thuế đối với 82 doanh nghiệp với tổng số nợ lên tới hơn 127,2 tỷ đồng. Trong danh sách này, nhiều doanh nghiệp có số nợ tương đối lớn và kéo dài như Chi nhánh Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Trường Linh Hải Dương (nợ 12,9 tỷ đồng), Doanh nghiệp tư nhân Xí nghiệp cơ giới và xây dựng Sao Đỏ (nợ 3,6 tỷ đồng), Công ty TNHH một thành viên vận tải Đông Hải (nợ 2,4 tỷ đồng), Công ty CP Hợp Thành (nợ 4,45 tỷ đồng), Công ty TNHH một thành viên Tháp UBI (nợ 3,7 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại Thành Phát (nợ 2,2 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Thành An (nợ 2,4 tỷ đồng)... Đầu tháng 2 - 2016, Cục Thuế tỉnh lại công khai 191 doanh nghiệp còn nợ thuế nhưng đã bỏ địa chỉ kinh doanh với tổng số tiền nợ đọng khoảng 21 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này đều đã bị cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế bằng hình thức trích tiền từ tài khoản và thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.



Doanh nghiệp tư nhân Tùng An Phúc vẫn chưa nộp gần 195 triệu đồng tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước


Tuy nhiên, sau một thời gian công khai thông tin, mới có 5 trong tổng số 278 doanh nghiệp nộp gần 28 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Trong đó, Công ty Liên doanh công trình Hữu Nghị nộp 606 triệu đồng, Công ty CP Thương mại và đầu tư Vạn Xuân nộp 350 triệu đồng, Công ty TNHH một thành viên Việt Mỹ Hải Dương nộp 5 tỷ đồng, Công ty CP Viglacera Hà Nội - Nhà máy Viglacera Hải Dương nộp 20,2 tỷ đồng và Công ty CP Hana Motors nộp 1,64 tỷ đồng. Như vậy, với tổng số nợ lên tới gần 270 tỷ đồng của gần 300 doanh nghiệp, số tiền các doanh nghiệp nộp vào ngân sách sau khi bị "bêu" tên chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Cần mạnh tay

Theo ông Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh), việc công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế được xem là biện pháp cuối cùng và là biện pháp không mong muốn của cả doanh nghiệp và cơ quan thuế. Biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù đây được xem là biện pháp mạnh, nhưng các doanh nghiệp gần như không hợp tác với cơ quan thuế. Thực tế, trong số những doanh nghiệp bị "bêu" tên, rất ít doanh nghiệp nộp tiền vào ngân sách hoặc chủ động liên hệ với cơ quan thuế để xây dựng kế hoạch nộp số thuế còn nợ đọng. Nguyên nhân do bên cạnh một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ còn nhiều doanh nghiệp đã phá sản, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng không còn khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Theo nhận định của cơ quan thuế, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh năm 2015 đã có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, sản xuất cầm chừng, hàng hóa tiêu thụ chậm, công nợ không thu hồi được. Bên cạnh đó, việc thanh toán các khoản công nợ liên quan đến các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp, tiền lương công nhân và nghĩa vụ về thuế đối với ngân sách cũng trở thành một áp lực không nhỏ cho các công ty. Vì vậy, cùng với việc công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan thuế tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp quyết liệt như phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu tiền và tài sản qua bên thứ ba, thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, thu hồi mã số thuế hoặc phối hợp với cơ quan công an để điều tra hành vi trốn thuế và xử lý theo quy định. Vấn đề cốt lõi là UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan phải chủ động xây dựng những chính sách hỗ trợ phù hợp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ đó có nguồn thu đóng góp vào ngân sách nhà nước.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp vẫn thờ ơ